Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Bảo tàng Nehru và nói chuyện với các học giả, sinh viên Ấn Độ

Chủ Nhật, 04/03/2018, 14:31
Sáng ngày 4-3, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hoà Ấn Độ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã đến thăm Bảo tàng Nehru, nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử về cuộc đời và hoạt động của Jawaharlal Nehru, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người suốt đời phấn đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Ấn Độ, vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới - Người bạn lớn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.

Tại đây Chủ tịch nước có buổi nói chuyện với các học giả và sinh viên Ấn Độ. Báo Công an nhân dân điện tử xin giới thiệu bài nói chuyện của Chủ tịch nước cùng bạn đọc:

Trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, thế giới của chúng ta trải qua những biến chuyển nhanh chóng, sâu sắc và toàn diện. Một trong những chuyển dịch mạnh mẽ nhất, khơi dậy nhiều cảm hứng nhất chính là sự trỗi dậy của châu Á.

100 năm trước đây, đa phần châu lục này, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam, còn đắm chìm trong những đêm dài thuộc địa, chiến tranh và lạc hậu. Ít ai đã có thể hình dung được 100 năm sau, châu Á sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm chiến lược cả về chính trị, kinh tế, văn hóa của thế giới. Hầu hết các dự báo về thế giới ngày nay đều thống nhất một điểm: Thế kỷ này sẽ là thế kỷ của châu Á.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói chuyện với các học giả, sinh viên Ấn Độ

Chỉ trong vài thập niên, thế giới đã liên tục chứng kiến những kỳ tích mà Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN... đã lập nên. Điều trùng hợp lý thú là trung tâm của các kỳ tích đó đều nằm ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa, khu vực hóa, xu thế liên kết, hội nhập và tác động của cách mạng khoa học - công nghệ, thời gian qua, tại khu vực này đã xuất hiện hàng loạt các ý tưởng, sáng kiến, chiến lược hợp tác dài hạn mang tầm liên khu vực và toàn cầu.

Đó là: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực của ASEAN và 6 nước đối tác; chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ; sáng kiến liên kết “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc; chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản; tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Hoa Kỳ và gần đây nhất là sự hình thành của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với sự tham gia của 11 nền kinh tế ở hai bờ Thái Bình Dương…

Tất cả các nhân tố trên đang gia tăng vị thế và sức hấp dẫn của khu vực chúng ta lên một tầm mức mới, chưa từng có trong lịch sử. Nếu những ý tưởng, sáng kiến và chiến lược nêu trên trở thành hiện thực như tuyên bố của những người sáng lập, chúng ta sẽ chứng kiến sự hình thành một không gian an ninh và phát triển mới: không gian Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.

Và sự kết nối ngày càng chặt chẽ hơn cả về kinh tế, chính trị, văn hóa giữa châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ tạo dựng một động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy xu hướng đưa thế kỷ của châu Á trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân với Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovin và Thủ tướng Narendra Modi tại lễ đón. Ảnh: TTXVN

Khi đó, cả Ấn Độ và Việt Nam sẽ đều là thành viên của một cộng đồng rộng lớn với 60% diện tích địa cầu, hơn 50% dân số thế giới, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP, thương mại, đầu tư và năng lực sáng tạo toàn cầu. ASEAN và Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm kết nối, giữ vai trò trọng yếu đối với tương lai phát triển của khu vực.

Chủ tịch nước nhấn mạnh:

Những thành tựu đã đạt được trong những thập niên qua ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương là nền tảng vững chắc để củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước trong và ngoài khu vực, giúp chúng ta cống hiến ngày càng nhiều cho nhân loại.

Tuy nhiên, khu vực này cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức đan xen. Bên cạnh việc là nơi tập trung nhiều sáng kiến liên kết, hợp tác, Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương cũng là trọng điểm cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng gay gắt giữa các nước lớn.

Nhiều “điểm nóng” trong khu vực, xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, tranh chấp tài nguyên, khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… tiếp tục diễn ra với quy mô, tần suất, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Mâu thuẫn giữa hợp tác và cạnh tranh; giữa ôn hòa và cực đoan; giữa mở cửa và biệt lập; giữa tự do và bảo hộ; giữa phát triển và tụt hậu; giữa độc lập và lệ thuộc; giữa đoàn kết và chia rẽ vẫn còn gay gắt. Khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa trở thành hiện thực.

Thế kỷ này có trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương hay không? Khu vực này có thật sự trở thành tâm điểm kết nối các nguồn lực, hài hòa các lợi ích để tiếp tục phát triển năng động, bền vững hơn nữa hay không?

Khát vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước đều chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực mở, dựa trên luật pháp quốc tế, cùng chia sẻ lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng bao trùm, trong đó, không một quốc gia nào, không một dân tộc nào, không một nhóm dân cư nào bị bỏ lại phía sau.

Khát vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước cùng nỗ lực bảo vệ sự tự do, thông suốt của các tuyến đường hàng hải, hàng không, thương mại, không để Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương bị chia cắt thành các khu vực ảnh hưởng, bị thao túng bởi chính trị cường quyền, bị ngăn cản bởi chủ nghĩa bảo hộ hay bị chia rẽ bởi chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi. 

Khát vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi các nước kề vai, sát cánh xây dựng một không gian sinh tồn và phát triển chung với niềm tin Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương đủ lớn để tất cả các nước cùng phát triển thịnh vượng.  

Khát vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi các nước nỗ lực hình thành các cơ chế hữu hiệu để duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, bảo đảm an ninh chung, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Dẫn lời Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi nói về vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam, Ấn Độ trên trường quốc, Chủ tich nước nói:

Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi từng nói: “Bạn phải chính là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong thế giới này”. Đúng vậy, việc hiện thực hóa khát vọng trên phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và ý chí cùng quyết tâm hợp tác của các nước trong khu vực, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam và ASEAN.

Về địa lý, Ấn Độ và ASEAN nằm ở trung tâm của không gian Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Về lịch sử, trong suốt hơn 20 thế kỷ qua, các dân tộc Ấn Độ và Đông Nam Á đã đến với nhau vì các giá trị hòa bình, nhân văn và bác ái.

Ngày nay, một Ấn Độ phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng lớn cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực; một ASEAN tự cường, đoàn kết, thống nhất, liên kết chặt chẽ và mở rộng hợp tác, có vai trò ngày càng cao ở khu vực sẽ là những nhân tố có ý nghĩa rất quan trọng đối với hòa bình, hợp tác và phát triển của cả khu vực. Đó chính là lợi ích và tầm nhìn chiến lược chung phù hợp với con đường phát triển, phù hợp với vai trò và vị thế ngày càng cao của Ấn Độ và ASEAN trên trường quốc tế.

Vì lẽ đó, ASEAN có niềm tin và kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ trong tương lai. Đó là sự vươn lên không ngừng của một cường quốc có ý thức sâu sắc về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với cộng đồng quốc tế. Ấn Độ sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới, một động lực quan trọng của hòa bình, thịnh vượng, liên kết và hội nhập của Ấn Độ Dương - châu Á -Thái Bình Dương cũng như của cả thế giới.

Chúng tôi cảm ơn và đánh giá cao phát biểu của Ngài Thủ tướng Narendra Modi tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ, tháng 11-2017: Chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ “được xây dựng xoay quanh ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Với chính sách đó, Ấn Độ đang nỗ lực kết nối thực chất, hội nhập sâu hơn về kinh tế, chính trị và tăng cường giao lưu nhân dân với các nước ASEAN. Rõ ràng, chỉ có thể dựa trên sự kết nối ngày càng chặt chẽ về hạ tầng, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ…, Ấn Độ và ASEAN mới có thể tăng thêm sức mạnh, cùng phát huy vai trò, vị thế, góp phần tạo dựng một không gian phát triển chung cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển và ứng phó hiệu quả hơn với các biến động và thách thức từ bên ngoài.

25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ vừa qua đã chứng tỏ điều này, 25 năm tới đây, với những thời cơ và thách thức mới, tăng cường kết nối ASEAN - Ấn Độ sẽ vừa là đòi hỏi khách quan vừa là sự lựa chọn chiến lược của tất cả các bên.

Nói đến quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, Chủ tịch nước nhấn mạnh:

Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ sắp đi qua chặng đường nửa thế kỷ, nhưng mối liên hệ mật thiết giữa hai đất nước, hai dân tộc chúng ta đã có từ hàng nghìn năm trước. Sự gắn kết đó không chỉ xuất phát từ những chia sẻ về lợi ích mà còn khởi nguồn từ những giá trị tương đồng sâu sắc, bền vững về văn hóa.

Từ đầu Công Nguyên, nhà sư Ma-ha-gi-va-ka đã đưa Phật giáo từ Ấn Độ du nhập Việt Nam và có sức lan tỏa nhanh chóng nhờ các giá trị văn hóa, tâm linh, gần gũi với tín ngưỡng bản địa. Những tư tưởng bình đẳng, bác ái, vô ngã, vị tha của Phật giáo đã bén rễ sâu đậm trong tâm thức người Việt, trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa Việt Nam.

Từ thế kỷ thứ 2, Ấn Độ giáo cũng đã có mặt tại Việt Nam, mà dấu ấn còn được lưu giữ đậm nét trong các di tích văn hóa Chăm-pa ở miền Trung Việt Nam, qua bản trường ca Ramayana bất hủ, hình tượng nàng Sita tài sắc, cũng như trường phái thiền Yoga ngày càng phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội Việt Nam.

Đến tận hôm nay, Rabindranath Tagore, danh nhân văn hóa, nhà thơ, nhà triết học lỗi lạc châu Á đầu tiên được tặng giải thưởng Noben văn học, vẫn còn làm say đắm triệu triệu người Việt Nam với những vần thơ chứa đựng những triết lý sâu sắc về vũ trụ, con người, hạnh phúc và tình yêu.

Trong những thập niên đầu thế kỷ 20, các nhà lãnh đạo tiền bối của hai nước không hẹn mà cùng gặp nhau trên con đường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập, tự do của hai dân tộc. Ngay từ năm 1943, trong cảnh lao tù, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có những vần thơ đầy cảm xúc gửi Jawaharlal Nehru:

“Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,

Anh phải vào lao, tôi ở tù;

Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,

Không lời mà vẫn cảm thông nhau”.

Đúng 11 năm sau, ngày 17 -10-1954, chỉ một tuần sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Thủ tướng Jawaharlal Nehru là khách quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam.

Hình ảnh những người anh em Ấn Độ xuống đường ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, hô vang khẩu hiệu “Tên anh Việt Nam, tên tôi Việt Nam, tên chúng ta Việt Nam, Việt Nam Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ” sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm các thế hệ người dân Việt Nam.

Từ đáy lòng mình, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những tình cảm trong sáng, rất mực chân thành, gian khó không đổi thay, phong ba không lay chuyển mà nhân dân Ấn Độ đã dành cho nhân dân Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Ngày nay, trong một thế giới đang biến chuyển nhanh chóng, chúng ta tự hào nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ vẫn thủy chung son sắt và ngày càng phát triển tốt đẹp. Thủ tướng Narendra Modi đã nhấn mạnh “Việt Nam là ưu tiên cao nhất trong nỗ lực tăng cường quan hệ của Ấn Độ với châu Á - Thái Bình Dương”. Đối với Việt Nam, trong chính sách đối ngoại của mình, Ấn Độ luôn là một trong những đối tác ưu tiên quan trọng nhất.

Cách đây đúng 60 năm, khi đến thăm Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng tôi từng khẳng định “Ấn Độ là một nước độc lập, hùng mạnh, đã có nhiều cống hiến quý báu cho hòa bình châu Á và thế giới”. Nhận định đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chúng tôi vui mừng nhận thấy trong những năm qua, sự vươn lên của Ấn Độ luôn gắn liền với sự thịnh vượng, phồn vinh của châu Á. Con đường phát triển hòa bình của Ấn Độ luôn là nhân tố quan trọng mang tính xây dựng đối với hòa bình, ổn định ở khu vực. Với tiềm lực và đóng góp của mình, Ấn Độ xứng đáng đóng một vai trò lớn hơn ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

Vì lẽ đó, Việt Nam hoan nghênh Ấn Độ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng ở khu vực, nhất quán ủng hộ Ấn Độ tham gia tích cực vào các cơ chế liên kết, hợp tác khu vực, kể cả APEC, cũng như trở thành Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hiện nay, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cùng chia sẻ lợi ích và giá trị tương đồng, nhận thức và quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai bên đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động giai đoạn 2017 - 2020 với nhiều kết quả tích cực.

Hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh được mở rộng và trở thành trụ cột chiến lược trong quan hệ hai nước. Hợp tác kinh tế - thương mại tăng trưởng với tốc độ cao. Hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu, vun đắp nền tảng xã hội bền chặt cho quan hệ hai nước.

Năm 2017 là Năm hữu nghị kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ. Quan hệ giữa hai nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, cần những nỗ lực mới, quyết tâm mới của cả hai bên để đạt được những thành tựu to lớn hơn, `đáp ứng kỳ vọng của nhân dân hai nước.

Mục tiêu của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước chúng ta không có gì khác hơn là một Việt Nam giàu mạnh, phát triển bền vững, một Ấn Độ hùng cường có uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, cùng đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực cũng như thế giới.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tôi Chủ tịch nước đã chia sẻ một số suy nghĩ về bước đi sắp tới của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Trước hết, tăng cường hơn nữa sự kết nối về kinh tế - thương mại, coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Theo đó, cần vượt lên tư duy bảo hộ, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, kết nối kết cấu hạ tầng, hàng hải, hàng không cả trong khuôn khổ song phương cũng như trong các kế hoạch kết nối tiểu vùng và khu vực.

Việt Nam ủng hộ và phối hợp chặt chẽ để Ấn Độ trở thành một nhân tố quan trọng trong tổng thể kế hoạch về kết nối ASEAN, cùng nhau hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực trong năm 2018.

Thúc đẩy kết nối hợp tác về biển, coi đây là lĩnh vực then chốt không chỉ trong quan hệ hai nước mà còn đối với môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.

Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng năng lực trong xử lý các vấn đề an ninh biển; phối hợp phát triển kinh tế biển xanh thông qua kết nối hàng hải, hợp tác cảng biển, bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên biển; nỗ lực xây dựng trật tự trên biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Đẩy mạnh kết nối trong thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững ở hai nước, gắn kết chặt chẽ giữa khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững với các khuôn khổ hợp tác khu vực, trong đó có cơ chế hợp tác Mê-kông - sông Hằng.

Việt Nam mong muốn hợp tác hiệu quả, thực chất với Ấn Độ trong các lĩnh vực nông nghiệp xanh, công nghệ xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

 Tiếp tục hợp tác chặt chẽ, cùng nhau xây dựng cấu trúc khu vực mới cởi mở, mang tính bao trùm và cùng chia sẻ giá trị, lợi ích của hòa bình. Thực hiện có hiệu quả các nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ với tầm nhìn mới.

Một quan hệ đối tác chiến lược tốt ở mọi tầng nấc không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam và Ấn Độ, mà còn đóng góp vào hòa bình và phát triển của khu vực.

Cùng với đó, hai nước chúng ta cần phối hợp hành động chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong các cơ chế của Liên hợp quốc và ASEAN; tích cực tham gia xây dựng và định hình các khuôn khổ và phương cách hợp tác; tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để bảo đảm hòa bình, hợp tác và phát triển, đem lại tương lai tươi sáng cho Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.

Kết thúc buổi nói chuyện, Chủ tịch nước nói:

Thủ tướng Jawaharlal Nehru, người bạn lớn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của nhân dân Việt Nam đã khẳng định: “Thời gian không đo bằng năm tháng mà đo bằng hành động, cảm nhận và những kết quả của chúng ta”.

Từ bề dày hàng nghìn năm lịch sử của mối liên hệ bền chặt về văn hóa, từ tình cảm hữu nghị chân thành của hai dân tộc, từ tầm nhìn chung hướng đến tương lai, cùng với nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo và nhân dân hai nước, chúng ta có cơ sở vững chắc để tin tưởng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ sẽ ngày càng phát triển, trở thành trọng tâm trong kết nối phát triển khu vực, góp phần làm nên những kỳ tích của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21, đóng góp xứng đáng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Xin chúc Bảo tàng tưởng niệm Nehru tiếp tục phát triển và lan tỏa những giá trị nhân văn, bác ái, hòa bình đậm đà bản sắc Ấn Độ ra khu vực và thế giới.

Nội dung buổi nói chuyện của Chủ tịch nước đã thu hút sự chú ý và quan tâm của các học giả và sinh viên tham dự.

Nhiều học giả đã nêu nhưng câu hỏi về quan hệ trong khu vực cũng như Ấn Độ Dương, Châu Á Thái Bình Dương; về vai trò của các nước ASEAN đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

* Cũng trong sáng 4-3, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Chủ tịch nước thông báo tóm tất kết quả chuyến thăm của Đoàn, chúc mừng những thành quả công tác mà Đại sứ quán đã đạt được. Nhân dịp này Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho cán bộ công nhân viên sứ quán.

Chủ tịch nước cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Cộng hoà Ấn Độ, bắt đầu chuyến thăm Cộng hoà nhân dân Băng la đét.

Phạm Miên (Từ New Delhi)
.
.
.