Bộ trưởng Tô Lâm thảo luận tại tổ về Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)
Chiều 12-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
- Sửa đổi Luật Thi hành án hình sự để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
- Lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự
- Tập huấn chuyên sâu Luật Thi hành án hình sự trong CAND
Phát biểu tại tổ 8 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương, An Giang, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, về tính cấp thiết của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) thì đã có giải trình trong báo cáo rồi. Do đó Bộ trưởng chỉ phát biểu thêm về 3 ý.
Về nội dung sửa đổi Luật, chủ yếu là cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, trong đó quy định rất nhiều những quyền tự do dân chủ của người dân, kể cả những người đang thi hành án cũng được rà soát lại. Về phạm vi sửa đổi nhiều là vì tập trung thực hiện những quy định của Hiến pháp quy định. Mà những điều đó rất cụ thể, đã có quy định, và luật này là một bước cụ thể các quyền trong Hiến pháp.
Bộ trưởng Tô Lâm thảo luận tại tổ, chiều 12-11. |
Theo Bộ trưởng, nội dung thứ hai rất quan trọng mà nhiều đại biểu quan tâm là lần đầu tiên chúng ta đưa vào Luật khái niệm về “pháp nhân thương mại”. Lúc đầu chưa có quy định xử lý pháp nhân thương mại, nhưng vì các quy định của luật pháp quốc tế đã đưa khái niệm này vào.
“Trên thực tế, xử lý một pháp nhân vi phạm kỷ luật thì nước ta chưa có, kể cả cho tới ngày nay khi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự được ban hành thì cũng chưa có vụ việc nào xử lý pháp nhân thương mại cả” – Bộ trưởng nói.
“Chúng ta mới chỉ xử lý cá nhân những người có hành vi vi phạm pháp luật, còn pháp nhân là khái niệm rất mới. Và nếu xử lý người vi phạm pháp luật cũng đã đủ điều chỉnh những hành vi vi phạm của pháp nhân rồi”, Bộ trưởng thông tin thêm.
Về ý kiến đề nghị đánh giá thực tiễn hay đánh giá tác động, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng không thể đánh giá và cũng không thể có tác động gì vì chưa từng có. “Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp nói rằng, nghiên cứu thực tập kinh nghiệm ở nước ngoài thì khó quá, vì ở chúng ta chưa từng xảy ra. Chúng tôi cũng quy định hơn 30 điều khoản xử lý cái này, nhưng để hoàn thiện luật chứ trên thực tế cũng khó”, Bộ trưởng lý giải.
Ý thứ ba mà Bộ trưởng Tô Lâm muốn đề cập là hiện hệ thống luật pháp của chúng ta đang được hoàn thiện. Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tạm giữ tạm giam… đã được ban hành và có hiệu lực gần một năm rồi. Do đó sửa đổi Luật thi hành án hình sự là bước quan trọng để thực hiện các luật này.
“Cơ quan soạn thảo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề sửa luật này để sớm đi vào cuộc sống, tăng giá trị pháp lý của chúng ta. Rõ ràng các luật khác có hiệu lực thì luật này phải đồng bộ đi theo. Chứ ý kiến Uỷ ban Tư pháp đề nghị nên thông qua 3 kỳ họp, mất một năm rưỡi, cả hiệu lực thi hành là 2 năm thì sẽ bị chậm”, Bộ trưởng phân tích.
Nhận định đây là vấn đề mới nhưng không quá khó và chỉ bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng nếu kéo dài 2 năm nữa thì quá trình thi hành luật không đồng bộ, độ vênh rất lớn.
“Đề nghị Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 2 kỳ họp. Nếu kéo dài ra thì khó khăn cho việc thi hành án. Đặc biệt đối với vấn đề mang lại lợi ích, quyền tự do dân chủ của người dân nói chung và quyền của người thi hành án nói riêng thì Luật thông qua càng sớm càng tốt” – Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Bộ trưởng khẳng định cơ quan soạn thảo hết sức cố gắng phối hợp các cơ quan đẩy nhanh tiến độ, đồng thời thông qua 2 kỳ họp cũng là việc làm thận trọng, có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng.