Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Xử lý sim rác phải “bắt gà từ khi chưa mở chuồng”
- “Trảm” 438 số điện thoại rao vặt và phát tán tin nhắn rác
- Ngừng cung cấp dịch vụ đối với hơn 1.000 số điện thoại phát tán tin nhắn rác
- Người dùng “điên đầu” vì bị tin nhắn rác “dội bom”
- Khóa hơn 2 triệu thuê bao phát tán tin nhắn rác
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã chất vấn: “Tin nhắn rác, sim rác là vấn nạn lớn, gây bức xúc trong xã hội. Vừa qua, nhờ siết chặt, nạn sim rác đã giảm cơ bản nhưng chưa khắc phục một cách triệt để. Đặc biệt hôm qua Báo Vietnamnet đăng tin các đại lý sim thẻ của nhà mạng bán sim rác tràn lan. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc xác định, xử lý trách nhiệm với các nhà mạng sẽ được thực hiện ra sao và giải pháp như thế nào?”
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận: “Tin nhắn rác, sim rác là một vấn nạn mà bản thân tôi cũng là một nạn nhân”. Theo ông, bản chất của nạn sim rác, tin nhắn rác là do việc bán sim tràn lan, không kiểm soát và nhiều thông tin cá nhân của người dân bị sử dụng trái phép. “Chúng ta đi ra nước ngoài, mua được một cái sim ở nước ngoài để sử dụng rất khó khăn. Như chuyến công tác của tôi tại Nhật, nhờ mua cái sim nhưng yêu cầu phải có hộ chiếu và sau 1 tuần mới có được sim, trong khi ở ta muốn mua bao nhiêu cũng được” – ông nói.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn chiều nay, 18-4 |
"Điều này thể hiện sự thiếu quản lý sát sao của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng, trong đó có trách nhiệm của ngành Thông tin truyền thông, đương nhiên có trách nhiệm của người đứng đầu ngành. Chúng tôi nhận trách nhiệm vấn đề này”, ông nói.
Bộ trưởng cho rằng, vấn nạn sim rác, tin nhắn rác gây phiền hà cho người dân, và có nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, cụ thể như trường hợp “đồng chí chủ tịch UBND Bắc Ninh bị tin nhắn rác đe doạ, khủng bố”, đồng thời làm lãng phí tài nguyên kho số quốc gia. Vấn đề này tồn tại nhiều năm không dẹp được do liên quan đến lợi ích của nhiều bên như: Nhà mạng hưởng lợi nhờ phát triển thuê bao, đại lý sim thẻ được lợi nhuận, còn người dùng được hưởng khuyến mại…
“Vừa qua, Bộ đã quyết tâm xử lý vấn đề này nhưng hiệu quả chưa cao, cách làm vẫn là “vừa thả gà vừa bắt gà”, không ngăn chặn từ đầu mà chỉ xử lý khi tin nhắn rác đã tràn lan ra thị trường. Cái này phải kiên quyết chặn ngay từ nguồn đầu ra của các nhà mạng, truy trách nhiệm của nhà mạng, nếu nhà mạng không xử lý được thì phải xử lý người đứng đầu” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vì kho số của các nhà mạng do Bộ TT&TT cung cấp cho các nhà mạng và việc tán phát như thế nào là do nhà mạng, cho nên giải pháp của Bộ là ngăn chặn ngay từ trong hệ thống, “bắt gà từ khi chưa mở cửa chuồng” chứ không phải “thả ra vườn rồi mới đi bắt”. Theo ông, từ tháng 10-2016 đến nay Bộ đã thu hồi được 20 triệu sim rác.
ĐBQH Nguyễn Quốc Bình |
Thực tế số lượng còn khá lớn, hiện Bộ TT&TT đang quyết liệt làm tiếp, trong đó triển khai nhiều giải pháp khác như: thu hồi sim 11 số; tăng cường, khuyến khích sử dụng sim trả sau, hạn chế sử dụng sim trả trước… “Ngày hôm qua chúng tôi công khai việc các đại lý bán sim rác đã kích hoạt trước ở Nghệ An là để tiếp tục xử lý. Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý các đại lý sai phạm…” Một giải pháp nữa để hạn chế sim rác là Bộ tăng cường khuyến khích người dùng sử dụng sim trả sau.
ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) tiếp tục chất vấn về nội dung này: “Tin nhắn rác, sim rác vẫn còn nhiều vấn đề, chưa được xử lý triệt để. Trong phần trả lời vừa rồi, Bộ trưởng đã xác định vấn đề nằm ở gốc là nhà mạng. Đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp, chế tài cụ thể đối với nhà mạng?”
Người đứng đầu Ngành TT&TT lý giải: Xử lý tin nhắn rác, sim rác phải chặn từ gốc, có nghĩa là xử lý nhà mạng. Ngoài việc xử phạt hành chính, Bộ TT&TT cũng phối hợp với Bộ tài chính để truy thu thuế của các doanh nghiệp này. Cùng với đó Bộ cũng đề nghị cơ quan truyền thông vào cuộc, đề nghị người dân truy nguồn phát tán tin nhắn rác, sim rác…