Chủ tịch tỉnh Bình Phước đi thăm đồng bào thiểu số 2 lần/tháng

Thứ Hai, 22/08/2016, 16:58
Ngày 22-8, tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đã yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã sắp xếp cho ông đi thăm (mỗi tháng đi 2 lần) các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những hộ khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Trăm yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách hoặc xã hội hóa để làm nhà cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo và không có nhà ở hoặc nhà tranh tre, nứa lá xuống cấp. Mặt khác, chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số để giảm bớt và tiến tới chấm dứt tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời nghiên cứu cách làm giàu của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó tổ chức hội thảo, nhân rộng mô hình.

Một góc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước – nơi có đông đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống.
Hoạt động văn hóa múa cồng chiêng bên đống lửa hồng của người đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng bản địa Sóc Bom Bo thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan tham mưu UBND tỉnh cấp đất, tổ chức đào tạo nghề cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo, không có đất sản xuất để họ có điều kiện lao động, sinh sống, đồng thời bố trí vốn cho Ban Dân tộc triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng bản địa Sóc Bom Bo thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước với truyền thống uống rượu cần tại một dịp lễ hội của bà con.
Các thiếu nữ Đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng bản địa Sóc Bom Bo thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước với truyền thống giã gạo.

“Chúng tôi đã yêu cầu các Sở, ban ngành tỉnh và các huyện, thị xã phải tích cực tham mưu UBND tỉnh đề ra các giải pháp để ổn định từ vi mô đến vĩ mô (từ địa phương đến Trung ương), đồng thời cần thể hiện rõ trách nhiệm của cán bộ đối với người dân, nhất là lúc người dân gặp hoạn nạn, thiên tai dịch họa, trường hợp bất khả kháng. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các đơn vị đi học tập kinh nghiệm các tỉnh, thành bạn có điều kiện giống Bình Phước với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, tiết kiệm” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm nói.

Các thiếu nữ đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng bản địa Sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) với truyền thống nấu cơm ống tre.
Sản phẩm dệt thổ cẩm do người đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng bản địa Sóc Bom Bo thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước trưng bày, bán tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo - Ảnh: Đức Trí.

Bình Phước hiện có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen, đoàn kết, với khoảng 185.000 người, chiếm 1/5 dân số của tỉnh. Số lượng dân tộc đông, dân tộc bản địa là S’tiêng và một bộ phận dân tộc Khmer. Đặc điểm, phong tục, tập quán của các dân tộc khác nhau, có sự chênh lệch. Một số đồng bào các dân tộc biết cách làm ăn phát triển kinh tế mạnh, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Thực hiện chủ trương, chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước, hằng năm tỉnh Bình Phước đã ưu tiên một phần nguồn vốn ngân sách địa phương kết hợp lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho các chương trình, chính sách, dự án như: 135, 33, 1592, 755, 102, 54… đã tác động tích cực làm cho diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện.

Đức Trí
.
.
.