Nước mắt phía sau những vụ trao nhầm con
- Vụ trao nhầm con và cái kết có hậu ở Bình Phước
- Vụ việc trao nhầm con ở Ba Vì: Trào nước mắt ngày đoàn tụ
- Trách nhiệm các bên như thế nào trong vụ "trao nhầm con ở Ba Vì"?2
Không chỉ “giải mã” các vụ án hình sự phục vụ đắc lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong 20 năm qua, với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ giám định viên tư pháp kỹ thuật hình sự về sinh học tâm huyết, đam mê với công việc nghiên cứu khoa học, những kết quả giám định ADN ngoài tố tụng... của Trung tâm Giám định sinh học pháp lý (Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an) đã khẳng định uy tín và thương hiệu đơn vị đầu ngành lực lượng Công an trong lĩnh vực giám định ADN.
Dù là yêu cầu giám định nào, phục vụ điều tra án hay phục vụ theo yêu cầu cá nhân thì việc giám định ADN tại trung tâm đều đảm bảo kết quả khách quan và chính xác, góp phần làm sáng tỏ sự thật, được các cơ quan tố tụng và xã hội đánh giá cao.
1. Tôi đến Trung tâm Giám định sinh học pháp lý (Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, 99 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) để tìm hiểu sự việc sau khi các cơ quan chức năng chính thức thông tin về vụ việc trao nhầm con ở Ba Vì. Thượng tá Trịnh Tuấn Toàn, Giám đốc Trung tâm cho biết, mặc dù biết kết quả rằng đây là một vụ nhầm lẫn con, song khi vụ việc còn chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt để tránh tổn thương cho những người liên quan thì “bí mật” này đã được Trung tâm giữ kín trong nhiều tháng. Và bây giờ, khi buổi trao nhận hai đứa trẻ đã diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp, câu chuyện hi hữu này mới được lãnh đạo Trung tâm chia sẻ với niềm vui và cả nỗi trăn trở phía sau những bi kịch mang tên trao nhầm trẻ sơ sinh.
Khoảng cuối tháng 3-2018, hai gia đình gồm vợ chồng anh Phùng Giang Sơn - chị Phùng Thị Thu Hiền, cháu Phùng Thanh H. và chị Vũ Thị Hương cùng con trai Đoàn Nhật M. đến Trung tâm Giám định sinh học pháp lý - Viện Khoa học hình sự để lấy mẫu giám định ADN. Trước đó, sau khi nghi ngờ khả năng đã bị trao nhầm con 6 năm trước và phát hiện cháu Đoàn Nhật M. có đặc điểm hình thức rất giống mình, anh Phùng Giang Sơn đã đi giám định ADN ở một địa chỉ khác, kết quả cho thấy cháu M. chính là con đẻ của anh Sơn.
Để có kết quả xét nghiệm ADN làm chứng cứ pháp lý giải quyết vụ việc nhầm lẫn này, gia đình anh Sơn đã quyết định đến Trung tâm Giám định sinh học pháp lý - Viện Khoa học hình sự, làm lại xét nghiệm.
Việc gia đình anh Sơn tìm đến Trung tâm sau khi đã biết cháu M mới là huyết thống cũng là điều dễ hiểu bởi từ nhiều năm nay, ngoài phục vụ yêu cầu trong các vụ án hình sự, Trung tâm còn là địa chỉ tiếp nhận yêu cầu cá nhân đề nghị xét nghiệm ADN, tiếp nhận yêu cầu xét nghiệm ADN mang tính pháp lý như xác định cha, mẹ con trong những trường hợp: xác định quyền thừa kế tài sản, làm rõ các yêu cầu bảo hiểm, cần cơ sở pháp lý để tiến hành ly hôn, thay đổi họ và xác nhận con đẻ, thủ tục xin cấp visa thăm thân hoặc định cư, kết hôn với người có quốc tịch nước ngoài.
Có lẽ vì cần chứng cứ pháp lý để giải quyết việc khởi kiện bệnh viện đã trao nhầm hai đứa trẻ cũng như giải quyết các thủ tục trao - nhận lại con ruột nên anh Phùng Giang Sơn và chị Vũ Thị Hương đã quyết định đưa hai cháu bé đến làm xét nghiệm.
Theo yêu cầu của hai gia đình, giám định viên đã lấy mẫu tóc của cháu M. và chị Hương, mẫu máu của cháu H., mẫu máu và tóc của anh Sơn, mẫu máu của chị Hiền để phục vụ công tác giám định. Thông thường, đối với các xét nghiệm ADN có mẫu tốt và chủ động như vậy, chỉ cần phân tích 1 trong các mẫu: tóc (có chân tóc), niêm mạc miệng, máu hoặc móng tay, móng chân là đủ.
Việc giám định ADN tại trung tâm luôn có 2 người thực hiện để giám sát nhau, đảm bảo kết quả chính xác, khoa học. |
Việc lấy thêm mẫu máu của vợ chồng anh Sơn và cháu H. là theo yêu cầu của gia đình. Có thể vợ chồng anh Sơn muốn phân tích ADN của 2 mẫu để yên tâm hoàn toàn khi nhận được kết quả xét nghiệm. Việc lấy mẫu máu phục vụ giám định ADN cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng kim chích đầu ngón tay và thấm 3 giọt máu lên gạc y tế là đủ.
Khi giám định viên lấy mẫu máu của cháu H., mặc dù đã biết H. không phải là con đẻ của mình nhưng thấy cháu H. đau khi bị chích kim, chị Phùng Thị Thu Hiền rơm rớm nước mắt vì thương con. Còn chị Vũ Thị Hương, khuôn mặt hốc hác, có phần tiều tụy khi phải chịu đựng cú sốc trong tình cảnh một thân một mình nuôi con khiến các giám định viên vô cùng xót xa cho chị.
Từ khi biết cháu M. không phải là con đẻ, chị Hương rơi vào khủng hoảng trầm trọng đến mức sút gần chục cân. Trong vụ việc nhầm con này, chị Hương là người chịu nhiều thiệt thòi nhất, đau đớn nhất và cũng tổn thương nhiều nhất. Việc cháu Đoàn Nhật M. càng lớn càng khác biệt là một phần nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn của chị Hương và những oan ức, nghi ngờ về phẩm hạnh mà người phụ nữ này phải chịu đựng.
Trong suốt 6 năm trời, người phụ nữ ấy đã phải chịu đựng nỗi oan “Thị Kính”, nhưng tuyệt nhiên không kêu than oán trách, một mình nuôi dạy và yêu thương cháu M. hết lòng bằng tình yêu của một người mẹ. Những năm tháng cay đắng ôm con xuống Hà Nội mưu sinh khiến chị Hương bị giằng xé tâm can khi buộc phải xa cháu M. Những mất mát của chị Hương là quá lớn, không thể cân đong đo đếm được và vật chất cũng không thể bù đắp nổi những tổn thương về tinh thần mà chị đã phải trải qua. Mặc dù việc lấy mẫu giám định hôm đó diễn ra chóng vánh, nhưng khoảnh khắc chứng kiến bi kịch của hai bên gia đình, tâm trạng của các giám định viên đều trĩu nặng.
2. Thượng tá Trịnh Tuấn Toàn, Giám đốc trung tâm cho biết, đối với các vụ việc giám định ADN, theo quy định, hồ sơ giám định phải có đủ giấy tờ gồm giấy chứng sinh hoặc khai sinh của các cháu nhỏ, giấy tờ tùy thân của bố mẹ hoặc những người liên quan để xác định nhân thân và đơn yêu cầu giám định của cá nhân theo mẫu. Tuy nhiên, trong vụ việc nhầm con ở Ba Vì, do hồ sơ thiếu giấy khai sinh của cháu Đoàn Nhật M. nên mặc dù việc lấy mẫu giám định diễn ra từ cuối tháng 3 nhưng phải đợi đến ngày 11-5 vừa qua, sau khi gia đình đã bổ sung giấy khai sinh của cháu, đơn vị mới có kết quả trả lời chính thức.
Nói như vậy để thấy rằng dù là yêu cầu giám định nào, phục vụ điều tra án hay phục vụ theo yêu cầu cá nhân, thì việc giám định ADN tại Trung tâm đều đảm bảo tuân thủ theo quy trình giám định chặt chẽ, khách quan và chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế, đúng quy định của pháp luật.
Thiếu tá Lê Viết Việt - Phó Giám đốc trung tâm cho biết, theo quy định của Viện Khoa học hình sự, quy trình thực hiện giám định ADN tại Trung tâm luôn có từ 2 người trở lên: một người thao tác các bước giám định, một người quan sát và kiểm tra thao tác của người kia xem có sai sót, nhầm lẫn gì không. Sau đó lãnh đạo phụ trách rà soát lại các bước thực hiện quy trình trước khi in kết quả trình lãnh đạo Viện. Sau khi rà soát lại lần cuối, kết quả giám định mới được ký, đóng dấu. Đó là về mặt quy trình.
Đối với đội ngũ giám định viên, không chỉ cần có trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải được đào tạo về pháp luật. Con số 23 giám định viên tư pháp kỹ thuật hình sự về sinh học của Trung tâm đã nói lên chất lượng đội ngũ cán bộ đang làm việc tại đây. Đó cũng là lý do vì sao những kết quả giám định ADN của Trung tâm Giám định sinh học pháp lý - Viện Khoa học hình sự luôn đảm bảo chính xác, được các cơ quan tố tụng đánh giá cao và được người dân tín nhiệm tìm đến khi có nhu cầu giám định ADN.
Trở lại với vụ việc trao nhầm trẻ ở Ba Vì. Sau khi trả kết quả giám định ADN, cán bộ chiến sĩ của Trung tâm hồi hộp theo dõi diễn biến với mong muốn hai bên gia đình và các cháu bé sẽ có một kết thúc tốt đẹp nhất.
“Chúng tôi rất vui khi thấy hai gia đình đã có cách xử lý hài hòa trong việc trao - nhận lại con. Đặc biệt là chị Hương, với kinh nghiệm của một giáo viên mầm non đã tạo chiều hướng tích cực khi cho 2 đứa trẻ từng bước tiếp xúc và thích nghi về tâm lý trước khi trở về với bố mẹ đẻ” - Thượng tá Trịnh Tuấn Toàn chia sẻ.
Anh cũng cho biết, sau khi vụ việc được gia đình anh Phùng Giang Sơn và các cơ quan chức năng chính thức thông tin với báo chí, lãnh đạo Viện Khoa học hình sự đã chỉ đạo Trung tâm sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho 2 gia đình nếu cần giám định tiếp để phục vụ việc giải quyết các thủ tục pháp lý, đồng thời giải tỏa những thắc mắc của gia đình về quan hệ huyết thống của 2 cháu bé, nếu có.
Trụ sở Trung tâm giám định sinh học pháp lý tại 99 Nguyễn Tuân (Hà Nội) - đơn vị đầu ngành trong giám định ADN của lực lượng Công an. |
3. Những câu chuyện trao nhầm trẻ sơ sinh tưởng như chỉ là tình huống hư cấu trên phim ảnh nhưng thực tế lại là những bi kịch có thật đã xảy ra trong thời gian qua, từ nhầm con vài năm đến vài chục năm. Đó là vụ nhầm con suốt 42 năm của gia đình bà Nguyễn Mai Hạnh (ở quận Ba Đình, Hà Nội).
Đến năm 2017, bà Hạnh và cô con gái nuôi đã tìm được người thân của mình. Năm 2016, dư luận xôn xao trước vụ việc bệnh viện trao nhầm 2 bé gái ở Bình Phước, được gia đình anh Vũ Đình Khiên phát hiện và tự đi tìm được con. Sau một thời gian dài không thống nhất được việc trao - nhận con, cuối cùng vụ việc cũng kết thúc đầy nhân văn khi gia đình anh Khiên nhận nuôi cả hai bé gái cùng lúc để các cháu không bị sốc khi phải sống xa gia đình mà các cháu đã gắn bó từ thơ ấu.
Bi kịch trao nhầm trẻ sơ sinh từ năm 2012 ở Thanh Hóa cũng kết thúc có hậu sau 4 năm khi bệnh viện đã kết nối được 2 gia đình để thực hiện việc trao - nhận lại con đẻ.
Dù có mất mát, tổn thương nhưng mừng nhất là những đứa trẻ đều đã tìm được bố mẹ đẻ của mình. Tuy nhiên, không phải câu chuyện nhầm con nào cũng kết thúc êm đẹp được như vậy. Câu chuyện chị Lê Thanh Hiền (SN 1987, ở Thanh Trì, Hà Nội) tự phát hiện bị “nhầm” bố mẹ suốt 29 năm khiến các giám định viên luôn đau đáu và trăn trở nỗi niềm khi đến giờ, chị Hiền vẫn chưa tìm thấy cha mẹ đẻ của mình.
Bi kịch xảy ra vào năm chị Hiền 29 tuổi, sau khi lấy chồng và sinh 2 con, trong một lần xét nghiệm máu, chị Hiền giật mình khi nhận thấy mình có nhóm máu B, trong khi trong sổ khám bệnh bố chị lại có nhóm máu O. Có kiến thức về di truyền nên trong đầu chị cảm thấy có sự bất thường. Mặt khác, về mặt hình thức, chị thấy mình cũng có sự khác biệt so với mấy anh chị em trong gia đình. Để làm rõ những băn khoăn, chị Hiền đã tự mang mẫu đến Trung tâm Giám định sinh học pháp lý - Viện Khoa học hình sự để xét nghiệm.
Thiếu tá Lê Viết Việt nhớ lại, khi nhận kết quả giám định ADN cho thấy mình không phải là con đẻ của bố mẹ, chị Hiền gần như ngất tại chỗ vì quá sốc. Khi tỉnh lại, người phụ nữ này suy sụp không đứng dậy nổi, khóc như mưa như gió bởi sự thật quá phũ phàng và bất ngờ. Trực tiếp Thiếu tá Việt đã an ủi, trò chuyện với chị Hiền rất nhiều để giúp chị lấy lại thăng bằng.
“Nếu may mắn, em sẽ tìm được bố mẹ đẻ của mình. Khi đó, em có thêm một gia đình nữa, chẳng là chuyện vui hay sao?”. Những lời chia sẻ, động viên của cán bộ Trung tâm lúc đó đã giúp chị Hiền lấy lại bình tĩnh.
Sau khi biết kết quả giám định ADN này, bà Phan Thị Tuyết Hoa, người mẹ nuôi chị Hiền từ ngày lọt lòng cũng rơi vào bi kịch đau đớn và dằn vặt về người con dứt ruột đẻ ra không rõ đang ở nơi nào. Dẫu vậy, với tấm lòng bao dung của một người mẹ, bà Hoa cho biết luôn yêu cô con gái Lê Thanh Hiền và không có gì thay đổi được tình yêu thương mà bà đã dành cho Hiền.
Từ đó đến nay, chưa thấy chị Hiền quay lại Trung tâm giám định. Tuy nhiên Thiếu tá Lê Viết Việt và cán bộ chiến sĩ của trung tâm vẫn theo dõi hành trình đi tìm bố mẹ đẻ của chị Hiền. “Đến giờ, chưa thấy Hiền tìm được bố mẹ, chúng tôi rất buồn và thương cô ấy. Mong một phép màu nhiệm sẽ giúp cô ấy tìm được những người sinh thành ra mình, như kết thúc có hậu đã diễn ra đối với các vụ trao nhầm trẻ sơ sinh” - Thiếu tá Việt bày tỏ.