Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 1972- 2017

Bài học “Không để Tổ quốc bị bất ngờ” trong trận quyết chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Chủ Nhật, 17/12/2017, 09:07
45 năm đã trôi qua, thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12 năm 1972 đã để lại cho chúng ta nhiều bài bọc kinh nghiệm quí giá “không để Tổ quốc bị bất ngờ”.

Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo, quân và dân ta cùng Bộ đội phòng không - không quân (PK-KQ) đã làm nên trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ. Thắng lợi vẻ vang đó như một mốc son chói lọi làm rạng rỡ trang sử đấu tranh cách mạng bất khuất của Thủ đô và của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Trước nguy cơ chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” sắp hoàn toàn thất bại, đế quốc Mỹ “dốc túi” vào “canh bạc” cuối cùng, Tổng thống Mỹ Ních-xơn quyết định mở cuộc tập kích đường không chiến lược mang tên Linebacker-II, chủ yếu bằng các “siêu pháo đài bay B-52” đánh phá Hà Nội, Hải Phòng từ 18-30 tháng 12-1972.

Để chuẩn bị cho cuộc tập kích đường không chiến lược này, ngay từ đầu, Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ (SAC) đã nhận định, muốn xâm nhập và vượt qua hệ thống PK-KQ của Bắc Việt Nam phải sử dụng một loạt biện pháp kỹ thuật hiện đại nhất.

Ngoài việc đưa vào sử dụng nhiều loại vũ khí chống bức xạ điện từ như tên lửa Sơ-rai, bom điều khiển bằng tia la-de, bom điều khiển bằng vô tuyến truyền hình... giới khoa học quân sự Mỹ còn nghiên cứu cải tiến và đưa vào sử dụng các thiết bị gây “nhiễu” mới nhất có công suất lớn, dải tần rộng lắp trên các máy bay B-52 và các loại máy bay cường kích chiến thuật, tiến hành một cuộc chiến tranh điện tử rộng khắp.

Bộ đội tên lửa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu

Nhà Trắng tin rằng “Hà Nội sẽ bị bất ngờ! Hà Nội sẽ không chịu nổi sức mạnh của một Hirosima không có bom nguyên tử”. Họ tin rằng kỹ thuật gây “nhiễu” của không quân Mỹ sẽ làm mờ mắt các trắc thủ radar của Bắc Việt Nam.

Nhạy bén trước những bước phiêu lưu quân sự của địch, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Quân chủng PK-KQ, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang, nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận chuẩn bị phòng tránh, đánh địch khi chúng liều lĩnh vào Hà Nội đánh phá.

Ngày 19-7-1965, đến thăm Bộ đội phòng không Hà Nội trước giờ tên lửa ra quân, Bác Hồ đã khẳng định quyết tâm sắt đá của quân và dân ta quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược, Bác căn dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “B” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng!”(1).

Cuối năm 1967, khi giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Bộ đội PK-KQ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo và Bác căn dặn: “Sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm, càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị”(2).

Bác nói thêm: “Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên đế quốc Mỹ đã huỷ diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam nhất định Mỹ sẽ thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(3). Theo chỉ thị của Bác, Bộ Tổng tư lệnh đã vạch ra kế hoạch chuẩn bị đánh B-52, chú trọng xây dựng lực lượng PK-KQ, đồng thời đưa lực lượng PK-KQ vào chiến trường Khu 4 để nghiên cứu phát hiện B-52 và tìm cách đánh B-52.

Do hiểu biết sâu sắc quy luật chiến tranh xâm lược của Mỹ, nên Đảng ta và Bác Hồ đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quân và dân các địa phương, trong đó đặc biệt là Bộ đội PK-KQ: “Không để bị bất ngờ”, chuẩn bị tốt mọi mặt để sẵn sàng đánh bại nấc thang cao nhất của địch.

Với quyết tâm chiến lược “không để Tổ quốc bị bất ngờ”, lực lượng phòng không ba thứ quân đã chủ động sẵn sàng đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12-1972, ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, điều động, tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng PK-KQ hợp lý, tạo thành thế trận: liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc có chiều sâu, bảo đảm tập trung lực lượng đánh địch ở các độ cao, trên các hướng. Tạo ưu thế về lực lượng và hỏa lực; giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, chọn đúng đối tượng đánh địch, giành thế chủ động; bảo đảm đánh thắng địch trong suốt quá trình chiến dịch.

Ngày 25-11-1972, Quân uỷ Trung ương ra chỉ thị: “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu”(4). Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho các lực lượng vũ trang, tăng cường các mặt chuẩn bị chiến đấu, đồng thời nhận định có nhiều khả năng địch đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc dùng máy bay B-52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng.

Do đó: “Nhiệm vụ trung tâm đột xuất trước mắt của Bộ đội PK-KQ là tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chính là B-52 mà tiêu diệt”(5). Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã phán đoán đúng thời cơ và địa điểm đón đánh địch chính xác, bởi vậy lực lượng phòng không ba thứ quân của ta, nòng cốt là Bộ đội PK-KQ đã giành thế chủ động ngay từ ngày đầu, trận đầu.

Trong chiến tranh, vấn đề dự báo chiến lược, đúng thời cơ, chọn đúng đối tượng đánh địch, giữ được bí mật, bất ngờ luôn là những yếu tố quyết định thành bại của mỗi trận đánh. Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 đã thực hiện được những vấn đề cốt yếu ấy. Đó là bài học có ý nghĩa chiến lược “quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ”.

Nhận thức sâu sắc và đầy đủ những bài học về sự chủ động chuẩn bị, dự báo sớm, lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt mang tầm chiến lược của Đảng và của Bác Hồ trong tác chiến chiến dịch để có nhiều biện pháp tích cực, thiết thực xây dựng thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, liên hoàn, vững chắc, mà nội dung cơ bản vẫn là “Không để Tổ quốc bị bất ngờ”.

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội, 1989, tr. 467.

2. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 556.

3. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 556-557.

4. Chỉ thị nêu rõ: sắp tới chúng ta cần đề phòng địch có thể có những hành động phiêu lưu mới... Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, các chân hàng, các đầu mối giao thông, nơi đông dân cư; dùng hải quân tăng cường bắn phá bờ biển. Các đơn vị phải hết sức đề cao cảnh giác, kiểm tra và hoàn chỉnh thêm công tác sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch tác chiến và phòng tránh, sơ tán.

5. Công điện số 420A ngày 24-12-1972 của Bộ Tổng tham mưu gửi Quân chủng PK-KQ.

Thượng tướng, Viện sĩ, TS Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
.
.
.