Chữ tín từ lời hứa đến hành động

Thứ Hai, 17/12/2018, 11:26
Chênh chếch giữa tháng 10-2018, Chánh Thanh tra TP HCM Nguyễn Long Tuyền nói rất đĩnh đạc: “UBND TP sẽ nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, hoàn tất xử lý các đơn vị, cá nhân liên quan trước ngày 30-11-2018”.

Ý của ông Nguyễn Long Tuyền là UBND TP HCM sẽ xử lý các cán bộ mắc khuyết điểm hay có sai phạm trong vụ việc Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) trong tháng 11-2018. Ông Tuyền đưa ra lời khẳng định này khi cùng Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tiếp các hộ dân thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hai ngày sau, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khi dẫn đầu tổ đại biểu Quốc hội thành phố tiếp xúc cử tri quận 2, cũng mạnh dạn đưa ra lời hứa: “Trong tháng 11 này, các cán bộ liên quan phải làm kiểm điểm, mức độ đến đâu xử lý đến đó. Tuy nhiên, việc này cũng phải bàn kĩ vì có sự tham gia của rất nhiều người. Phải thống nhất để lập danh sách, ai trước, ai sau”.

Tuy nhiên, tính cho đến thời điểm này là đã gần hết tuần đầu tiên của tháng 12-2018, vẫn chưa có thông tin gì về việc xử lý cán bộ có khuyết điểm, có vi phạm tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm của UBND TP HCM.

1. Thật ra thì Thủ Thiêm là không chỉ khó mà còn là thách thức bản lĩnh của những lãnh đạo thành phố đương nhiệm, mặc dù UBND TP HCM có lợi thế là xử lý theo kết luật của Thanh tra Chính phủ. 

Hai mươi năm ròng rã vá víu, trải qua mấy đời lãnh đạo có vướng vào Thủ Thiêm, rồi lãnh đạo sau gọi lãnh đạo trước là anh là chị, mà có khi vị trí của lãnh đạo sau là do lãnh đạo trước đề bạt, cất nhắc. 

Thôi thì nói như Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân: “Việc này cũng phải bàn kĩ vì có sự tham gia của rất nhiều người”, cứ chờ câu trả lời vẫn đang còn chờ thênh thang phía trước vậy. Nhưng có một điều chắc chắn mà không cần chờ thời gian vẫn có thể trả lời luôn, đó là lãnh đạo TP HCM chưa thực hiện được lời hứa với bà con Thủ Thiêm.

Sau lời hứa của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, rất nhiều người dân Thủ Thiêm chờ đợi.

Tính tôi vốn nệ cổ, cho dù thời gian có trôi qua thế nào, cho dù thế sự có xoay vần ra sao thì vẫn có những điều tôi không thể nào thay đổi nhằm thích nghi được. Một trong những điều đó chính là thói quen lấy điển tích để luận thời cuộc, cho đến giờ tôi vẫn một lòng kính trọng trí tuệ của tiền nhân.

Thuở bé vốn đã đọc thấy, có năm thứ đạo mà người quân tử phải có, “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí và Tín”. Mặc dù chứ Tín xếp sau cùng nhưng đó là chữ quyết định tất cả, không chỉ trong quan niệm phương Đông mà ngay cả phương Tây người ta cũng nhất mực bảo vệ và đề cao người giữ chữ tín.

Chữ Tín tự xưa đã được nâng niu như bảo vật của đời người, tất nhiên là cũng có nhiều cá nhân xem trọng của cải vật chất. Nhưng đa phần các bậc được lưu truyền sử xanh đều ngồi không đổi họ đứng không đổi họ, một lời nói ra nặng tựa ngàn cân, nói được làm được. Ngay cả thuật trị dân chăn dân, nhiều lúc cũng phải mượn nước đẩy thuyền, mượn chữ tín làm việc lớn.

Thương Ưởng ngày trước muốn dân tin vào tiến trình thay đổi pháp chế lần hai, bèn hạ lệnh cho quân lính mang đến giữa thành một khúc gỗ rồi truyền khắp kinh thành ai mang khúc gỗ ấy đến cổng thành sẽ được thưởng 10 lạng vàng. 

Đương nhiên là không ai mang khúc gỗ ấy vì lẽ thường làm gì có chuyện thực hiện điều đơn giản đến vậy mà nhận được vàng. Thấy không có ai khuân khúc gỗ, Thương Ưởng hạ lệnh nâng mức thưởng lên 50 lạng vàng. Cuối cùng chờ mãi thì cũng có người đến thực hiện yêu cầu ấy.

Thương Ưởng giữ đúng lời hứa, thưởng cho người dân kia 50 lạng vàng. Từ đó, tiếng đồn Thương Ưởng biết giữ chữ tín, lời nói vang khắp nước, tiến trình thay đổi pháp chế lần hai do Thương Ưởng khởi xướng cũng trơn tru thuận lợi.

Người Trung Hoa có điển tích rất hay xung quanh bốn chữ “Nhất nặc thiên kim”, nghĩa là lời hứa có giá ngàn vàng.

Quý Bố là danh tướng của Hạng Vũ, khi Hạng Vũ đánh nhau với Lưu Bang, Quý Bố lập được nhiều công to. Diệt được Hạng Vũ, Lưu Bang treo thưởng nghìn vàng cho ai tìm thấy Quý Bố, ai che giấu Quý Bố sẽ bị tru di tam tộc.

Quý Bố bình sinh là hảo hán, giúp đỡ cũng nhiều người nên khi lâm nạn có nhà họ Chu tìm cách cứu. Nhưng họ Chu không đủ thực lực để tính đường trọn vẹn cho Quý Bố, họ Chu bèn tìm đến một đại nhân vật khác là Chu Gia. Chu Gia nhận ra Quý Bố mà cảm mến bèn hứa, sẽ cố giúp cho Quý Bố khỏi chịu cảnh nguy nan.

Lưu Bang nay làm vua, dám hứa giúp một người mà vua căm hận thoát cảnh nguy nan vì lẽ ghét yêu của vua thì không khó bằng lên trời cũng tuyệt đối không kém xuống biển là mấy. Ấy vậy mà Chu Gia cũng kiếm cách làm được. 

Chuyện này điển tích không chép chi tiết nhiều, nhưng hẳn nhiên tổn hao không ít tâm sức lẫn kinh tài của Chu Gia, ấy là còn chưa kể đến sự hung hiểm về tính mạng của Chu Gia và dòng họ, nếu không may Lưu Bang nổi giận. Chính vì lời hứa được giữ gìn này của Chu Gia, mà câu “Nhất nặc thiên kim” ra đời.

Thuở học tiểu học ở quê tôi có được dạy về bài học giữ lời hứa từ một mẩu truyện ngắn chuyển thể từ văn học Liên Xô. Đại khái có cậu bé tham gia chơi trò vui cùng bạn, bạn giao cho nhiệm vụ canh gác. Bạn tuổi nhỏ nói đó quên đó nên bỏ về trước, báo hại cậu bé mãi đến tối cũng chưa dám rời vị trí để về bèn đứng khóc. 

Lênin vô tình dạo chơi nghe tiếng khóc bèn tìm đến và hỏi, sau khi nghe toàn bộ câu chuyện Lênin khuyên cậu bé nên về nhà, nhưng cậu bé nhất định không về vì đã hứa với bạn. Không còn cách nào khác, Lênin phải nhờ một sĩ quan có cấp hàm cao hơn cấp hàm tự phong của bạn cậu bé để ra lệnh cho cậu bé rời vị trí gác về nhà, cậu bé lúc này mới chịu.

Năm tháng qua nhanh quá rồi, không biết bây giờ với nhiều đợt cải cách giáo dục thì mẩu truyện ngắn ấy còn được giữ lại trong sách giáo khoa hay không? Thêm nữa là tôi kể lại bằng trí nhớ của nhiều năm về trước, có chỗ nào không chỉ xác mong quý bạn đọc bỏ quá cho.

2. Thật ra thì không chỉ có lời hứa tháng 11 đã trôi qua mà tôi nhắc đến ở phần trên của bài viết này, mà còn rất nhiều lời hứa khác bị quên lãng. Thậm chí, có những hành động còn nguy hại hơn sự thất hứa, sự không giữ chứ tín diễn ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Đó là việc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai quyết định điều động bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy sang nhận nhiệm vụ tại Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Bà Mỹ Thanh chính là người bị Ban Bí thư xác định có nhiều vi phạm nghiêm trọng, bị cắt hết các chức vụ trong Đảng. Bà Phan Thị Mỹ Thanh cũng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ban Bí thư.

Nhân dân cả nước biết rõ những sai phạm của bà Mỹ Thanh nguy hại đến cái chung như thế nào, nguy hại đến uy tín danh dự của tổ chức là như thế nào, vi phạm những điều đã được quy định rõ ràng như thế nào… Ấy thế mà, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai vẫn phân công cho bà Phan Thị Mỹ Thanh nhiệm vụ mới.

Tất nhiên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai có đầy đủ lý do nguyên cớ đúng quy trình để giải thích về việc điều động này. 

Thế nhưng, điều nguy hại nhất chính là Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai đã không thật sự cùng Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cùng Trung ương loại bỏ những cán bộ thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy, nhằm giúp bộ máy trong sạch hơn vững mạnh hơn, nhằm khôi phục lại niềm tin trong nhân dân trong công cuộc chỉnh đốn Đảng hết sức quyết liệt.

Hành động của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai thú thật, tôi hết sức ngạc nhiên. Vẫn biết cũng là quan hệ thân tình, vẫn biết cũng là vào ra chạm mặt rồi bao nhiêu năm đồng liêu đồng trào, nhưng chuyện gì ra chuyện đó. Thương nhau quý nhau cho nhau cân gạo con gà miếng bánh ngon thì được, chứ ai lại thương nhau theo lối bất chấp sự nghiêm minh của Trung ương, bất chấp cảm xúc của nhân dân thế này.

Cá nhân tôi cho rằng, việc điều động bà Phan Thị Mỹ Thanh trong bối cảnh này là việc làm rất không nên. Thậm chí, tính chính danh của bà Mỹ Thanh cũng không còn.

3. Dự Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nói: “Cha ông ta đã tổng kết, danh thơm còn mãi, đừng ham chức tước địa vị, vật chất, tiền tài, nhất là khi có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, lắm kẻ xu nịnh”.

Đây chính là những lời mà tôi đọc sách thấy các bậc trí sĩ xưa thường hay nhắc mình, lấy đó làm điều răn mình. Mà ngẫm lại suốt chiều dài lịch sử, danh thơm lưu truyền mà tiếng xấu cũng lưu truyền.

Muốn giữ được danh thơm thì phải giữ được nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất vẫn là chữ tín, nói được phải làm được, điều đúng nhất định phải lên tiếng, việc sai nhất định phải từ chối.

Niềm tin của nhân dân cũng hiện hữu từ đây mà cảm xúc tiêu cực của nhân dân cũng nảy sinh từ đây. Quan trọng hơn, nếu cán bộ lãnh đạo phải nêu gương theo đúng tinh thần của Quy định số 08-QD/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên thì chúng ta sẽ có những tấm gương ra sao về những lần thất hứa, về những hành động không thể lý giải nổi mà tôi đã nêu trong bài viết nhỏ này?

Lê Song Minh
.
.
.