Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Cắt giảm ngay 2% biên chế mỗi năm!

Thứ Năm, 07/11/2019, 14:21

Sáng 7-11, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã làm “nóng” diễn đàn Quốc hội với những vấn đề cử tri quan tâm đó là biên chế, tiền lương, sắp xếp lại bộ máy, đơn vị hành chính... Mở đầu phần trả lời chất vấn, 63 đại biểu đã đăng ký chất vấn.


Trả lương theo vị trí công tác

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Chính trị đã giao Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì xây dựng quy định vị trí việc làm để trả lương theo vị trí tương ứng, chức vụ quản lý. Hiện Ban Tổ chức Trung ương đang hướng dẫn xây dựng đề án việc làm với các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

Bộ Nội vụ thì được phân công thực hiện việc hướng dẫn cho các cơ quan hành chính Nhà nước, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước. Các bộ, ngành thì sẽ tiến hành xây dựng đề án vị trí việc làm và thang bảng lương, cơ cấu từng vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình.

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp vị trí việc làm, thang bảng lương, vị trí lãnh đạo của các cơ quan, bộ ngành để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương mới áp dụng từ 2021.

Theo đó, chỉ có 4 nhóm đối tượng được chia để xếp lương, thay vì rất nhiều nhóm, rất nhiều loại thang bảng lương phức tạp đang sử dụng hiện nay. Cụ thể, 4 nhóm đối tượng đó là: nhóm cán bộ lãnh đạo quản lý, nhóm cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, nhóm thanh tra, kiểm toán và nhóm phục vụ.

Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giáo dục

Trả lời câu hỏi về biên chế của giáo viên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng biên chế đơn vị sự nghiệp là khoảng 1,8 triệu người, trong đó riêng về giáo viên thì khoảng hơn 1,5 triệu người, chiếm tỷ lệ khoảng 80% trên tổng số biên chế đơn vị sự nghiệp. “Từ năm 2015 đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Giải thích về việc thiếu giáo viên đứng lớp và không đủ nhân viên y tế ở trong các bệnh viện. “Để giải quyết vấn đề này Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trình cho Bộ Chính trị. Bước đầu chúng ta giải quyết được 19 tỉnh, trong đó có 14 tỉnh di cư tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh, thành phố lớn có khu công nghiệp”

Bộ cũng đã đã thông báo cho 63 tỉnh, thành thống kê lại tất cả lực lượng giáo viên còn thiếu và kể cả lực lượng y tế trong các cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh trở xuống để báo cáo thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị là có người học thì phải có giáo viên đứng lớp, có người bệnh là phải có y tế để chăm sóc. Như vậy, thống kê bước đầu chúng tôi nhận được 87 nghìn người giáo viên các cấp còn đang thiếu và riêng ngành y tế thì khoảng hơn 12 nghìn người của ngành y tế.

Vấn đề tinh giản biên chế trong sự nghiệp giáo dục hiện nay Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu cho Chính phủ và Bộ Chính trị, đó là sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tinh giản biên chế như thế nào?

Về vấn đề tinh giản biên chế, nhiều đại biểu hỏi làm thế nào để không giảm biên chế cào bằng, không giảm người tài, người có năng lực “dành chỗ” cho người không có năng lực, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ vừa rồi giao biên chế năm 2019 tăng biên chế cho ba đơn vị nhưng giảm 6 đơn vị. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ công việc hàng năm mà điều chỉnh trên tổng biên chế được tăng là giao cho thủ trưởng đứng đầu quyết định, chứ không phải là đơn vị nào, vụ nào, sở nào cũng đều giảm 2%. “Xin thưa các đồng chí là không phải thế. Chức năng nhiệm vụ năm nay khối này tăng thì chúng ta tăng thêm, nếu trường hợp năm nay ít, thì chúng ta giao lại bên kia tăng thêm. Chúng ta điều chuyển công tác cán bộ đi để đảm bảo làm sao tổng biên chế của chúng ta không tăng” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, Bộ Nội vụ kết hợp với Bộ Tài chính đã cắt giảm biên chế ngay 2% mỗi năm và Bộ Tài chính cắt giảm về kinh phí để chi thường xuyên cũng 2%. Như vậy đến cuối năm 2020 chúng ta đã đạt được là 8,85% rồi.


Phương Thuỷ - Viết Phùng
.
.
.