Chính phủ quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả

Thứ Năm, 07/11/2019, 17:31
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình khẳng định, mục tiêu quan điểm xuyên suốt là xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, cấp chính quyền; thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chiều 7-11, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã thông tin thêm về một số vấn đề thuộc tránh nhiệm của Chính phủ tới Quốc hội. 

Theo Phó Thủ tướng, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đổi mới chế độ công vụ công chức là chủ trương lớn, quan trọng, được đề cập trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, quy định số 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu chiều 7-11. Ảnh: TTX

"Mục tiêu quan điểm xuyên suốt là xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, cấp chính quyền, thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, chính quyền các cấp", Phó Thủ tướng nói.

Thời gian qua, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã nỗ lực trong việc sắp xếp tổ chức kiện toàn tổ chức hành chính nhà nước và cải cách chế độ công vụ, công chức theo các chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết của Quốc hội. Bước đầu những kết quả tích cực nổi bật được Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã báo cáo trước Quốc hội.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được quá trình tổ chức thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả; hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán; xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém về phẩm chất, năng lực, chưa làm tròn, chức trách nhiệm vụ được giao, còn tình trạng tham nhũng vặt; công tác thực thi chính sách pháp luật còn chưa hiệu quả. "Chính phủ cũng đã nắm được các tồn tại này và đang từng bước có giải pháp xử lý", đồng chí Trương Hoà Bình nói.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ một loạt giải pháp, trong đó có ban hành các văn bản về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và công vụ công chức để thể chế hoá chủ trương của Đảng; chỉ đạo các bộ, ngành không quy định việc thành lập, tổ chức trong các văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức Nhà nước; tiếp tục rà soát, sắp xếp, thu gọn đầu mối tổ chức của các cơ quan, bố trí số lượng cấp phó phù hợp.

Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình như Nghị quyết Trung ương 6 khoá 12 gắn với nâng cao chất lượng và thực hiện xã hội hoá, dịch vụ sự nghiệp công. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các Bộ hoàn thiện định mức biên chế giáo dục y tế cho phù hợp với thực tế....

Sau phát biểu của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, khép lại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Quốc hội sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hôi cũng đánh giá cao phiên chất vấn, trong đó, các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc, có tính thực tiễn cao và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Về Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phần trả lời đã rõ ràng, cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân lần thứ ba nhận trách nhiệm

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Phạm Tất Thắng  đoàn Vĩnh Long về quy trình tuyển dụng cán bộ chặt chẽ nhưng tại sao lại để lọt những cán bộ sai phạm đạo đức công vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết chúng ta có quy trình chặt... nhưng không nắm được cán bộ.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.

"Chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, tiêu chuẩn nhưng chọn lại không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ thậm chí trong vấn đề sai phạm của cán bộ", ông Tân nói.

Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, việc quản lý hồ sơ cán bộ, công chức thời gian qua còn lỏng lẻo. Một số người khai không trung thực song chưa phát hiện được. Với tình hình này, Bộ Nội vụ đã giao các cơ quan, người chịu trách nhiệm tham mưu tổ chức phải thẩm tra, xác minh lại hồ sơ cán bộ khi xem xét đề bạt, bổ nhiệm.

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đoàn Hà Nội về công tác kỷ luật cán bộ, ông Lê Vĩnh Tân cho biết có 1.657 người bị xem xét kỷ luật về sai phạm tuyển dụng. Trong khi đó, vi phạm về thi đua khen thưởng chỉ có 2 người; vi phạm khác như về tham nhũng, sinh con thứ ba lên tới 1.790 người. Trong đó có 100 người bị cách chức.

Về Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, song đến giờ vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, Bộ trưởng Nội vụ lần thứ ba trong phiên chất vấn xin nhận khuyết điểm, lần này là trước Quốc hội.


Thuỷ- Minh
.
.
.