Quan hệ Nga – Mỹ như chỉ mành treo chuông

Thứ Năm, 06/10/2016, 10:25
Ngày 3-10, sau khi Mỹ tuyên bố ngưng liên lạc song phương với Nga trong việc giải quyết vấn đề Syria, Tổng thống Putin ngay lập tức ra tuyên bố đình chỉ thỏa thuận hạt nhân với Washington. Như vậy, quan hệ Nga - Mỹ vốn đã xuống đáy từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine thì nay càng tệ hại hơn trong vấn đề Syria và giải giáp hạt nhân.

Nga sẽ “chết chắc” nếu đi theo lộ trình “chống lại sự giúp đỡ của Mỹ”!

Những căng thẳng Nga - Mỹ gần đây liên quan trực tiếp tới cuộc khủng hoảng tại Syria mà hai nước đang tìm cách tháo gỡ. 5 năm trước đây, Mỹ từng hù dọa xua quân sang Syria lật đổ chính quyền Tổng thống Al-Assad như từng lật đổ nhiều lãnh đạo các nước Trung Đông và Bắc Phi trước đó như Saddam Hussein của Iraq hay Muammar al-Gaddafi ở Libya. Nhưng Nga đã không cho Mỹ làm điều đó, có lẽ vì Syria đóng một vai trò quan trọng với Nga ở Trung Đông hơn là những nước khác.

Song Mỹ không vì thế mà chịu thoái lui. Trong suốt ngần ấy năm, Mỹ âm thầm bảo trợ cho các nhóm đối lập, gồm cả những tổ chức mà cộng đồng quốc tế coi là khủng bố ở Syria như Nhà nước Hồi giáo hay Jabhat al-Nusra. Syria vì thế chìm trong nội chiến trong suốt 5 năm qua khiến hàng triệu người chạy tị nạn và hàng trăm nghìn người chết.

Tổng thống V. Putin đình chỉ thỏa thuận hạt nhân với Mỹ ngày 3-10.

Tháng 9-2015, Tổng thống Al-Assad cầu cứu Nga một lần nữa. Tổng thống Putin quyết định ra tay nhân cơ hội mà chính Mỹ cũng đang lợi dụng để phá chính quyền Damascus, đó là tiêu diệt khủng bố. Nga thì với sự cho phép của Tổng thống Assad, tất cả đối lập hay nhóm khủng bố ở Syria đều là khủng bố và cần bị tiêu diệt.

Chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu bằng màn đánh nhanh, mạnh với việc điều trực tiếp trang thiết bị quân sự sang căn cứ của mình ở Syria. Sau vài tháng, thế trận đã thay đổi, quân đội Chính phủ Damascus đã giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ trước đó nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập và khủng bố. Khi ấy, Nga bắt đầu rút bớt vũ khí về nước.

Nhưng ngay khi Nga vừa rút vũ khí về thì Mỹ lại xúi phiến quân và khủng bố tấn công lại chính quyền Damascus. Lúc này Nga buộc phải điều các đợt máy bay ném bom tầm xa bay từ Nga qua Syria để dùng hỏa lực hỗ trợ cho quân đội chính phủ Assad.

Cùng vào thời gian này, cục diện Syria thay đổi theo hướng có lợi cho Nga. Đó là sự tham chiến của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Một là đồng minh cũ của Nga, một là đồng minh của Mỹ nhưng lại đang bị chính phe phiến loạn ở Syria do Mỹ hậu thuẫn đe dọa tới biên cương và nội bộ chính trị.

Sự hợp lực của cùng lúc 4 lực lượng chính gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và quân đội Syria đã khiến cho các phe phái đối lập của Damas do Mỹ bảo kê sất bất sang bang. Đó là lúc Mỹ hiểu rằng cần phải xuống nước chấp nhận đàm phán với Nga để câu giờ cho đồng minh. Đây là lý do vì sao có thỏa thuận Nga-Mỹ về Syria hôm 10-9-2016.

Nhưng Mỹ luôn là “con cáo già” trong những trường hợp câu giờ như vậy. Tranh thủ lúc ngưng bắn, các phe phái do Mỹ hậu thuẫn củng cố lực lượng, tấn công quân Chính phủ Syria. Không quân Mỹ cũng lợi dụng thời cơ để thả bom nhầm làm 62 lính của Tổng thống Assad thiệt mạng. Chính quyền Damascus “điên máu” tuyên bố bãi bỏ lệnh ngừng bắn vào ngày 19-9, tức một tuần sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Từ đó đến nay, quân đội Syria với sự yểm trợ của hỏa lực Nga liên tiếp tấn công tử địa Aleppo hiện do phe phiến quân của Mỹ kiểm soát. Mới đây, một phần thành phố này đã bị quân đội Chính phủ Damas chiếm được.

Trong tình thế nguy ngập này, Mỹ công khai tiếp viện vũ khí cho phiến quân Syria, cùng lúc mở một chiến dịch ngoại giao rầm rộ chống lại Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry và người đồng cấp Nga Lavrov.

Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria tối 25-9, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Samantha Power tuyên bố Nga sử dụng đặc quyền của mình (tức ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ) để gây ra cuộc “tắm máu” tại Syria. Tuy nhiên, bà Samantha Power không đả động gì tới trách nhiệm của Mỹ khi vô cớ ném bom làm thiệt mạng 62 binh sĩ Syria cũng như hàng trăm vụ vi phạm ngưng bắn từ phiến quân, khiến quân đội Syria buộc phải chấm dứt lệnh ngưng bắn.

Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho rằng không có ngưng bắn hay hòa bình nào cho Syria nếu như Mỹ không thể hoặc không muốn kiểm soát các thể loại phiến quân thánh chiến và nổi dậy. Ông Churkin cho rằng liên quân quốc tế phương Tây đã trang bị vũ khí cho hàng trăm quân khủng bố và dội bom mà không phân định rõ ràng.

Ông nói: “Có hàng trăm nhóm phiến quân vũ trang ở Syria. Không kiểm soát được chúng hoặc không tiêu diệt được thì đừng nói tới hòa bình”.

Cùng lúc đó, hệ thống tuyên truyền của Mỹ được huy động hết công suất nhằm triệt hạ uy tín của nước Nga và Tổng thống Putin. Trong bài viết trên tờ Washington Post ra ngày 28-9, một cựu quan chức Mỹ tuyên bố “siêu chiến lược gia” Putin đang phạm sai lầm tại Syria và cả Putin lẫn nước Nga sẽ hứng chịu những hậu quả cho sai lầm đó. Tại sao? Tác giả nói thỏa thuận ngưng bắn (12-9) giữa Nga và Mỹ về Syria là cách mà Mỹ “mở đường” cho Nga có chiến thắng “sạch”.

Tóm lại, tác giả nói Mỹ muốn “giúp” Nga theo cách của mình... chứ không phải theo cách của Nga. Nhưng Nga đã sai lầm khi khước từ “thiện ý” của Mỹ bằng cách “tiếp tục cổ xúy bạo lực, chiến tranh”. Theo tác giả, bằng việc xóa bỏ ngưng bắn, Putin đang khiến dân thường Syria phải trả giá đắt, và rồi mai mốt... Nga cũng phải trả giá. Không biết có phải ý của tác giả là Nga sẽ chịu “quả báo” từ... ông trời hay là từ Mỹ?

Theo Washington Post, Nga không thể thắng tại Syria. Tác giả bài báo liệt ra những lý do, theo đó Nga sẽ “chết chắc” nếu đi theo lộ trình “chống lại sự giúp đỡ của Mỹ”. Thứ nhất, đó là sẽ chỉ tạo ra một Afghanistan khác.

Theo tác giả thì dù Nga có hỗ trợ chính quyền Assad san phẳng thành Aleppo thì cũng không thể nào triệt tiêu ý chí chống chế độ. Bởi dân Syria đa phần là Hồi giáo Sunni và họ được kích động cũng như hỗ trợ từ Arập Xêút và Qatar để mãi mãi chống lại chính quyền. Thứ hai, Nga sẽ đánh mất quan hệ với châu Âu và thế giới Arập.

Tác giả nói dù có thắng thì cái giá chính trị và ngoại giao mà Nga phải trả cũng rất lớn. Đó là sự đổ vỡ quan hệ với các nước Arập khác và phương Tây. Nga đang chịu tổn thất kinh tế lớn do “sự trừng phạt” từ phương Tây, liệu Nga sẽ xoay xở ra sao nếu bị siết chặt cấm vận? Thứ ba, Mỹ sẽ đánh thẳng vào Nga. Theo tác giả, tới nước này thì Mỹ sẽ không còn ném đá giấu tay mà khả năng sẽ “tung cước” trực tiếp lên nước Nga.

Tất nhiên, Mỹ không đời nào muốn đụng độ quân sự trực tiếp. Cái mà Mỹ làm, cũng khá quen thuộc, là tăng cường cấp vũ khí hạng nặng cho phiến quân Syria. Và khi đó, để thiết lập cân bằng, Nga lại phải gia tăng chi phí cho cuộc chiến Syria. Và Nga có kham nổi?

Tóm lại, tác giả này nói hộ quan điểm của Mỹ, rằng Nga nên quay trở lại giải pháp ngừng bắn. Điều đó tốt cho Nga. Nếu Nga tiếp tục “cứng đầu”, Mỹ sẽ “làm tới cùng”...

Mắng người sao không nhìn lại mình?

Qua ngày 29-9, tiếp tục cuộc chiến tuyên truyền chống Nga, tờ The New York Times có bài xã luận đầy vẻ bút chiến, cáo buộc Tổng thống Putin hành xử kiểu “luật rừng” và biến nước Nga trở thành quốc gia... vô luật pháp. Câu hỏi đặt ra là: vậy Mỹ muốn Nga tuân theo thứ luật pháp nào? Phải chăng đó là thứ luật “quốc tế” do Mỹ thống trị? Lẽ ra, The New York Times phải ghi cho rõ: “Nga là quốc gia ngoài vòng pháp luật, ngoài trật tự thế giới do Mỹ chi phối”.

Sau đây là một số luận điểm cũ rích và “chửi người khác nhưng lại đang chửi chính mình” của tờ báo Mỹ. Thứ nhất, với tư cách thành viên phủ quyết của LHQ, Nga phải có trách nhiệm gìn giữ luật pháp. Nhưng với cách hành xử ở Ukraine và Syria, Nga không những cổ xúy chiến tranh mà còn hủy hoại các tiêu chuẩn chung của loài người. Nhưng Mỹ có trách nhiệm mang lại hòa bình cho Iraq, Libya, Afghanistan... chưa mà đòi hỏi người khác?

Thứ hai, theo báo cáo của Ủy ban Điều tra vụ tai nạn hàng không MH17, Nga phải chịu trách nhiệm về việc “triển khai tên lửa phòng không BUK ở miền đông Ukraine”. Nga không những che giấu hành vi của mình mà còn ngang nhiên ném bom bệnh viện ở... Syria.

Về điểm này, các nhà quan sát cho rằng một bài xã luận mà cách dẫn dắt hết sức thô kệch và vô duyên. Tự nhiên MH17 thì lái sang Syria. Hai chuyện này có liên quan sao? Cái gọi là “báo cáo” của cơ quan điều tra kia sau mấy năm trời “thầy bói xem voi” kia có đủ độ tin cậy sao mà dẫn giải như đúng rồi vậy?

Quân đội chính phủ Syria mừng chiến thắng sau khi chiếm được một phần Aleppo hiện do phiến quân được Mỹ yểm trợ kiểm soát.

Thứ ba, Nga khước từ đàm phán, bác bỏ ngưng bắn (theo đề nghị của Mỹ) về cuộc chiến Syria. Ý này của tác giả được hiểu trắng ra là trái ý Mỹ tức là trái luật pháp, trái đạo lý, là ngoài vòng pháp luật...

Mỹ ủng hộ ai ở Syria? Phiến quân “ôn hòa” ở đâu? Chúng là ai? Nga có trách nhiệm của Nga, vậy trách nhiệm của Mỹ ở đâu? Mỹ có kiềm chế được hàng trăm nhóm vũ trang đầy mình ở Syria không? Chính quyền Mỹ đương nhiên không bao giờ có thể trả lời được thắc mắc của Nga. Cùng lúc đó trên mặt trận ngoại giao, những lời trù ẻo, bài bác nhau giữa Nga và Mỹ liên quan tới tình hình Syria cũng tăng nhiệt và có chiều hướng mất kiểm soát.

Ngày 28-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng Nga có lợi trong việc chấm dứt bạo lực ở Syria, vì các thành phần cực đoan có thể tận dụng khe hở đó và tấn công vào “các lợi ích của Nga, thậm chí có thể là các thành phố của Nga”. Ông Kirby còn nói bóng gió rằng lính Nga sẽ về quê trong bao đựng xác chết.

Ngay lập tức, ngày 29-9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã phản ứng lại rằng: “Chúng tôi không thể diễn giải sao cho tách bạch những gì chính quyền Mỹ đã nói vừa qua với một thái độ ủng hộ khủng bố. Đây là những lời mời gọi trá hình về việc dùng chủ nghĩa khủng bố như vũ khí chống lại Nga, cho thấy nội dung chính trị ẩn sâu trong chính quyền Mỹ là hạ mình trong cách tiếp cận với khu vực Trung Đông và đặc biệt là Syria”.

Còn Bộ Quốc phòng Nga ngày 30-9, cũng đã chính thức phản hồi về bình luận của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố Nga xem lời lẽ của Mỹ là một sự đe dọa đối với Nga nhưng quân đội Nga sẽ vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình: ủng hộ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố và hiện là việc tấn công lực lượng nổi dậy ở Aleppo - thành trì do quân nổi dậy do Mỹ bảo trợ đang kiểm soát ở phía đông Syria.

Trong một động thái mới nhất, hôm 3-10 Mỹ thông báo ngưng liên lạc song phương với Nga trong việc mang lại sự chấm dứt thù địch ở Syria. CNN trích lời ông John Kirby, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng đây là một quyết định nghiêm chỉnh. Ngay trong ngày, Nga thông báo đình chỉ thỏa thuận xử lí chất plutonium trong các đầu đạn hạt nhân cũ với Mỹ với lí do “Washington liên tiếp có các hành động gây hấn với Nga cũng như không tuân thủ đúng các quy định của thỏa thuận”.

Sắc lệnh được kí bởi Tổng thống Putin nêu rõ: “Hoàn cảnh thay đổi, cùng những động thái gây gấn của Mỹ cũng như sự thất bại trong việc tuân thủ thỏa thuận kiểm soát chất plutonim đã khiến Nga phải hành động quyết đoán nhằm đảm bảo an ninh quốc gia”.

Quyết định mới của Nga không quá bất ngờ do Moskva đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với cách Mỹ tuân thủ thỏa thuận này. Thỏa thuận xử lí chất plutonium được Nga và Mỹ kí từ năm 2000 trong đó, 2 bên nhất trí dùng lò phản ứng hạt nhân để chuyển hóa plutonium nhằm đảm bảo nó không thể tái sử dụng. Tuy nhiên, Mỹ lại chọn biện pháp giá rẻ là trộn các nguyên liệu hạt nhân với các phụ gia đặc biệt, cùng khẳng định rằng, điều này có thể được thực hiện mà không cần hỏi ý kiến Nga hay thương lượng lại.

Bất lực trên chiến trường Syria trước Nga và các đồng minh, Mỹ quay sang tăng cường cuộc chiến ngoại giao nhưng quên mất rằng bài học kinh điển trong quan hệ quốc tế: thực lực trên chiến trường thường quyết định ván bài ngoại giao. Sự bất lực của Mỹ được chính Ngoại trưởng John Kerry trong một cuộc trao đổi với các tổ chức xã hội công dân Syria tại New York thú nhận hồi tuần trước.

Ông Kerry cho biết vô cùng thất vọng vì ông đề xuất phải sử dụng vũ lực chống chế độ Damascus, nhưng không được lắng nghe do nội tình nước Mỹ chia rẽ làm Washington bị “trói tay”!

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.
.