Vụ trao nhầm con và cái kết có hậu ở Bình Phước

Chủ Nhật, 22/07/2018, 09:52
Cách đây 5 năm, vụ việc hy hữu về hai đứa trẻ bị trao nhầm tại Bình Phước gây xôn xao dư luận và tốn không ít giấy mực của báo chí. Sự cảm thông của hai gia đình dành cho nhau và cho các bệnh viện viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường với nhiều dòng cảm xúc...


Dưới cái nắng chói chang tháng 7-2018, chúng tôi tìm về gia đình anh Vũ Đình Khiên (40 tuổi, cha ruột cháu Lan Anh) ở thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Bao năm qua, ngôi nhà nhỏ dựng tạm ven đường ngay gần Bến xe Bình Long là nơi cư ngụ của gia đình bé nhỏ này. Căn nhà tuềnh toàng, trống huơ trống hoác được xây bằng gạch lợp tôn là nơi gia đình anh Khiên sinh sống. Nhà nghèo, không có vật dụng gì đáng giá bởi vợ chồng anh Khiên không vườn rẫy, phải làm thuê mưu sinh.

Anh Khiên, kể lại: 5 năm trước, vợ Khiên là Nguyễn Thị Thu Trang (27 tuổi) sinh cùng phòng với chị Thị Liên (25 tuổi) tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long. Hai người sinh cách nhau 15 phút. Khi đưa bé Lan Anh về nuôi được 9 tháng, Khiên đã sinh nghi vì không thấy có nét giống cha mẹ. Dẫu vậy, Khiên vẫn nén suy nghĩ và cảm xúc vào trong để tìm người phụ nữ sinh cùng với vợ năm nào. Sau đó, Khiên bỏ cả công việc để tìm kiếm nhưng không thấy. Sau này, Khiên mới biết chị Liên xuống Bình Dương làm thuê kiếm sống, lâu mới về nhà.

2 bé Ngọc Yến và Lan Anh bên anh Khiên.

Đầu năm 2016, trong lần đi bán bánh mì ở làng bên, cha ruột chị Trang bất ngờ thấy chị Liên bế bé gái rất giống cháu ngoại nên nghi ngờ. Chị Trang đưa bé đi xét nghiệm ADN thì phát hiện con gái không cùng huyết thống. Nhận được khiếu nại, Bệnh viện Bình Long đã đưa hai bé đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo. Ngày 25-7-2016, hai bé gái được trả về cho bố mẹ ruột sau 3 năm bị trao nhầm. Niềm vui vỡ òa với gia đình sau hai năm tìm kiếm con, bao khúc mắc trong lòng đã được “cởi trói”.

Sau ngày nhận lại con, tưởng chừng con ai về nhà nấy nào ngờ, hai bé đã quá yêu thương cha mẹ nuôi. Môi trường sống thay đổi đột ngột khiến hai con đều sốc. Bé Lan Anh quấy khóc buồn rầu, bỏ ăn đòi về ấp Tổng Cui ở với mẹ Liên, ông bà ngoại. Bé Ngọc Yến thì ôm trụ cây, khóc lủi thủi chơi một mình đòi về nhà bố mẹ ngoài thị xã. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Tư (mẹ vợ anh Khiên), cho hay: “Lúc mới về bé Ngọc Yến bị còi xương, suy dinh dưỡng và biếng ăn. Mỗi bữa ăn phải mất hơn cả tiếng đồng hồ. Còn Lan Anh quen sống ở ngoài thị xã nên nhớ bố mẹ khóc suốt đêm. Điện thoại nghe cháu kể ở bên nhà kia còn vất vả, bữa ăn chỉ có măng le và rau khiến chúng tôi rớt nước mắt”.

Anh Khiên, nghẹn ngào: “Thương các con, gia đình Khiên cố động viên và kiên trì thuyết phục để gia đình chị Liên đồng ý cho cháu Lan Anh trở về nhà. Nhỏ ở trong đó nhớ ngoài này, bé ngoài này lại nhớ trong đó nên thống nhất cứ vài ngày lại đưa 2 cháu vào ra để thăm. Dần dà cũng thành quen, giờ đây, cả 2 cháu ở với vợ chồng Khiên, một tháng đưa về nhà chị Liên một tuần. Để nuôi các con, vợ chồng Khiên phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, hễ ai kêu gì làm nấy để có tiền nuôi các con ăn học. 

Hằng ngày, Khiên phải vào các vườn rẫy cưa cắt gỗ thanh lý để chở ra chợ bán, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn. Còn vợ Khiên chở 3 đứa con đi học, rồi về phụ quán nước mía cho bà ngoại, chiều lại vội vã đón các con đi học về. Nghỉ hè này, do các cháu không phải đến trường, vợ Khiên xin đi giúp việc trông coi con trẻ ở nhà người quen. Vợ Khiên cũng có năng khiếu hát nên những buổi liên hoan tổng kết, đám ma, đám cưới cũng được mời đi để kiếm đồng ra đồng vào…”.

Đến nay, cháu Ngọc Yến và Lan Anh cùng học một trường mầm non. Anh Khiên nói: “Hai bé cùng vẽ đẹp và múa giỏi. Gia cảnh mình đã khổ, nhà bên kia còn khổ hơn. Giờ con nuôi hay con đẻ đều là con cả. Tôi thường nói với hai đứa, giờ cha còn sức gắng làm nuôi các con ăn học. Sau này, lớn lên làm gì sống ở đâu thì tùy con mình quyết định”.

Đức Trung
.
.
.