Trẻ bỏ nhà đi lang thang: Trách nhiệm của người lớn
- Bỏ nhà đi, thiếu nữ bị 3 cậu cháu thay nhau giao cấu
- Giúp cháu bé bỏ nhà đi, về với gia đình
- Nhẹ dạ, thiếu nữ bỏ nhà theo bạn giai quen qua mạng
Con bỏ nhà đi chơi, cha mẹ báo “mất tích”
Liên tiếp trong những ngày gần đây, trên địa bàn huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã xảy ra 2 trường hợp con cái bỏ nhà đi biệt tích, khiến cha mẹ hết sức lo lắng, phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan công an. Đầu tiên là trường hợp của nữ sinh Nguyễn Thị T. (14 tuổi), học sinh lớp 8, Trường THCS xã Thượng Sơn, được xác định "mất tích" vào chiều ngày 19/3/2020. Vào thời điểm nói trên, T. được mẹ sai đi mua thuốc chữa bệnh, sau đó không về nhà.
Sau nhiều ngày tìm kiếm bất thành, gia đình trình báo Cơ quan công an. Vào cuộc điều tra, qua trích xuất camera, phát hiện cháu T. bỏ đi khỏi địa bàn cùng với một người đàn ông đã có gia đình, quê tại tỉnh Phú Thọ vào tạm trú làm công cho một xưởng gỗ trên địa bàn. Mãi đến ngày 14/4 vừa qua, gia đình mới có thông tin đã tìm thấy T. tận trong Đắk Nông.
Cũng trên địa bàn huyện này, vào ngày 24/3, nhận được thông tin cầu cứu từ gia đình anh Nguyễn Văn Sự, trú tại xã Thuận Sơn về việc con trai là cháu Nguyễn Văn H. (18 tuổi), học sinh lớp 12 Trung tâm GDTX huyện Đô Lương "mất tích" đã 14 ngày qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đã vào cuộc xác minh, hỗ trợ gia đình tìm kiếm.
Hai cháu bé trốn gia đình, vượt 300km từ Nghệ An vào TP Huế. |
Đến ngày 25/3, đơn vị đã chính thức phát đi thông báo truy tìm người mất tích để nhờ các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phối hợp giúp đỡ. Theo lời kể của gia đình, từ chiều 12/3, H. rời nhà rồi mất tích. Trước khi đi, H. có mang xe đạp điện đi cầm để chơi game ở tiệm Internet...
Trong tháng 3/2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận, truy tìm thành công 2 đơn trình báo về 4 trường hợp mất tích khỏi địa phương. Trong đó, nguyên nhân được xác định là do các cháu tự rời nhà đi để đến địa phương khác nhiều ngày mà không xin phép bố mẹ.
Theo đó, tối 13/3, anh Nguyễn Khắc Giang và chị Nguyễn Thị Loan, trú tại xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc cùng đến Ban công an xã này để trình báo sự việc hai cháu gái là Nguyễn Thị Kim Ng. (con gái anh Giang) và Nguyễn Thị Th. (con gái chị Loan), đều là học sinh lớp 10, Trung tâm GDTX Thị xã. Cửa Lò, đi chơi với nhau rồi bỗng dưng mất tích, gia đình liên lạc không được. Khi đi, 2 em có mang theo xe máy điện màu đen, biển kiểm soát 37MĐ1-747.49.
Nhận được tin báo, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Nghi Lộc đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ và cùng người thân, bố mẹ hai em tổ chức tìm kiếm khắp các địa bàn thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và thành phố Vinh nhưng không có kết quả.
Bất ngờ một ngày sau đó, hai em đã tự về nhà riêng của em Nguyễn Thị Th. tại xóm 3, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc. Tại đây, các em thú nhận là rủ nhau đi thăm bạn ở huyện Tân Kỳ, cách xa khoảng 80km. Lý do các em đi không báo với gia đình vì sợ rằng xin phép thì bố mẹ không cho đi.
Trước đó, ngày 25/2, khi phát hiện con trai là Vương Tuấn K. (8 tuổi), học sinh lớp 3 bỗng dưng mất tích, anh Vương Tuấn Hưng, trú khối 7, phường Quán Bàu, TP. Vinh tá hỏa tìm kiếm thì nhà bên cạnh, anh Lưu Xuân Thành cũng phát hiện cháu Lưu Xuân Đ. (11 tuổi), không có mặt ở địa phương.
Sau hai ngày tìm kiếm không mang lại kết quả, hai anh đã làm đơn trình báo Cơ quan công an và Phòng Cảnh sát hình sự phải phát đi thông báo tìm người mất tích.
Một ngày sau khi có thông báo, mẹ đẻ của cháu Lưu Xuân Đ. từ tỉnh Thừa Thiên Huế gọi điện về báo tin, hai cháu K. và Đ. đang ở thành phố Huế trong tình trạng sức khỏe bình thường. Hai gia đình sau đó đã vào Huế để đón các cháu về nhà.
Được biết, gia đình cháu Đ., có cuộc sống không ấm êm, bố mẹ sống xa nhau nên tranh thủ dịp nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, Đ. đã trốn gia đình vào thăm mẹ. Trước khi đi, Đ. đã rủ em K. đi cùng và được em này đồng ý.
Ba cháu bé đi lạc 70km, bịa chuyện bị bắt cóc vì sợ bị mắng. |
Một vụ việc khác xảy ra vào tháng 7/2019, hai anh em ruột là Nguyễn Văn L. (11 tuổi), và Nguyễn Văn Th. (9 tuổi), con anh Nguyễn Văn Bàn và chị Trương Thị Hiền trú tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) được cháu Nguyễn Công Th. (15 tuổi), con anh Nguyễn Công Quý, trú cùng xã rủ đi chơi trên cùng một chiếc xe đạp.
Do không thành thạo đường, các cháu đi lạc từ huyện Anh Sơn đến xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu với chiều dài khoảng 70km.
Điều đáng nói, khi được Công an xã Diễn Kỷ phát hiện, đưa về trụ sở chăm sóc, các cháu còn bịa ra câu chuyện bị một người đàn ông đi xe bán tải nhờ lên xe chỉ đường rồi bắt cóc. Sau hơn 2 giờ ngồi trên ôtô, khi tài xế dừng xe để đi vệ sinh thì 3 cháu trốn thoát. Đến tối, cả 3 ngồi nghỉ bên Quốc lộ 1A rồi ngủ quên cho đến khi được Lực lượng công an phát hiện.
Qua khai thác, cháu Th. thú nhận, do quá sợ hãi nên bịa ra câu chuyện bị bắt cóc, sau đó "dạy" cho 2 cháu còn lại.
Câu chuyện của người lớn
Thông tin về những trường hợp trẻ em bỏ nhà đi, cùng với đó là thông báo về việc tìm người mất tích là trẻ vị thành niên, thời gian gần đây xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã khiến các bậc phụ huynh hết sức bất an, lo lắng. Điều đáng nói, những trường hợp bỏ nhà đi thời gian qua, phần lớn trước đó đều chưa từng có biểu hiện của sự hư hỏng.
Nhiều trường hợp bỏ nhà đi, cơ quan Công an phải thông báo tìm người mất tích. |
Chính vì vậy, như chia sẻ của anh Vương Tuấn Hưng, phụ huynh của cháu Vương Tuấn K. bỏ nhà vượt chặng đường hơn 300km từ Nghệ An và tỉnh Thừa Thiên Huế, thì với một đứa trẻ đang là học sinh lớp 3, chưa từng đi ra khỏi thành phố, việc cháu bỗng dưng biến mất nhiều ngày, gia đình đã nghĩ ngay đến khả năng con em mình bị bắt cóc nên trình báo công an.
Thượng tá Vũ Quốc Bảo, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Việc trẻ em trong độ tuổi vị thành niên rời nhà đi mà không thông báo cho bố mẹ biết đi đâu là hiện tượng cần phải cảnh báo sớm, bởi các em chỉ nghĩ đơn giản là đạt được mục đích trước mắt của bản thân mình mà không nghĩ đến hậu quả. Có thể các em chưa lường hết được những nguy hiểm rình rập bản thân khi bỏ nhà đi, cũng không hiểu được những lo lắng, bất an của bố mẹ khi thấy con mình bỗng dưng biến mất - điều mà từ trước đến nay chưa từng xảy ra - nên hành động bột phát.
Nhưng dù gì đi nữa thì việc này là hoàn toàn không nên xảy ra, bởi hiểm họa và cạm bẫy có thể ập đến với các em bất cứ lúc nào. Những nguy cơ đó có thể là bị xâm hại, bạo hành, bị bắt cóc, bị lừa gạt… Chính vì vậy, khi nhận được đề nghị giúp đỡ từ gia đình, Phòng CSHS đã lập tức phát đi thông báo rộng rãi để tranh thủ sự tìm kiếm từ cộng đồng mạng, người thân và bạn bè.
Đơn cử, như trường hợp của em Nguyễn Thị N. (15 tuổi), trú tại xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Vào ngày 10/7/2019, em này giấu gia đình, xuống TP Vinh tìm việc làm. N. sau đó được một chủ quán giới thiệu ra Hà Nội để làm phục vụ cho một nhà hàng.
Bỗng dưng mất con, bà Nguyễn Thị Đường sau 5 ngày tìm kiếm bất thành đã làm đơn trình báo công an. Sau khi thông báo truy tìm cháu bé được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, một người dân ở TP Hà Nội đọc được, sau đó gọi điện thông báo cho gia đình.
Một trường hợp khác là em Hồ Thị Ngh. (16 tuổi), trú tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tự nguyện bỏ nhà đi bụi với đám bạn từ ngày 11/11/2019. Ba ngày sau khi con gái mất tích, gia đình làm đơn trình báo cơ quan công an truy tìm nhưng không có kết quả.
Đến ngày 18/11, phát hiện cháu Ngh. đang kẹp ba, đua tốc độ với nhóm bạn trên đường nên người nhà đã đuổi theo, đưa về trụ sở công an xã. Tại đây, cô gái trẻ dửng dưng với sự thất thần, lo lắng của người thân và cho rằng, mình đi chơi với bạn là do "tự nguyện".
Tiến sĩ Dương Thị Thanh Thanh, Tổ trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Giáo dục Trường Đại học Vinh cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ vị thành niên bỏ nhà đi mà không trao đổi trước với bố mẹ. Có thể do các em buồn chán vì bị bố mẹ mắng, do thi cử không đạt được kết quả như mong muốn hoặc cũng có khi đơn giản là xuất phát từ những lý do trời ơi đất hỡi, như không được chơi điện thoại, hoặc vì mải chơi nên đi lạc.
Điều quan ngại hơn là một số trẻ sau khi bỏ đi đã tìm cách dựng chuyện, nói dối bố mẹ. Như trường hợp của 3 em nhỏ đi lạc từ huyện Anh Sơn về huyện Đô Lương, sau đó được phát hiện ở huyện Diễn Châu, đã bịa ra câu chuyện bị bắt cóc, gây hoang mang dư luận và nhiễu loạn trong quá trình điều tra.
Theo Tiến sĩ Thanh Thanh, nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em tự ý rời nhà đi, là do xuất phát từ nguồn cơn gia đình. Một bộ phận phụ huynh thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái; hoặc quan tâm không đúng cách, theo kiểu áp đặt, dập khuôn khiến các cháu nhàm chán, cảm thấy bí bách nên muốn tìm đến khoảng trời tự do. Một số phụ huynh khác có thể áp đặt trong cách nuôi dạy con cái, dẫn đến để cho con em mình có những suy nghĩ tự do, vô kỷ luật và không có trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Khi tự ý bỏ nhà đi, các em muốn chứng tỏ sự trưởng thành và tự lập của mình, hoặc cũng có thể đang chạy trốn tình trạng cha mẹ ly dị, bạo hành và một số nguyên nhân xã hội khác. Tuy nhiên, dù là với lý do gì đi nữa thì việc trẻ em tự ý bỏ nhà đi đang xảy ra ngày càng nhiều là hiện tượng đáng báo động, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thực tế cho thấy, trong rất nhiều trường hợp bỏ nhà ra đi, cũng có không ít trường hợp mất tích luôn. Đó là câu chuyện của em Nguyễn Thị H. (SN 1988), trú tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (Nghệ An). 16 năm trước, khi mới 16 tuổi, H. bỏ nhà ra Hà Nội làm thuê.
Khi gia đình tìm được, đưa về nhà một thời gian, H. lại bỏ đi, lần này dẫn theo cả em gái. Gia đình lại tất tả đi tìm, nhưng chỉ đưa được em gái về, còn H. thì trốn, biệt tích từ đó đến nay. Suốt 16 năm qua, bố mẹ ở quê nhà héo hon tấc dạ, vò võ ngóng chờ tin con gái trong vô vọng.
Từ những trường hợp trên có thể thấy, gia đình là cốt lõi trong chăm sóc, giáo dục con cái. Bố mẹ không chỉ chăm lo về vật chất cho con, mà nhất thiết phải cần có những kiến thức cơ bản về tâm sinh lý của con. Dù bận bịu với công việc bao nhiêu cũng cần dành thời gian cho con nhiều hơn, làm bạn cùng con, quan tâm các mối quan hệ của các con để tránh việc bị lôi kéo, lợi dụng.
Ngoài ra, gia đình cần giữ sợi dây liên lạc thường xuyên với nhà trường, thầy cô giáo và bạn bè để nắm bắt tư tưởng, tâm lý và diễn biến của con để có ứng xử phù hợp khi tâm lý trẻ có diễn tiến bất thường.
Đối với những trường hợp bỏ nhà đi, khi tìm được các cháu trở về, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên nổi giận, đánh đập hay trách móc, mà cần nhẹ nhàng khuyên bảo, trò chuyện để tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời cảnh báo về những hiểm họa mà các cháu có thể gặp phải khi sống ngoài xã hội.