Khủng hoảng nhập cư ở châu Âu: Thảm kịch chưa hồi kết

Chủ Nhật, 30/08/2015, 01:33
Đó là lời cảnh báo của người phát ngôn Cơ quan quản lý biên giới Liên minh châu Âu (Frontex) Izabella Cooper đưa ra hôm 28/8, trong bối cảnh châu Âu vẫn chưa hết bàng hoàng trước hàng loạt thảm kịch đối với người nhập cư trong những ngày gần đây. Theo bà Izabella, các nước châu Âu cần phải chuẩn bị tinh thần trước những thảm kịch tiếp theo.

Ngày 28/8, cảnh sát Hungary đã bắt giữ 3 người Bulgaria và 1 người Afghanistan bị tình nghi liên quan đến vụ 71 thi thể người di cư, trong đó có nhiều thi thể đang ở tình trạng phân hủy, được phát hiện trong một chiếc xe tải trên đường cao tốc A4 gần thị trấn Pamdoft ở phía Đông Austria trước đó 1 ngày. Số thi thể này gồm 59 đàn ông, 8 phụ nữ và 4 trẻ em bao gồm 1 bé gái khoảng 1-2 tuổi và 3 bé trai 8 -10 tuổi.

Cùng ngày, cảnh sát Hungary đã bắt giữ một số nghi phạm buôn người khác sau khi một chiếc xe tải chở ít nhất 18 người di cư Syria bị lật trên một con đường cao tốc ở nước này. Trong khi đó, Libya cũng phát hiện 82 xác người nhập cư trôi dạt vào bờ biển nước này vì thuyền của họ bị đắm. Gần 200 người khác vẫn mất tích và có thể cũng đã chết. Những thảm kịch như vậy đã liên tục diễn ra trong những ngày gần đây.

Một người di cư trườn qua hàng rào kim loại gần làng Roszke tại biên giới Hungary - Serbia ngày 26/8.

Theo số liệu của Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), kể từ đầu năm đến nay đã có khoảng 2.400 người chết trên đường tìm cách nhập cư vào châu Âu qua Địa Trung Hải. Mỗi ngày có khoảng 1.500 đến 2.000 người đi theo con đường qua Hy Lạp, Macedonia và Serbia đến Hungary và trong thời gian tới con số này có thể tăng lên 3.000 mỗi ngày.

Trong bối cảnh như vậy, người phát ngôn IOM Joel Millman nhấn mạnh: “Khi thiếu một chiến lược quản lý nhập cư, những cái chết như vụ việc xảy ra ở Austria đã nhắc nhở tất cả chúng ta về hậu quả của việc để cho những người muốn tìm một cuộc sống tốt đẹp và an toàn hơn rơi vào tay những kẻ buôn người.

Cũng như những gì chúng ta đã chứng kiến trên Địa Trung Hải trong 3 năm qua, những thảm kịch tương tự đang ám ảnh châu Âu trừ khi chúng ta sớm hành động để tất cả những người nhập cư này được an toàn”. IOM cũng chỉ trích cách ứng phó của Hungary trước cuộc khủng hoảng nhập cư, cho rằng nước này đang làm vấn đề buôn bán người trở nên trầm trọng hơn bằng những chính sách mạnh tay nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư.

Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Adrzej Duda cảnh báo rằng, căng thẳng leo thang ở nước láng giềng Ukraine cũng có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhập cư tại đây: “Chúng tôi rất lo ngại về xung đột ở Ukraine vì nó sẽ khơi mào làn sóng tị nạn khỏi đây để sang Ba Lan. Chúng tôi có chính sách nhập cư khá hiệu quả nhưng nếu xung đột leo thang ở Ukraine thì Ba Lan cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề rất nghiêm trọng”.

Theo các chuyên gia, châu Âu hiện có rất nhiều lựa chọn để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II này, nhưng các nước thành viên lại chưa đưa ra được tiếng nói nhất quán, xuất phát từ sự thiếu đoàn kết của chính phủ các nước này và những bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi khiến Liên minh châu Âu (EU) khó thương thảo được cùng chính phủ các nước đang có biến động chính trị. Một số nước châu Âu nay đã tìm đến những phương pháp “thủ công” điển hình như Hungary dựng lên hàng rào 3,5m dọc đường biên giới 175km với Serbia.

Tuy nhiên, người phát ngôn IOM cho rằng, kinh nghiệm hàng thập kỷ qua cho thấy cách đối phó như Hungary sẽ không giải quyết được vấn đề. Trước tình hình rối ren này, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 29/8 cho biết, các nhà lãnh đạo EU đã sẵn sàng tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về vấn đề người nhập cư nếu cần thiết. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Đức nhấn mạnh, một cuộc gặp cấp thượng đỉnh EU về cuộc khủng hoảng nhập cư chỉ có ý nghĩa nếu Bộ trưởng Nội vụ các nước đã có thể thống nhất sơ bộ về các giải pháp trình lên hội nghị này.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker trong một bài trả lời phỏng vấn đã khẳng định rằng chính phủ các nước EU có nghĩa vụ chia sẻ gánh nặng về người di cư. Đáp lại lời kêu gọi trên, Đức đã công bố sẽ nhận 800.000 người nhập cư trong năm 2015, nhiều hơn tất cả những nước châu Âu còn lại. Ngoài ra, Đức thậm chí chấp nhận mọi yêu cầu tị nạn của người di cư Syria và bỏ qua quy định của châu Âu buộc người nhập cư Syria chỉ được tìm kiếm tị nạn ở đất nước châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới. EC đã ca ngợi bước đi của Đức thể hiện cho tinh thần đoàn kết châu Âu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đan Mạch Lokke Rasmussen cho rằng, thậm chí khi các nước EU đạt được nhất trí về việc chia sẻ gánh nặng người tị nạn thì chỉ một mình giải pháp đó chưa thể chấm dứt cuộc khủng hoảng này. Theo ông, chỉ khi giảm được số người muốn xin nhập cư vào châu Âu thì các nước trong khu vực mới có thể tập trung giúp đỡ những người tị nạn thật sự cần giúp đỡ. Bên cạnh đó, còn một vấn đề khác nổi lên là chính phủ các quốc gia từ Anh cho tới Thụy Điển hiện đang phải đối mặt với thách thức từ các đảng cánh hữu phản đối việc nhập cư.

Khổng Hà
.
.
.