Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng Bangladesh
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt đầu thăm cấp nhà nước Bangladesh
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind
- Chủ tịch nước tiếp các nhà lãnh đạo Ấn Độ và dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ
Tham dự Hội đàm, về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Trần Văn Khoa cùng một số lãnh đạo các bộ, ngành và quan chức cao cấp Việt Nam.
Về phía Bangladesh có Bộ trưởng Bộ Tài chính Abul Maal Abdul Muhith, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Amir Hossain Amu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Begum Matia Chowdhury, Bộ trưởng Bộ Giao thông đường bộ và Cầu Obaidul Quader, Bộ trưởng Ngoại giao Abul Hassan Mahmood Ali, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Asaduzzaman Noor, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản và Chăn nuôi Narayon Chandra Chanda, Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam Samina Naz cùng một số lãnh đạo các bộ, ngành và một số quan chức cao cấp Bangladesh.
Chủ tịch nước đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Người cha Dân tộc Bangladesh. |
Chủ tịch nước lưu bút sổ lưu niệm tại Đài tưởng niệm. |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng và xúc động trước sự tiếp đón nồng ấm và trọng thị mà Nhà nước và nhân dân Bangladesh đã dành cho Đoàn đại biểu Việt Nam; chúc mừng những thành tựu mà Bangladesh đã đạt được trong thời gian qua, nhất là về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Bangladesh nhiệt liệt chào đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang thăm đúng dịp hai nước tổ chức các hoạt động thực chất kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch nước sẽ mở ra cơ hội đưa quan hệ hai nước lên cầm cao mới.
Chủ tịch nước trồng cây tại khu lưu niệm. |
Hai Nhà Lãnh đạo cho rằng hai nước đều là những thị trường tiềm năng với dân số lớn, lực lượng lao động trẻ và cộng đồng doanh nghiệp năng động, là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á và Nam Á, do đó, cần thúc đẩy các lợi thế này để mang lại kết quả hợp tác thực chất; đánh giá cao thương mại song phương đã tăng trưởng tích cực, đạt gần 900 triệu USD năm 2017 và nhất trí phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch này vào năm 2020. Thủ tướng Bangladesh cho biết thêm nước này đang phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2021 và quốc gia phát triển vào năm 2041.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp và hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Bangladesh Sheikh Hasina. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN). |
Hai bên cũng đã trao đổi khả năng hợp tác trong các ngành dệt may, chế biến giầy da, thuộc da, chế biến thực phẩm, dược phẩm và trên cơ sở thế mạnh của mỗi nước, có thể xem xét thành lập các liên doanh trong lĩnh vực này; thúc đẩy việc thiết lập đường bay thẳng kết nối hai nước.
Thủ tướng Bangladesh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, với hình thức góp vốn linh hoạt để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư vào Bangladesh; mong muốn hợp tác, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, ứng dụng các công nghệ mới để tăng năng suất nông nghiệp; khẳng định sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Sheikh Hasina nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, giáo dục, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân; tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM). Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai Nhà Lãnh đạo ủng hộ việc thúc đẩy hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính thực chất.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Bangladesh Sheikh Hasina. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN). |
Kết thúc hội đàm, Lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký 3 văn kiện, gồm Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Thuỷ sản và Chăn nuôi Bangladesh về hợp tác thủy sản và chăn nuôi giai đoạn 2018-2022; Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp Bangladesh về hợp tác chế tạo máy; Chương trình trao đổi văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Bangladesh.
Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân tình, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mời Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.
Sau Hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Sheikh Hasina đã gặp gỡ các phóng viên báo chí Việt Nam và Băngladeshthông báo kết quả tốt đẹp hai Đoàn đại biểu hai nước đạt được tại hội đàm và trả lời một số câu hỏi đặt ra.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Bangladesh.
Chủ tịch nước chứng kiến Lễ ký các văn kiện giữa một số bộ, ngành Việt Nam và Bangladesh. |
* Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hoà Nhân dân Bangladesh, ngày 5-3-2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội kiến Tổng thống Bangladesh Abdul Hamid.
Chủ tịch nước chúc mừng nhân dân Bangladesh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tin tưởng Bangladesh sẽ tổ chức thành công Tổng tuyển cử năm 2019 và sớm đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2021. Tổng thống Abdul Hamid nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp và tình cảm quý báu mà Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho Tổng thống trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015; bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những thành tựu kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian qua.
Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh cần gìn giữ và phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước; đánh giá cao việc hai nước đã nhất trí về nhiều biện pháp cụ thể, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ nhằm khai thác các tiềm năng và thế mạnh để tăng cường hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Abdul Hamid nhất trí hai nước cần tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, tăng cường phối hợp trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm vì lợi ích của mỗi nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tối cùng ngày, Tổng thống Abdul Hamid và Phu nhân đã tổ chức Quốc yến trọng thể chiêu đãi Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
* Trong chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Bangladesh Shirin Shamin Chaodhury, Chủ tịch đảng Công nhân Bangladesh Rashed Khan Menon và Lãnh đạo Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh (FBCCI) Shafiul Islam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Shirin Shamin Chaodhury nhấn mạnh sự gần gũi giữa nhân dân hai nước và những tình cảm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của mỗi nước là nền tảng quý báu cho sự phát triển của quan hệ hai nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhất trí với đề xuất của Bà Chủ tịch Chaudhury về việc hai bên cần tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn nghị viện, giao lưu nhân dân và hoan nghênh Bangladesh đã lập nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Bangladesh - Việt Nam.
Chủ tịch đảng Công nhân Bangladesh Rashed Khan Menon nhắc lại kỷ niệm đã từng xuống đường đấu tranh phản đối chiến tranh Việt Nam và bị bắt giam; mong muốn cùng Đảng Cộng sản Việt Nam tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm lý luận và thực tiễn công tác xây dựng đảng và phát triển đất nước; khẳng định sẽ tích cực ủng hộ việc triển khai các thoả thuận cấp cao đã đạt được giữa hai nước.
Lãnh đạo Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh (FBCCI) Shafiul Islam cho biết Liên đoàn rất quan tâm đến hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Việt Nam; đã cử nhiều đoàn sang Việt Nam khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh; mong muốn các tập đoàn lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT và các công ty khác tăng cường đầu tư vào Bangladesh trong các lĩnh vực tiềm năng như viễn thông, công nghệ thông tin, nông nghiệp, dệt may; cho rằng với thị trường lớn với 170 triệu dân, Bangladesh sẽ là thị trường rất tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.