Indonesia: Chống cháy rừng bằng cấm phá rừng

Thứ Sáu, 06/09/2019, 15:10
Những lưỡi lửa trên các đảo Sumatra và Borneo của Indonesia đã liếm 2,6 triệu ha đất đai, giải phóng một lượng carbon dioxide nhiều hơn nền kinh tế Mỹ và khiến hàng triệu dân cư phải chịu cảnh ngộp thở trong khói độc càn quét khắp Đông Nam Á (ĐNÁ). Nhưng năm 2019 này đã có một thứ khác biệt ở Indonesia khiến thế giới đang theo dõi chặt chẽ.


Giảm thiểu nạn phá rừng

Kể từ năm 2015, Tổng thống Indonesia, ông Joko "Jokowi" Widodo đã tiến hành các chính sách nhằm tìm ra căn nguyên gây hỏa hoạn như tàn phá rừng và quản lý kém các bãi than bùn. 

Chính sách này sẽ bao gồm thành lập một cơ quan phục hồi than bùn, tìm kiếm các cá nhân và doanh nghiệp gây ra hỏa hoạn, mở rộng lệnh cấm phá rừng cũng như tăng cường khả năng thực thi và chữa cháy ở địa phương. Những bằng chứng ban đầu cho thấy các bước đi này đã làm nên sự khác biệt.

Số lượng các "điểm nóng": các khu vực có nhiệt độ cao hơn những khu vực lân cận đang sụt giảm đáng kể. Theo những hình ảnh được ghi lại bởi các vệ tinh của Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) thì trong vòng 9 tháng đầu tiên của năm 2017 ở Indonesia, có 2.400 điểm nóng được phát hiện, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2016.

Mặt khác, theo Viện tài nguyên thế giới (WRI) thì Indonesia cũng giảm đáng kể tỷ lệ phá rừng. Năm 2016, quốc đảo này bị mất 1 triệu ha rừng. Nhưng sang năm 2017 thì tỷ lệ phá rừng giảm 60%, chỉ mất 400.000 ha rừng. 

Lính cứu hỏa căng mình chữa cháy rừng tại Kampar (đảo Sumatra, Indonesia) vào ngày 13-8-2019.

Tuy vậy, hiện tượng El-Nino năm 2019 đã tạo ra một thách thức lớn nhất cho hướng tiếp cận mới của Indonesia đã có từ năm 2015. Làm thế nào quốc gia đông dân thứ 4 thế giới như Indonesia lại trở thành hình mẫu cho các quốc gia nhiệt đới tương tự từ Brazil và Peru đến Cộng hòa dân chủ Congo trong cuộc chiến chống phá rừng. 

Ông Arief Wijaya, quản lý cao cấp về khí hậu và rừng thuộc WRI Indonesia phát biểu: "Chính phủ Indonesia đã trở nên quan tâm sát sao các vấn đề hỏa hoạn và khói rừng kể từ năm 2015, chính quyền giờ đây đang theo đuổi các cá nhân và doanh nghiệp chịu trách nhiệm trong việc đốt rừng phát quang đất đai".

Các chuyên gia cho biết mặc dù các bãi than bùn đã tạo nên những kho lưu trữ carbon dày đặc nhất thế giới, và khi bị đốt cháy, các bãi than bùn này đã giải phóng các chất gây ô nhiễm không khí, nhưng chúng không được hiểu tốt ở Indonesia cho mãi đến năm 2015.

Vì không có các bản đồ chính xác về những vũng than bùn vì thế mà các chuyên gia không thể đo được mật độ của chúng, hoặc làm thế nào mà chúng có thể kết nối với các hệ sinh thái xung quanh. Tình hình này đã được thay đổi.

Nhiều sáng kiến môi trường độc đáo

Chính quyền của Tổng thống Jokowi Widdodo đã thành lập Cơ quan phục hồi vũng than bùn (PRA) nhằm phục hồi 2 triệu ha vũng than bùn bị suy thoái. Chính phủ cũng thành lập một cơ chế hoán đổi đất nhằm cho phép các chủ đất có đồn điền nằm trên vũng than bùn có quyền buôn bán đất đai của họ, và chuyển đến các địa điểm không than bùn. Hiệp hội dân sự cũng không đứng ngoài cuộc. WRI Indonesia đã phát động cuộc thi Giải thưởng than bùn Indonesia (IPP) vào năm 2017, nơi các nhóm dự thi có thể trưng ra những giải pháp nhằm lập nên những bản đồ vũng than bùn vừa rẻ vừa hiệu quả trên khắp quần đảo Indonesia.

Người chiến thắng IPP năm 2018 đã đề xuất công nghệ LIDAR đổi mới - một kỹ thuật giám sát dựa trên ánh sáng lazer và phương pháp dựa trên vệ tinh - mà giờ đây đã được áp dụng để lập các bản đồ vũng than bùn tầm quốc gia.

Các xứ nhiệt đới khác cũng nhận ra rằng cách tiếp cận mới mẻ của Indonesia cũng có thể dùng làm khuôn mẫu cho họ. Đầu năm 2019 này, chính phủ Indonesia đã khởi động Trung tâm vũng tan bùn nhiệt đới quốc tế (ITPC) có phối hợp với các chuyên gia toàn cầu cùng vài quốc gia hải ngoại bao gồm Peru, Cộng hòa Congo.

ITPC nhằm mục đích cung cấp hỗ trợ và chia sẻ tiến bộ của Indonesia như là minh chứng điển hình cho các nước nhiệt đới ở Nam Mỹ và Phi Châu cùng đối phó với sự gia tăng nạn phá rừng. Để có được những thành công như ngày hôm nay, suốt hàng thập kỷ Indonesia đã chật vật tìm cách quản lý rừng.

Đã từng có thời điểm khói độc do đốt rừng đã lan sang 2 quốc gia láng giềng Singapore và Malaysia. Theo ông Herry Purnomo, một nhà khoa học làm việc tại Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFR, Indonesia), thì 138.000 ha diện tích đất rừng đã bị thiêu cháy kể từ tháng 7 năm 2019.

Ông Purnomo hy vọng rằng con số diện tích rừng bị cháy sẽ không vượt quá mốc 500.000 ha tức thấp hơn 2,6 triệu ha rừng bị thiêu từ giữa tháng 6 và tháng 10 năm 2015. Và ông Purnomo cũng cảnh báo: "Lửa đã giảm nhưng chưa tắt hoàn toàn. Có quá nhiều chương trình và quy định chính phủ, nhưng khả năng thực hiện chúng lại ít hơn người dân mong muốn".

Bà Helena Varkkey mong muốn có thêm nhiều ngân sách cho công tác phục hồi vũng than bùn và chuyển đổi đất cũng như sở hữu chủ cho các giao dịch đất, và trăn trở: "Cho đến thời điểm này, tôi vẫn khó mà xác định chính xác chủ sở hữu đất hay các công ty chịu trách nhiệm gây ra hỏa hoạn hay khói mù". Vẫn có nhiều người tỏ ra lạc quan.

Ông Jokowi Widodo đã tái đắc cử vào năm ngoái 2018 và ông nên giành nhiều thời gian trong nhiệm kỳ 2 của mình để chuyển đổi toàn diện các vấn đề cháy rừng và phá rừng của Indonesia. Đầu tháng 8-2019, ông Widodo đã loan tin về một động thái quyết liệt: vĩnh viễn cấm phá rừng, đồng nghĩa hàng triệu ha rừng và vũng than bùn sẽ ở ngoài giới hạn của các đồn điền. Theo các chuyên gia thì bước kế tiếp ông Widodo cần trao quyền và tài trợ cho các cơ quan chủ chốt.

Hồi tháng 2 năm 2019, Na Uy đã công nhận sự thành công của Indonesia với một giải thưởng theo thỏa thuận song phương rằng một phần của Hiệp ước biến đổi khí hậu Paris. Năm 2015, những vụ cháy rừng vượt tầm kiểm soát của Indonesia đã khiến các quốc gia láng giềng sợ hãi. Nhưng, 4 năm sau đó, trong lúc vật lộn với hiện tượng El Nino, Indonesia đã chỉ cho thế giới cách làm thế nào để khắc phục các khủng hoảng.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.
.