Họp HĐND TP Hà Nội: Nóng vấn đề ùn tắc giao thông, nhà siêu mỏng, siêu méo
- Âm thầm trao giải cuộc thi ý tưởng chống ùn tắc giao thông Hà Nội
- Mỗi năm, Hà Nội “đốt” 12.800 tỷ đồng vì ùn tắc giao thông
- Hà Nội xóa thêm được 6 điểm đen ùn tắc giao thông
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) đặt vấn đề, năm 2017, TP chủ trương thiết lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, góp phần làm cho Hà Nội xanh, sạch, đẹp hơn. Các phường, quận, huyện đã ra quân quyết liệt.
Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, tại một số địa bàn lại xảy ra tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây bức xúc dư luận. Vậy đâu là nguyên nhân? Ai chịu trách nhiệm chính?
Đại biểu Nguyễn Huy Được (Ba Vì) cũng nêu chất vấn, vào giờ cao điểm, người dân cùng phương tiện giao thông tràn lên vỉa hè đi như "nước vỡ bờ". Giải pháp nào cho vấn đề này? Liệu có thể đặt barie để ngăn người đi xe máy đi lên vỉa hè?
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, một trong những địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng trên cho biết, quận có 3 tuyến đường dễ xảy ra ách tắc lớn, đặc biệt vào các giờ cao điểm: đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi và Khuất Duy Tiến.
Nguyên nhân do lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn, đan xen giữa ô tô, xe máy và phương tiện công cộng.
Quận cũng đã tăng cường xử phạt, đến thời điểm này đã kiểm tra, xử lý 4.938 trường hợp, tước trên 2.400 giấy phép lái xe và phạt tiền hơn 3,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, quận cũng đã thí điểm thành lập tổ tự quản 24/24h tại các tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, không cho phương tiện đi lên vỉa hè.
Tiếp theo, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, trong gần 9 tháng triển khai Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đô thị, lòng đường, hè phố có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra của kế hoạch và kỳ vọng của người dân Thủ đô cũng như cả nước.
Qua thống kê, đến nay trên toàn TP có 1.200 điểm trông giữ phương tiện giao thông, dưới lòng đường là 349 điểm, trên hè phố 264 điểm, ở khu vực khác (đất trống) là 587 điểm.
Qua kiểm tra xử lý đã giảm 211 điểm, tháo dỡ trên 16 nghìn lều quán vi phạm lòng đường, vỉa hè; phối hợp giải tỏa 195 chợ, sắp xếp lại 93 chợ, tổ chức phối hợp kẻ vẽ vạch sơn 739 tuyến phố.
Nguyên nhân của những vi phạm trên có nhiều, trong đó về khách quan là do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông, tình trạng người dân ở địa phương khác về Hà Nội bán hàng rong chưa được giải quyết triệt để, lực lượng chức năng phụ trách nhiệm vụ này còn mỏng.
Ùn tắc giao thông luôn là vấn đề nan giải của Hà Nội |
Thừa nhận áp lực về bến bãi đỗ xe đang tăng lên rất nhiều, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, công tác quy hoạch hệ thống bến bãi đỗ xe được phê duyệt từ năm 2013 đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Trước đây, phương tiện giao thông cá nhân chưa tạo nhiều áp lực cho thành phố, nhưng nay, áp lực đối với bến bãi đỗ xe đã tăng lên rất nhiều mà TP chưa bố trí được quỹ đất ưu tiên cho lĩnh vực này.
Giám đốc Sở KHĐT thừa nhận, tiến độ triển khai quy hoạch bến, bãi đỗ xe còn chậm, qua thanh tra, rà soát có 8 dự án vi phạm hành chính và bị xử phạt 132,5 triệu đồng. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát và có những kế hoạch phù hợp để thu hút đầu tư.
Cưỡng chế đối với những chủ sở hữu và người dân không tự khắc phục
Nhiều đại biểu chung mối quan tâm lý do UBND TP chậm xử lý dứt điểm công trình siêu mỏng, siêu mèo tồn đọng cũ và không để phát sinh.
Hiện nay Hà Nội có 132 công trình siêu mỏng, siêu méo cũ còn tồn tại và 56 công trình ở các đường mới mở, chủ yếu tại quận Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy. Đặc biệt, năm 2017, quận Cầu Giấy để phát sinh thêm một số nhà siêu mỏng trên đường Phạm Văn Đồng.
Trả lời câu hỏi trên, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do khi mở đường cắt vào nhà dân, đặc biệt là ở thời điểm Hà Nội mở đường để tổ chức SEA Games 23. Những nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện nhiều ở trục đường Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Văn Cao, Thanh Nhàn…
Theo quy định, những nhà đủ điều kiện là chiều sâu không nhỏ hơn 3m, hình dạng không quá méo mó, phản cảm. Theo ông Lê Văn Dục, hiện nay Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan đã phân chia 132 nhà siêu mỏng, siêu méo thành 3 nhóm...
Ông Lê Xuân Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trả lời chất vấn |
Về 56 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn đọng từ năm 2014 – 2016 xuất hiện ở khu vực vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5…, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay đã hết thời gian gia hạn nên sắp tới sẽ có phương án kiên quyết thu hồi và không để phát sinh thêm.
Những trường hợp này sẽ được tiến hành xử lý từ quý I-2018. Trước câu hỏi về việc năm 2017 phát sinh 8 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo mới ở đường Phạm Văn Đồng, ông Lê Văn Dục cũng khẳng định, sẽ kiên quyết không để cho xây dựng vì đây là những nhà được xây dựng trên mảnh đất méo mó, không đủ tiêu chuẩn.