Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Cộng hòa Nhân dân Bangladesh

Thứ Ba, 06/03/2018, 13:18
Ngày 6-3, ngày cuối của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Bangladesh, sau khi tiếp ông Sayed M. Rahaman, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Bangladesh – Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Bangladesh tổ chức tại Thủ đô Dhaka.


Diễn đàn do Bộ Kế hoạch đầu tư  phối hợp với Hội đồng doanh nghiệp Bangladesh – Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Dhaka với hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh tham dự.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Lãnh đạo Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh (FBCCI) Shafiul Islam. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch nước cho rằng, năm 2018 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Bangladesh  khi hai nước  tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và chân thành biết ơn sự ủng hộ quý báu mà nhân dân Bangladesh đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tựu kinh tế xã hội mà Bangladesh đạt được trong những năm qua. Banglades được coi là hình mẫu thành công trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng, công bằng xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Cùng với việc thực hiện Chiến lược Tầm nhìn 2021, Bangladesh đang hiện thực hoá mục tiêu gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình và hướng tới trở thành quốc gia số hóa, có nền khoa học - công nghệ phát triển tiên tiến. 

Việt Nam luôn coi trọng và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Bangladesh, sẵn sàng chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm trên các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và mong muốn tiếp tục vun đắp quan hệ song phương, phát triển hiệu quả, thực chất, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.

Chủ tịch nước nêu rõ: Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nền kinh tế kém phát triển, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế đang phát triển, có mức thu nhập trung bình. Năm 2017, nền kinh tế tiếp tục khôi phục đà phát triển nhanh và ổn định với mức tăng trưởng GDP đạt 6,81%; quy mô thương mại đạt 425 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 37 tỷ USD, đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lên 320 tỷ USD. Với môi trường đầu tư được cải thiện, chi phí đầu tư cạnh tranh, hạ tầng giao thông được nâng cấp mạnh mẽ với tính kết nối quốc tế thuận lợi, chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư hấp dẫn..., Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn mang tầm chiến lược đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ phát triển kinh tế đến năm 2020 GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, ổn định và tăng trưởng xanh gắn với ba động lực chính là xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa và mở rộng đầu tư. Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch hóa thủ tục phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thu hút mọi nguồn lực cùng tham gia phát triển kinh tế.

Không chỉ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển về quy mô và tiếp cận với các công nghệ mới của thế giới. Đến nay đã có khoảng 1.170 dự án đầu tư ra nước ngoài tại 69 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đạt trên 20 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực, như khai khoáng, viễn thông, nông nghiệp - lâm nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, dịch vụ… Trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam coi trọng những đối tác có quan hệ hữu nghị truyền thống, trong đó có Bangladesh.  

Chủ tịch nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn thúc đẩy các hoạt động đầu tư sang Bangladesh, đặc biệt là trong các lĩnh vực hai bên có khả năng hợp tác, như viễn thông, công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, may mặc, dầu khí, sản xuất hàng tiêu dùng, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ... Nền kinh tế của Việt Nam và Bangladesh có nhiều điểm tương đồng và có khả năng bổ trợ lẫn nhau là điều kiện quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư. Chúng tôi đánh giá rất cao tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư tại Bangladesh. Với quy mô dân số trên 160 triệu người, Bangladesh là thị trường lớn, có triển vọng tăng trưởng nhanh, chi phí thấp, đồng thời cũng là một thị trường lao động dồi dào, sử dụng thành thạo tiếng Anh, đáp ứng các yêu cầu về nguồn nhân lực cho hợp tác và phát triển. 

Trên cơ sở những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và những biện pháp cải thiện môi trường đầu tư mà Bangladesh đang thực hiện như thành lập các khu kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, thuế…, Việt Nam  đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Bangladesh tăng cường sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Bangladesh. Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp Bangladesh đầu tư sang Việt Nam trong các lĩnh vực Bangladesh có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. 

Trong lĩnh vực thương mại, cùng với việc kim ngạch thương mại hai chiều gia tăng nhanh chóng từ năm 2010 đến nay, nhiều mặt hàng của Việt Nam như gạo, nông sản, thực phẩm, dệt may, giầy dép, hàng điện tử đã dần trở nên phổ biến với người dân Bangladesh. Với sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, chúng tôi tin tưởng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong năm nay và hoàn toàn có thể đạt và vượt mức 2 tỷ USD vào năm 2020.

Chủ tịch nước mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, mà còn đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, tạo động lực mới trong quan hệ thương mại và đầu tư. Chủ tịch nước tin tưởng với truyền thống  hữu nghị tốt đẹp, với cơ hội và tiềm năng hợp tác to lớn cùng sự chủ động và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Sau Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam –Bangladesh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự lễ khai mạc Những ngày Văn hoá  Việt Nam tại Bangladesh.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn cấp cao Việt Nam đã rời Thủ đô Dhaka, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức  Cộng hoà nhân dân Bangladesh.

Phạm Miên (Từ Dhaka, Bangladesh)
.
.
.