Công an Hà Nội đang điều tra vụ ngộ độc do pate Minh Chay
- Quảng Nam thu hồi thêm 12 sản phẩm cùng xuất xứ với pate Minh Chay
- 3 bệnh nhân tại Quảng Nam nghi ngộ độc pate Minh Chay
- Khẩn trương thu hồi sản phẩm “Pate Minh Chay”
- Vụ Pate Minh Chay, đề nghị Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân
- Rà soát sản phẩm pate Minh Chay trên toàn quốc
Sẽ điều tra, làm rõ nguyên nhân và sai phạm
Về vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng pate Minh Chay khiến 9 người bị ngộ độc trên toàn quốc, Thiếu Tướng Tô Ân Xô cho biết, ngay sau khi xảy ra, Bộ Công an đã giao Công an TP Hà Nội chủ trì xử lý vụ việc, tập hợp báo cáo; yêu cầu Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT trực tiếp chỉ đạo.
Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, đánh giá toàn bộ vụ việc; nếu đủ căn cứ thì khởi tố điều tra, nếu chưa đủ căn cứ khởi tố thì tiến hành các thủ tục tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố; tập trung xác minh làm rõ các vi phạm trong quy trình nếu có, từ khâu mua nguyên liệu đầu vào, sản xuất, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, sử dụng... Đồng thời trao đổi với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan làm rõ, có kết luận chính thức nguyên nhân xảy ra ngộ độc và những vi phạm.
Thiếu tướng Tô Ân Xô trả lời phóng viên báo chí. |
"Ngoài việc giao cho Công an TP Hà Nội, Bộ Công an đang tích cực tiến hành điều tra tiếp", Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định.
Trả lời thêm về vụ pate Minh Chay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân.
Về câu hỏi cơ quan nào phải chịu trách nhiệm để xảy ra vụ việc, ông cho biết, theo Nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, có giao cho 3 Bộ phụ trách về an toàn thực phẩm, trong đó mỗi Bộ phụ trách từng loại thực phẩm cụ thể.
"Ở đây, Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản của Hà Nội, trực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, và sản phẩm pate Minh Chay cũng do công ty này công bố", Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Vụ lắp đặt thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai: 3 đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt 10 tỷ đồng
Tại họp báo, phóng viên báo chí cũng đã đề nghị Bộ Công an thông tin rõ hơn về kết quả điều tra vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.
Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, qua điều tra bước đầu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, có một số cá nhân tại Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.
Toàn cảnh họp báo. |
Trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận, hệ thống này được nhập khẩu có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng (bao gồm cả VAT), tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau nâng khống giá lên 39 tỷ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai.
"Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh là khoảng hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai là 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng/ca. Trong các năm từ 2017 - 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã chi trả tổng cộng 550 ca, số tiền chênh lệch mà các đối tượng được hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh là khoảng hơn 10 tỷ đồng", Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng nêu rõ, hiện nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can và mở rộng điều tra, làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 31-8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (SN 1979, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty BMS) và Ngô Thị Thu Huyền (SN 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS; quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng (SN 1978, thẩm định viên Công ty VFS).
Tăng cường đấu tranh xử lý hành vi mua bán trái phép quân trang
Đề cập tới việc Công an Quận 11, TP Hồ Chí Minh vừa bắt giữ hai đối tượng đóng giả Công an vào nhà dân lục soát, bắt người, cưỡng đoạt tài sản, các phóng viên đặt câu hỏi về giải pháp của Bộ Công an để ngăn chặn tình trạng mua bán quân phục ngành "tràn lan trên mạng"?
Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định, không có hiện tượng mua bán quân phục Công an tràn lan trên mạng mà đây chỉ là hiện tượng hết sức cá biệt, đồng thời đề nghị nếu phóng viên thấy tràn lan thì hãy cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
Theo Chánh Văn phòng, Bộ Công an đã ban hành 5 Công điện về việc đấu tranh xử lý các hoạt động mua bán trái phép quân trang, công cụ hỗ trợ; tăng cường chấn chỉnh việc quản lý, cấp phát, sử dụng quân trang, thẻ ngành; nghiêm cấm cán bộ chiến sỹ bán; tăng cường nắm tình hình các hoạt động mua bán, sử dụng trái phép các trang phục; đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo các hoạt động giả danh Công an...