Thượng đỉnh Nga - Mỹ: EU và NATO như “ngồi trên đống lửa”

Thứ Ba, 10/07/2018, 14:18
Những bước cuối cùng chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh mang tính “phá băng” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang được gấp rút chuẩn bị. Chính sự xích lại của hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới theo những tính toán riêng mỗi bên đang khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, NATO lo ngại.

Mỗi sự biến động dù nhỏ nhất của hai cường quốc quân sự hàng đầu này đều có tầm ảnh hưởng tới cục diện thế giới.

Đối thoại để giải tỏa mâu thuẫn chất chồng

Sau những căng thẳng có liên quan tới tình hình Crimea, miền Đông Ukraine và cuộc xung đột tại Syria..., quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, có những lúc tưởng chừng như có thể rơi vào thế đối đầu. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Helsinki, dự kiến vào ngày 16-7-2018 là cơ hội quý báu, là cơ sở để xây dựng những mối quan hệ đáng tin cậy.

Một hội nghị thượng đỉnh chưa thể đủ để hai bên hóa giải tất cả những bất đồng, song ít nhất đó cũng là một bước tiến nhỏ theo hướng đúng đắn nhằm tránh việc đi vào vết xe đổ dẫn tới một cuộc Chiến tranh Lạnh khác, hoặc tồi tệ hơn là một cuộc chiến thực sự.

Chớp lấy “thời cơ vàng” này, hai bên đang ra sức chuẩn bị cho cuộc gặp được đánh giá là cực kỳ quan trọng. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trong cuộc điện đàm vừa diễn ra hôm 3-7, giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, hai bên đã thảo luận về công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

EU lo ngại vấn đề an ninh và kinh tế khi Mỹ xích lại với Nga. Ảnh: WordPress.com.

Bình luận về việc gia tăng các cuộc tiếp xúc gần đây giữa Nga và Mỹ, trong đó có chuyến thăm của phái đoàn nghị sỹ Mỹ tới Nga, nhiều chuyên gia của cả Nga và Mỹ bày tỏ lạc quan về triển vọng “tan băng” trong quan hệ giữa hai cường quốc. Và điều quan trọng nhất, điều này tới từ sự chủ động của chính Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông liên tục tuyên bố sẽ ủng hộ việc cải thiện quan hệ với Nga... Coi đối thoại trực tiếp là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề giữa hai nước.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nhấn mạnh Moscow hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh Helsinki tới sẽ giúp tái khởi động đối thoại song phương Nga - Mỹ. Đại sứ khẳng định: “Chúng tôi đơn giản chỉ cần một mối quan hệ bình thường, thực tế với một quốc gia lớn mà thế giới phụ thuộc khá nhiều vào”. Ông cũng cho rằng ngoài việc tập trung vào quan hệ Mỹ - Nga, hai bên cũng sẽ bàn thảo tới các mối lo ngại chung, vốn tồn tại giữa hai bên đã khá lâu.

Cả hai nhà lãnh đạo đã quá hiểu, chỉ một sai lầm nhỏ, dù là vô tình hay hữu ý, cũng đủ sức làm bùng lên một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, thậm chí là dẫn tới chiến tranh bằng súng đạn. Tồi tệ hơn, cuộc chiến ấy còn có thể kéo theo cả các loại vũ khí hạt nhân.

Không mong đột phá, mà muốn “băng tan”

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga diễn ra vào ngày 16-7 tại Helsinki, Phần Lan, là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp chính thức kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, và cũng là lần đầu tiên nguyên thủ hai nước hội kiến chính thức kể từ năm 2009. Cuộc gặp Trump-Putin hứa hẹn điều gì? Nhiều ý kiến cho rằng cuộc gặp này chỉ mang tính biểu tượng, lãnh đạo hai nước Mỹ và Nga khó đạt được thỏa thuận cụ thể về hàng loạt vấn đề bất đồng sâu sắc.

Theo nhà nghiên cứu Mathieu Boulegue, thuộc Viện Tư vấn chính trị độc lập Chatham House (Anh), về các vấn đề khẩn cấp như Ukraine hay Syria, Washington và Moskva có lập trường mâu thuẫn, vì vậy, có thể hai bên sẽ chỉ đưa ra các tuyên bố mang tính ngoại giao, có ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn.

Cùng chung nhận định, chuyên gia James J.Coyle, Giám đốc Chương trình nghiên cứu về Trung Đông thuộc Viện Quân sự Mỹ U.S Army War College, cho rằng Tổng thống Trump và Tổng thống Putin sẽ tìm kiếm lập trường chung trong một số vấn đề nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga.

Trong khi đó, các chuyên gia cũng dự báo, Điện Kremlin chắc chắn sẽ vận động để Mỹ hỗ trợ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây nhằm vào Nga. Điều quan trọng nhất, theo chuyên gia Mathieu Boulegue dự đoán, cuộc gặp này sẽ được dùng làm “bàn đạp” giúp quan hệ song phương “tan băng”.

Còn theo Eugene Chausovsky, nhà địa chính trị học thuộc văn phòng Stratfor, chỉ riêng việc tổ chức cuộc họp này đã có lợi cho cả Tổng thống Trump và Tổng thống Putin. Theo chuyên gia Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và châu Âu, nói: Chúng ta (nước Nga) đang ở trong tình trạng đối đầu với Mỹ, quan hệ Nga-Mỹ đang phát triển theo trạng thái căng thẳng và đó là điều không thể chấp nhận được. Cả hai phía đã nhận ra rằng cần phải kiểm soát tình hình và phải dự báo trước được mọi việc, do đó cần nối lại đối thoại song phương để ngăn quan hệ suy thoái hơn nữa.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cho rằng trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh có thể là cuộc chiến chống khủng bố. Về phần mình, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov bày tỏ hy vọng rằng hai nhà lãnh đạo có thể bắt đầu thảo luận về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa các vấn đề khác và thiết lập nhóm an ninh mạng chung.

Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ D.Trump. Ảnh: AP.

“Tôi chắc chắn rằng không thể loại bỏ mọi trở ngại trên con đường hợp tác lẫn nhau của chúng ta, nhưng sẽ có tiến bộ về quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu”, Đại sứ Anatoly Antonov cho biết.

“Cả Nga và Mỹ đều ủng hộ một cách tiếp cận linh hoạt và hiện đại hơn đối với vấn đề ổn định chiến lược... Vì vậy, hai nước có thể lấy đó làm xuất phát điểm để đạt được một nhận thức chung”, chuyên gia Dmitry Suslov nói.      

EU “ngồi trên đống lửa”

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ cho dù chưa diễn ra, nhưng những lo lắng từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và NATO đã xuất hiện. Các nước đồng minh của Mỹ lo ngại sắp tới quan hệ Nga - Mỹ ngày càng khăng khít hơn, ảnh hưởng của nước Nga sẽ gia tăng, lúc đó châu Âu và NATO có thể sẽ bị “lép vế”. Khi đó Tổng thống Mỹ “có thể sẽ bị thuyết phục để hạ thấp các cam kết quân sự của Mỹ ở châu Âu”. Điều này khiến các đồng minh EU có lý do để lo ngại.

Thái độ “xa lánh” EU của Tổng thống Mỹ ngày càng gia tăng, thể hiện đặc biệt rõ trong lĩnh vực thương mại, khi ông Trump đổ hoàn toàn trách nhiệm tình trạng thâm hụt thương mại song phương cho EU. Lập trường hiện nay của chính quyền Trump đối với EU và quan hệ hai bờ Đại Tây Dương đã đang khiến EU lo ngại trước khi cuộc gặp này diễn ra.

Lợi ích của Mỹ ở châu Âu hoàn toàn dễ hiểu. Ngoài các mối quan hệ thương mại và đầu tư cùng có lợi, Mỹ lâu nay vẫn tìm cách duy trì cán cân quyền lực đối với cả châu Âu. Washington không muốn bất kỳ nước nào thống trị châu Âu, hoặc đặt lục địa già dưới một thể chế lãnh đạo thống nhất, bởi một thể chế lãnh đạo khu vực như vậy sẽ là một đối thủ cạnh tranh ngang hàng (với Mỹ) và cuối cùng có thể cố gắng thiết lập một vai trò an ninh quan trọng ở Tây bán cầu và buộc Mỹ phải lo nghĩ nhiều hơn đến việc phòng thủ bờ biển của họ.

Giải thích lý do châu Âu, NATO xuất hiện lo ngại, một quan chức của EU cho biết, các nhà lãnh đạo của khối này vừa nhận được thông báo của Ủy ban Tình báo Hạ viện, chủ yếu gồm các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ Tổng thống Trump, tuyên bố không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào chứng minh Nga có tác động tới cuộc bầu cử Mỹ. Nhiều thành viên trong ủy ban này đã dẫn chứng những “kẽ hở” trong các kết luận của giới tình báo, và cho rằng việc kết luận Nga can thiệp làm lợi cho ông Trump là điều thiếu chính xác.

Nghị sĩ Mike Conaway, bang Texas, nói: “Chúng tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng họ (Nga) tìm cách giúp ông Trump”. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã cáo buộc các nhà điều tra nhằm vào Nhà Trắng vì lý do chính trị. Rõ ràng, sự ủng hộ của đảng Cộng hòa và Hạ viện cho thấy, mối quan hệ Nga-Mỹ tốt đẹp hơn, về cơ bản được sự ủng hộ từ đảng cầm quyền. Tuy nhiên, chính điều này càng làm EU và NATO lo ngại.

NATO lo lắng...

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phủ nhận những lo ngại về hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh điều này hoàn toàn đồng điệu với các chính sách của liên minh, vốn ủng hộ việc đối thoại với Moskva.

Song trên thực tế, NATO thực sư rất lo ngại. Vấn đề quan trọng với NATO lúc này là tiền đóng góp. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga sẽ tới châu Âu tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần tới, với những câu hỏi đơn giản trong đầu: Tại sao Mỹ phải chi hơn 3,1% GDP cho ngân sách quốc phòng của NATO, trong khi Đức chỉ đóng góp 1,2% GDP và EU chỉ có 1,5%? Tại sao Mỹ phải đóng góp để bảo vệ châu Âu nhiều hơn so với các nước châu Âu khác?

Đây là những câu hỏi hoàn toàn hợp lý và tất nhiên ông Trump không phải là tổng thống đầu tiên đặt ra những câu hỏi như vậy. Tuy nhiên, có thể ông là tổng thống đầu tiên sẽ yêu cầu ai đó phải trả lời những câu hỏi này và cũng có thể chính ông sẽ hành động nếu không có được câu trả lời mà ông mong muốn.

NATO lo ngại khi Mỹ xích lại gần Nga. Ảnh: MintPress News.

Rõ ràng ông Trump khi thực thi chính sách đối ngoại đã không vứt bỏ các ý tưởng của mình. Cần phải xem xét một cách nghiêm túc những thông tin về việc ông Trump phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng trước rằng NATO “tệ hơn NAFTA” và rằng chính quyền của ông đang cân nhắc các lựa chọn rút lực lượng Mỹ khỏi châu Âu. Và điều đó có nghĩa là cần nghiêm túc trả lời những câu hỏi của ông Trump: Tại sao Mỹ phải trả tiền để bảo vệ châu Âu? Câu hỏi càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh Mỹ xích lại với Nga.

Trên thực tế, nó thậm chí còn lớn hơn nhiều so với chính ông Donald Trump có thể nhận thấy khi ông tập trung vào khoảng cách giữa ngân sách quốc phòng của Mỹ và châu Âu. Đó là vì khi chúng ta xem xét chi phí thực sự của Mỹ cho việc bảo vệ châu Âu, chúng ta phải xem xét không chỉ quy mô ngân sách quốc phòng của Mỹ và “cái giá” của lực lượng Mỹ đóng tại châu Âu, mà còn phải xem xét chi phí điều động các lực lượng này cho chiến tranh và chi phí của bất cứ cuộc chiến tranh nào có thể xảy ra sau đó.

Và ở châu Âu ngày nay, giờ đây mọi thứ đã khác. Như Chiến lược An ninh quốc gia mới (của Mỹ) cuối cùng đã nêu rõ, nước Mỹ phải đối mặt với các đối thủ vô cùng mạnh ở châu Âu và những nơi khác, và sự thịnh vượng cũng như sức mạnh của Mỹ không có ảnh hưởng vượt trội như họ vẫn thể hiện. Ông Donald Trump và những người ủng hộ ông nghi ngờ việc bảo vệ châu Âu là xứng đáng với chi phí bỏ ra để duy trì lực lượng ở châu Âu.

Những người không đồng ý với ông Trump và những người nghĩ rằng cam kết của Mỹ bảo vệ châu Âu nên được duy trì, đang đối mặt với nhiệm vụ nặng nề. Họ phải giải thích vì sao lợi ích của Mỹ trong an ninh châu Âu là rất lớn để biện minh cho việc Mỹ hằng năm đóng góp nhiều vào việc xây dựng và duy trì các lực lượng cho phòng thủ châu Âu.

Đó là, và luôn là các công cụ chính sách được thiết lập để phục vụ các lợi ích chủ yếu của Mỹ, đặc biệt là các lợi ích an ninh của chính Mỹ. Do đó, cam kết chiến lược của Mỹ với châu Âu phải được chứng minh - như trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh - bằng cách lập luận rằng an ninh của nước Mỹ ở Tây bán cầu phụ thuộc vào việc bảo vệ châu Âu khỏi các mối đe dọa mà châu Âu đơn giản là không thể tự giải quyết được bất kể họ đóng góp bao nhiều cho ngân sách quốc phòng. Nhiều người sẽ lập luận rằng câu trả lời cho những câu hỏi này là “không”.

Mọi hành động “không mấy thiện cảm” của Tổng thống Trump nhằm vào các đồng minh Mỹ và những lời ca ngợi đối với Tổng thống Putin có thể gây ra một hội nghị NATO đầy bất ổn. Điều mà EU và NATO lo nhất là nguy cơ ông Trump sẽ làm suy yếu hội nghị NATO bằng cách ông Trump có thể nhượng bộ ông Putin khi hai bên gặp gỡ.

Bởi, các chuyên gia NATO chỉ ra rằng, khó có khả năng ông Putin sẽ bằng lòng với kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của NATO để chống lại Nga. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi cả người châu Âu và người Mỹ đang linh tính một điềm tại Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra trong tháng này.

Căn cứ vào thái độ tức giận và nóng nảy của ông Trump trong và sau Hội nghị thượng đỉnh G-7 hồi tháng 6 vừa qua và diễn ra ngay trước khi ông lên kế hoạch gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin, Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới có thể trở thành cuộc đụng độ ngoại giao giữa 29 nước thành viên.

Nguyễn Hòa
.
.
.