Mỗi năm, Hà Nội “đốt” 12.800 tỷ đồng vì ùn tắc giao thông

Thứ Hai, 03/07/2017, 20:59

“Ùn tắc giao thông tại Hà Nội “đốt” tới 12.800 tỷ đồng mỗi năm. Do đó, việc hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết và cấp thiết" - đại biểu nêu ý kiến trong kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội, khóa XV.




Ngày 3-7, kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XV đã chính thức khai mạc với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Ngay trong phiên thảo luận đầu tiên, hàng loạt vấn đề còn tồn tại của Hà Nội đã được phân tích, “mổ xẻ” như phương án nào giải quyết thực trạng ùn tắc mỗi năm đang “đốt” của Hà Nội 12.800 tỷ đồng…

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Chủ tịch HĐTV Tổng công ty vận tải Hà Nội Transerco), Hà Nội đang gặp rào cản như nguy cơ tụt hậu về quản lý đô thị. 

Ô nhiễm môi trường và tại nạn giao thông có nguyên nhân chính từ phương tiện cá nhân.

Ông Thường phân tích: “Ùn tắc giao thông tại Hà Nội “đốt” tới 12.800 tỷ đồng mỗi năm. Do đó, việc hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết và cấp thiết. Nếu không phải là ngay lúc này, Hà Nội sẽ không có cơ hội để hành động thoát khỏi ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường vì ở thời điểm hiện tại, sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông TP đã không thể theo kịp tốc độ phát triển của xe cá nhân”. 

Ông Thường thông tin, TP hiện có trên 5,2 triệu xe máy, nửa triệu ô tô. Nếu 60% số xe trên lưu thông thì diện tích chiếm dụng vượt quá 1,34 lần năng lực hệ thống đường phố (khu vực trung tâm là 3,72 lần). Giai đoạn 2011-2016 tốc độ tăng trưởng đường đô thị về chiều dài chỉ đạt 3,85%, về diện tích chỉ đạt 0,25% và diện tích đất giao thông mới đạt khoảng hơn 7,5%, còn rất xa so với chỉ tiêu quy hoạch khoảng 25%. Trong khi đó, phương tiện cá nhân lại tăng với tốc độ  trên 10%/năm. 

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đánh giá, đề án hạn chế phương tiện cá nhân đã đưa ra được những giải pháp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Về giải pháp, ông Nguyễn Phi Thường cho rằng, cần có những giải pháp chia sẻ, hỗ trợ khi người dân chuyển đổi phương tiện. Cùng với việc hạn chế phương tiện cá nhân cần ưu tiên phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả của vận tải hành khách công cộng gồm xe buýt và các tuyến đường sắt đô thị.

Chủ tịch Quốc hội  yêu cầu Hà Nội siết chặt kỷ cương trong quản lý đô thị

Tới dự và phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Hà Nội siết chặt kỷ cương trong quản lý đô thị, tăng cường công tác đảm bảo trật tự văn minh đô thị; thực hiện các giải pháp cải thiện xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Sắp tới, Hà Nội còn rất nhiều chương trình giải phóng ùn tắc, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu cho Thủ đô và những dự án quan trọng khác. Tôi đề nghị chương trình nào liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Hà Nội chủ động báo cáo Chính phủ để trình ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét giải quyết hợp lý, hợp pháp, hợp tình, không chỉ vì Thủ đô Hà Nội mà vì đất nước. Với những đề án cần cơ chế chính sách đặc biệt, chúng ta không chỉ dừng lại ở cơ chế đặc thù, mà cần có cơ chế chính sách đặc biệt thì mới tạo ra nguồn lực, mới thu hút được nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho Thủ đô”.


Ngọc Yến
.
.
.