Làng gốm Bàu Trúc - giữ lửa cho đất mọc

Thứ Sáu, 19/01/2018, 10:26
Làng gốm Bàu Trúc nay thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nằm cách TP Phan Rang khoảng 10km về phía nam, ngay bên quốc lộ 1A. Theo tiếng Chăm, “Plei” là làng, “Hamu Trok” là vùng đất trũng nằm ở cuối triền sông.

Tên gọi làng gốm Bàu Trúc đã mang hàm ý về nơi cuối dòng Sông Quao có một loại đất sét đặc biệt dẻo, mịn, độ bền, láng mịn rất cao sau khi nung, là nguyên liệu hiếm có để tạo ra sản phẩm gốm Bàu Trúc mà không nơi nào có được. Nổi tiếng khắp thiên hạ không phải vì tuổi nghề gốm hơn 1.000 năm, sản phẩm gốm rất đẹp và chất lượng bền bỉ mà còn là những chuyện lạ và độc đáo mang đậm sắc thái của tập tục mẫu hệ dân tộc Chăm truyền đời bao thế hệ.

Vùng đất trũng cuối triền sông

Vào khoảng thế kỷ XII, tiểu vương quốc Nam Chiêm Thành Panduranga (Phan Rang) ra đời và phát triển cực thịnh dưới sự trị vì của vị vua anh hùng Po Klong Garai (1151-1205). Tên tuổi vị vua huyền thoại của dân tộc Chăm còn lưu lại ngày nay với cụm tháp Chàm Phan Rang thờ tự trở thành di tích văn hóa, lịch sử và nhiều công trình khác như đập thủy lợi Nha Trinh, Nha Hố, đập Sông Cấm, tháp Hòa Lai...

Theo sử Chămpa, Po Klong Garai sinh ra và lớn lên tại làng Chăm Mỹ Nghiệp (Plei Chakleng) nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Cạnh đó là  làng gốm Bàu Trúc (Plei Hamu Trok) là hai làng nghề truyền thống có lịch sử hơn 1.000 năm, thuộc dạng cổ xưa nhất Đông Nam Á. Ông lên ngôi năm 1167, dẫn quân từ Bình Định vào đánh đuổi quân Chân Lạp, giành lại đất Panduranga.

Sau đó, Po Klong Garai lãnh đạo thủy quân Chiêm Thành tiến công chớp nhoáng theo cửa sông Tiền, ngược lên sông Mê Kông tiến đánh và chiếm Angkor - thánh địa của đế quốc Khmer hùng mạnh nhất bất giờ. Ngày nay trên bức tường của Angkor Thom Bayon còn chạm khắc những tượng hình chạy dọc hành lang gần 500m có tượng Po Klong Garai cùng quân đội, đời sống, sinh hoạt của người Chăm.

Nghệ nhân Đàng Thị Vệ với công đoạn tạo hình cho gốm. Ảnh: Ama Châu.

Tháp Chàm Po Klong Garai ngày nay, do vua Chiêm Thành Chế Mân xây dựng để tưởng kính vị vua tiền bối anh hùng vào cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV. Vua Chế Mân cũng là rể của vua Trần Nhân Tông nhà Trần, lấy vợ là công chúa Huyền Trân. Chính bối cảnh lịch sử phồn thịnh nhất lúc bấy giờ đã ra đời những công trình dân sinh, đền tháp, làng nghề... lưu truyền đến ngày nay cùng quá trình hội nhập, phát triển chung của quốc gia và cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Đến tham quan làng gốm Bàu Trúc, mọi người rất ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy mọi thao tác làm ra sản phẩm gốm độc đáo đều là thủ công, hầu hết thợ gốm và nghệ nhân tạo hình với những dụng cụ thô sơ đều là phụ nữ. Những người phụ nữ Chăm đã thổi hồn vào đất sét sông Quao, đã giữ lửa cho làng nghề gốm truyền thống hơn 1.000 năm nay.

Truyền thuyết kể lại, vào thời kỳ hưng thịnh nhất dưới triều đại Po Klong Garai, có ông tổ nghề là vợ chồng Po Klong Chan đã truyền dạy nghề làm gốm cho phụ nữ Chăm, để tạo ra những vật dụng trong gia đình xã hội và phục vụ cho hoàng tộc triều đình, các nghi lễ... Điều này cũng giải thích vì sao tất cả phụ nữ từ em bé đến người già đều tham gia vào các công đoạn làm ra các sản phẩm gốm Bàu Trúc, trong khi đàn ông trong làng chỉ tham gia một vài công đoạn như đập đất, nung gốm và chủ yếu là lo việc đồng áng.

Tập quán hôn nhân theo chế độ mẫu hệ mang đậm nét truyền thống Ấn Độ giáo (đạo Bà La môn) là nền tảng chi phối ý thức hệ cộng đồng rất mạnh mẽ và tồn tại bền vững hàng ngàn năm trong xã hội Chăm.

Những bước chân đời người

Gốm Bàu Trúc tạo ra nhờ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm cùng những bước chân quanh cột đá tròn làm trụ, khác hẳn nhiều nơi khác phải dùng bàn xoay. Đời người có được mấy cái mười năm, thì người phụ nữ thợ gốm Bàu Trúc cũng đã từng bước hàng triệu triệu bước chân quanh trụ đá mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm để làm ra sản phẩm gốm.

Một cuộc hành trình theo hình tròn trong bán kính nửa mét ấy, đã gắn với cuộc đời những phụ nữ Chăm từ thuở lên 5-7 tuổi đến khi không còn đi được nữa. Từ đây, những khối đất sét mềm, mịn uyển chuyển biến hình thành những hình khối rỗng ruột, tròn trịa, cổ thắt, nở thành những bình, lọ, nồi, niêu... Hoàn thành xong công đoạn tạo hình, sản phẩm được chuyển sang cho thợ trang trí hoa văn. Bằng những thao tác rất thuần thục, người thợ vẽ trang trí hoặc dùng các dụng cụ tạo hình nét rất thô sơ rất lanh lẹ và hiện rất mộc mạc những nét vẽ, hình thù cây, lá, vỏ sò, bánh xe, trái cây như trẻ con vẽ.

Và cũng chỉ đơn giản như thế khi mới nhìn ban đầu. Khi qua bàn tay những phụ nữ Chăm, các hình nét đơn giản, thô sơ ấy dần hiện lên rất rõ nét ẩn hiện trong những bức tranh về đồng quê, làng biển, cuộc sống, sinh hoạt của dân tộc Chăm.

Những nét đẹp rất riêng, rất độc đáo mang cốt cách tâm hồn của người Chăm. Ẩn trong đó là màu sắc, mây trời lồng lộng, là sự uy nghi, hùng vĩ của những đền tháp cổ kính, là những điệu múa huyền thoại của vũ nữ Apsara, có âm thanh rộn ràng, dồn dập, thôi thúc của tiếng trống Paranưng, Gineng và tiếng kèn Saranai thét lên như xé toạc trời mây đen tối.

Tạo hình xong, sản phẩm gốm đem phơi nắng và đốt nung lộ thiên không sử dụng lò. Người Chăm chất rơm, củi và sử dụng các loại màu đặc biệt được chiết xuất từ trái dông, trái thị và một loại rễ cây bí mật có ở rừng khi nung đốt với nhiệt độ cao “ém khói” để sản phẩm gốm tạo ra những vệt đen cháy sém, những vệt đỏ đậm, nhạt lẫn màu vàng, nâu, xám rất đẹp mắt. Chính màu sắc và kỹ thuật thô sơ, thủ công đó đã tạo ra sản phẩm gốm độc đáo mang màu sắc Chăm trong từng sản phẩm.

Nung gốm, người Chăm chất lớp củi khô bên dưới, rồi phủ lên trên lớp rơm rạ khô, lửa nóng không đều và cháy sém tạo thành những mảng màu tối - sáng khác nhau làm nên một đặc trưng gốm Chăm có màu sắc riêng biệt, huyền bí. Không cần tráng men, chạm khảm, vẽ họa tiết sắc sảo, những sản phẩm gốm Bàu Trúc như những cục đất sét hữu dụng, độc đáo nhưng mộc mạc, gần gũi từng ngày, từng ngày đi vào cuộc sống con người như thực, như mơ.

Người xưa nói, sống với đất, chết cũng sẽ về với đất. Người Chăm làng gốm đã sống tròn với lời nguyện đó. Dòng sông Quao mùa nắng, nước xanh mát ruột cung cấp nước tưới cho cánh đồng và những vườn nho trĩu quả chạy dài lên thượng nguồn sông Dinh. Dòng sông Quao còn cung cấp cho làng Bàu Trúc nguồn đất sét rất độc đáo để làm gốm.

Rất có thể vào những thời kỳ xa xưa, đất sét sông Quao đã từng được các nghệ nhân sử dụng nung thành gạch để xây tháp Chàm. Sứ mệnh truyền nghề và giữ nghề gốm đã được tổ nghề truyền cho những người phụ nữ Chăm. Và cứ thế, những bí quyết độc đáo đã được truyền lại cho con gái, đặc biệt là cô con gái út. Đây cũng chính là truyền nhân của dòng họ nắm giữ nghề gia truyền của bà mẹ Chăm và giữ “Kut Atao” (mẫu xương sọ, giống như hũ sành đựng tro cốt người Kinh) của dòng họ.

Phụ nữ Chăm với nghề gốm Làng Bàu Trúc.

Ai đến với làng gốm Bàu Trúc, hỏi tên một người đàn ông nào đó, chắc chắn không mấy người biết. Hỏi tên các loại sản phẩm gốm và giá cả thì chắc chắn các bé gái và phụ nữ ai ai cũng biết rành rẽ. Tên tuổi những nữ nghệ nhân lão luyện trong nghề gốm như bà Đàng Thị Vệ, Đàng Thị Gia, Sử Thị Dinh... là những sư tổ, bậc thầy của nghề gốm Bàu Trúc mà trước hết, các bà còn là người bảo vệ truyền thống, giữ lửa nghề và thổi hồn cho gốm Chăm đến với nhiều nơi trong nước và thế giới.

Làm nghề gốm ngót 60 năm, cho đến năm 2001, lần đầu tiên bà Vệ, một phụ nữ Chăm hiền như cục đất, vóc dáng khô ráp không chút gì dáng dấp của một nữ chủ nhân, hay nữ doanh nhân, một chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng lại “gan cùng mình” mang sản phẩm gốm Bàu Trúc vào TP Hồ Chí Minh dự triển lãm.

Với 800 sản phẩm và 100 mẫu mã khác nhau, bà cùng hai con gái và nhân viên của Sỹ Hoàng “bưng” tất cả công cụ, đất sét, củi nung... vào TP Hồ Chí Minh vừa bán sản phẩm, vừa triển lãm, biểu diễn cách làm gốm độc lạ của người Chăm Ninh Thuận khiến dân Sài Thành lóa mắt, thích thú vô cùng.

Và đây cũng là lần đầu tiên, du khách xa gần được chiêm ngưỡng và trầm trồ thán phục về những sản phẩm gốm độc lạ của người Chăm. Cũng sau lần đó, khách hàng, khách du lịch trong và ngoài nước đã nườm nợp đổ về Phan Rang, Ninh Thuận tìm đến làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp để tận mắt thấy, tai nghe và trải nghiệm những điều kỳ thú độc đáo của một làng nghề có tuổi ngàn năm mà không dễ có ở nơi khác.

Câu chuyện về gốm Bàu Trúc có cơ duyên đến với mọi người còn là một cơ duyên của bà Vệ với cậu sinh viên trường Mỹ thuật TP đi thực tập đã tá túc tại nhà vào năm 1986. Ngày đó, ai cũng nghèo, bữa cơm độn khoai ăn với mắm muối tạm qua ngày đủ để ru con người lao động nghèo khổ như bà Vệ, anh sinh viên mỹ thuật vào giấc mộng thiên đường.

Nhiều người đã bỏ nghề, bỏ làng để đi nơi khác làm thuê kiếm sống nhưng bà Vệ vẫn thi gan với trời nắng chang chang đất Phan Rang, Ninh Phước để nặn đất làm gốm. Tình yêu nghề của bà, tình thủy chung giữ nghề gốm tổ tiên truyền lại của người Chăm đã truyền cảm hứng và tình yêu vào cậu sinh viên mỹ thuật.

Có lẽ những gì được thai nghén ấp ủ từ trong những khắc khe nhất của cuộc sống sẽ thấm đẫm vào tâm hồn con người và dưỡng nuôi những ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống rất mạnh mẽ, sâu đậm. Người mẹ nuôi Đàng Thị Vệ không khỏi xúc động khi 12 năm sau, cậu sinh viên trường Đại học Mỹ thuật thực tập đã trở thành nhà thiết kế, họa sĩ nổi tiếng Sĩ Hoàng.

Làng gốm Bàu Trúc ngày nay có khoảng 200 hộ làm nghề gốm, bình quân khoảng 50.000 sản phẩm gốm mỹ nghệ được ra đời mỗi tháng cùng với khoảng 4.000 sản phẩm gốm dân dụng phục vụ đời sống nhân dân. Triển lãm gốm của bà Vệ và họa sỹ Sỹ Hoàng đã tìm hướng ra cho nghề gốm Bàu Trúc và mở ra một tương lai đầy triển vọng, phát triển làng nghề trong tương lai...

Làng gốm Bàu Trúc còn có nghệ nhân Đàng Thị Gia, tuổi chạm ngưỡng bát niên vậy mà bàn tay vẫn thoăn thoắt nặn gốm và hằng ngày bà vẫn rong ruổi khắp làng xem từng mặt sản phẩm con cháu trong làng đang làm. Bà kể: đất sét sông Quao rất mịn, mềm và bóng đẹp nên chỉ có thể tạo hình bằng tay xoay, không dùng bàn xoay như những nơi khác được. Với các thứ đồ ăn, nước uống để trong bình gốm Bàu Trúc giữ được nhiệt mát lâu hơn.

Ai cũng biết, Phan Rang là miền đất nắng nóng nhất nước, tổng lượng mưa cả năm trút xuống nơi đây chỉ khoảng 600mm, trong khi bình quân cả nước khoảng 1.500mm, chỉ bằng một trận mưa lớn ở những nơi khác. Đất sét, dụng cụ gốm Bàu Trúc làm nên những vật dụng vô cùng có ích đối với con người ở miền đất thời tiết và khí hậu cực kỳ khắc nghiệt này.

Từng sản phẩm gốm Chăm đều mang dấu ấn phụ nữ Chăm theo tập quán mẫu hệ. Tuy không phải bắt chồng như tục lệ hôn nhân của rất nhiều dân tộc thiểu số vùng núi, vùng cao nhưng người phụ nữ Chăm luôn có quyền quyết định mọi thứ, từ việc chọn chồng, định giá của hồi môn, quyết định ở rể hay không, sắp xếp mọi thứ trong gia đình cho đến việc ngoài xã hội.

Cũng từ truyền thuyết về tổ nghề Po Klong Chan chỉ dạy cho phụ nữ làm gốm, nên mọi công việc cực nhọc và khéo léo nhất để tạo thành một sản phẩm gốm đều do phụ nữ thao tác. Họa sĩ Sĩ Hoàng từng thốt lên: Hồn gốm chỉ thuộc về những người phụ nữ Bàu Trúc như má Vệ, má Gia... Chính họ chứ không phải ai khác đã đưa nghề gốm của ông cha trở thành nghệ thuật…

Ngày nay, trở lại Plei Hamu Truk nếu có sự khác biệt thì đó chính là con đường đất nhớp nháp ngày nào bốc bụi mù được bê tông hóa, bên cạnh là những ngôi nhà truyền thống dân tộc Chăm nhưng được ngói, gạch, bê tông hóa to lớn, khang trang. Và trong dấu ấn thời gian của sự thay đổi, những sản phẩm gốm mang đậm nét, đậm hồn phụ nữ Chăm ngày nay, có một khác biệt.

Trong số 11 người con của lão nghệ nhân Đàng Thị Gia, có anh Đàng Xem trở thành nghệ nhân, chủ nhân của những sản phẩm gốm mang hình dáng to lớn, hiện đại đang trở thành tâm điểm cho khách hàng cao cấp trong và ngoài nước đặt hàng. Bàu Trúc ngày nay còn có nhiều thêm mỗi ngày những nghệ nhân, doanh nhân tâm huyết như Đàng Xem, Đàng Năng Tự...

Đem nghề gốm truyền thống của dân tộc Chăm nâng lên tầm nghệ thuật, từ gốm làm ra những sản phẩm độc đáo từ tượng hình, tháp Chàm, họa tiết trang trí cùng nhiều dụng cụ, mỹ nghệ... kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống với hiện đại.

Đông Kha
.
.
.