Đối thoại với dân không phải là chiếu lệ, “làm cho xong chuyện”

Thứ Tư, 14/11/2018, 11:31

“Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết chứ không chỉ ở giai đoạn đầu và phải tôn trọng, thực hiện một cách nghiêm túc, cầu thị chứ không phải là chiếu lệ, làm cho xong chuyện”, ĐBQH Tô Văn Tám nêu quan điểm.


Sáng 14-11, thảo luận tại hội trường về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2018, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị hết sức coi trọng đối thoại trong giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt trong giải quyết khiếu nại về đất đai.

“Người dân thường thiếu thông tin, hay cập nhật thông tin không kịp thời, mà trong điều kiện phức tạp của mạng xã hội hiện nay thì thông tin có lúc có nhiều sai lệch hoặc chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật” – ông nói.

ĐBQH Tô Văn Tám

Đại biểu cho rằng, qua đối thoại sẽ mang lại cho họ thông tin đầy đủ về chính sách hơn, đồng thời cũng hiểu rõ hơn thái độ, sự thiện chí của các bên và góp phần quan trọng tìm ra giải pháp có tính đồng thuận cao để giải quyết một cách thuyết phục và khả thi nhất.

“Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết chứ không chỉ ở giai đoạn đầu và phải tôn trọng, thực hiện một cách nghiêm túc, cầu thị chứ không phải là chiếu lệ, làm cho xong chuyện”, ông nêu quan điểm

Mặt khác, ĐBQH tỉnh Kon Tum khẳng định, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội, các cá nhân có uy tín, các cá nhân có am hiểu pháp luật như luật sư, người trợ giúp pháp lý, hoà giải viên… là hết sức quan trọng. Các tổ chức, cá nhân này sẽ tư vấn cho người khiếu nại tố cáo về mọi mặt, sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Cần hoàn thiện các cơ chế pháp lý cho sự tham gia này, để đảm bảo sự tư vấn đúng pháp luật, loại trừ hành vi lợi dụng tư vấn để kích động khiếu nại, tố cáo” – đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Hồng Vân

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm việc tiếp công dân và đối thoại với công dân. Cho rằng vấn đề này nhiều đại biểu nêu rồi, ông lưu ý việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND các cấp và tổ chức đối thoại phải hết sức nghiêm túc, tạo sự đồng thuận, trả lời giải quyết cụ thể.

“Chứ nếu cử cấp phó hoặc cấp có thẩm quyền, nói là “chúng tôi xin phép ghi nhận, sẽ báo cáo lại, sẽ xem xét giải quyết, nghiên cứu giải quyết… rồi dân lại chờ mỏi mòn” – đại biểu nói, đề nghị cần chỉ đạo quyết liệt hơn.

Đại biểu Tô Văn Tám cũng cho rằng, hiện chưa có chế tài xử lý khiếu nại sai sự thật. Đây là hạn chế, bất cập trong thi hành giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài.

“Chính phủ cần quan tâm xác lập cơ chế xử lý hành vi cố tình khiếu nại tố cáo sai sự thật. Trên thực tế nhiều người tố cáo đi tố cáo lại, mặc dù tố cáo là sai nhưng họ cứ tưởng là đúng nên tiếp tục khiếu nại tố cáo”, ông góp ý kiến.

Trong khi đó, ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) đánh giá công tác tiếp dân hiện tại cần nhưng chưa đủ. Ông đề nghị Thanh tra Chính phủ tập huấn cho cán bộ cách tiếp dân theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, sâu kỹ hơn, có video clip hướng dẫn cụ thể.

“Cần thay đổi cách tập huấn để cán bộ có đầy đủ kỹ năng, sáng tạo và linh hoạt hơn trong tiếp công dân, đặc biệt đối với những người dân quá khích hay có thái độ cù nhầy trong khiếu nại tố cáo” – đại biểu nêu giải pháp.


Quỳnh Vinh
.
.
.