Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Bản hùng ca bất diệt
- Bài học “Không để Tổ quốc bị bất ngờ” trong trận quyết chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”1
- Gắn biển 4 di tích “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”
- Ký ức người bảo vệ cảng dịp 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”
- Khơi dậy niềm tự hào chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
Sáng 18-12, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" - Bản hùng ca bất diệt (12/1972-12/2017).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã đánh dấu mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta. Đây là một kỳ tích tiêu biểu cho tầm cao trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam cũng như truyền thống và hào khí Thăng Long - Hà Nội văn hiến, anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.
Hội thảo sẽ góp phần khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, những bài học kinh nghiệm quý báu của chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", là cơ sở lý luận và thực tiễn, nhằm giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và thế hệ trẻ Thủ đô; đặc biệt là trong công tác xây dựng thế trận lòng dân.
Hội thảo có 38 bài tham luận được các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử... chuẩn bị công phu, khách quan, khoa học. |
Mở đầu hội thảo, Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân đã đọc tham luận làm rõ sự chủ động, sáng tạo, tinh thần quyết chiến quyết thắng của lực lượng Phòng không - Không quân trong chiến dịch 12 ngày đêm 1972.
Trung tướng Lê Huy Vịnh khẳng định, với ý chí sắt đá, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta mà nòng cốt là Bộ đội Phòng không-Không quân đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không".
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử "Xác pháo đài bay B52" thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất với 81 máy bay bị quân và dân ta bắn rơi, trong đó có 34 máy bay B52 (16 chiếc bắn rơi tại chỗ).
Tiếp đó, Đại tá - TS Nguyễn Văn Lượng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam trong tham luận của mình tiếp tục khẳng định, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã góp phần quyết định "đánh cho Mỹ cút", buộc chính quyền Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm tiền đề để đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975.
Hội thảo cũng đã được nghe các nhân chứng lịch sử như Trung tướng Phạm Tuân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - nguyên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa ra quân đánh thắng trận đầu (Tiểu đoàn 63, Trung đoàn 236), nhạc sỹ Phú Quang… cùng các nhà nghiên cứu lịch sử tái hiện lại khung cảnh Hà Nội 12 ngày đêm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho rằng: “Ta chiến thắng vì ta không bất ngờ, chủ động chuẩn bị và tích cực phản công”. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, công tác chuẩn bị của ta kỹ lưỡng, công phu về tất cả các mặt. Công tác kỹ thuật, hậu cần được chuẩn bị đầy đủ. Công tác phòng không nhân dân và chi viện chiến trường cũng đã được tính toán và hoàn tất trước khi trận chiến đấu diễn ra.
Còn theo Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân, chiến thắng 12 ngày đêm đã bẻ gãy ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, ngoài chiến công bắn rơi máy bay địch, việc bảo vệ các mục tiêu là then chốt và hết sức quan trọng.
Cũng theo Trung tướng Phạm Tuân, là người chiến sỹ trực tiếp bay trong suốt 12 ngày đêm, điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là sự sáng suốt của Đảng, của Bộ chỉ huy tối cao khi đánh giá đúng tương quan giữa ta và địch; phán đoán trước địch sẽ dùng B52 sẽ đánh vào Hà Nội nên có sự chuẩn bị lực lượng.
Ngoài ra, chúng ta đã xây dựng lực lượng, con người với bản lĩnh, ý chí và trí tuệ. Nhân tố cuối cùng là nhờ có sự hợp đồng tác chiến, thế trận chiến tranh nhân dân, sự phối hợp tác chiến quân binh chủng tạo đã nên sức mạnh tổng thể.
Các nhân chứng lịch sử cùng lãnh đạo TP Hà Nội ôn lại kỷ niệm về 12 ngày đêm hào hùng cách đây 45 năm. |
Một người con của Hà Nội, người dân sống tại phố Khâm Thiên, nhạc sỹ Phú Quang đã khiến hội thảo xúc động khi chia sẻ những ký ức của con phố bi thương 45 năm trước. Chứng kiến hàng xóm, bạn bè, những người sống cùng phố ra đi mãi mãi vì bom thù, cảm phục tinh thần bất khuất của những người còn sống, nhạc sỹ Phú Quang đã lưu giữ những mảnh ghép hồi ức ấy để rồi gieo vào nhiều sáng tác của mình một hình ảnh Hà Nội dũng cảm, kiên cường nhưng cũng rất đỗi dịu dàng, nhân văn.
Bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Theo ông Phong, Hội thảo cũng là dịp để thành phố Hà Nội bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quan tâm của các tỉnh, thành cả nước, đã tạo điều kiện cho Thủ đô Hà Nội xây dựng, chiến đấu và trưởng thành qua các thời kỳ lịch sử.