Vì sao chợ làng gốm Bát Tràng đóng cửa?

Thứ Tư, 08/02/2017, 09:35
Gần 100 tiểu thương chợ gốm làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, Hà Nội phản ứng trước việc đóng cổng chợ của Công ty cổ phần (CP) sứ Bát Tràng vào sáng 6-2.

Chiều 7-2, các tiểu thương vẫn tập trung trước cổng chợ đang bị đóng, khách đến tham quan, du lịch làng nghề ngơ ngác khi không được vào chợ.

Vì sao đóng chợ làng gốm?

Trưa 7-2, đường dây nóng của Báo CAND nhận phản ánh, tại khu vực chợ gốm làng cổ Bát Tràng xuất hiện hàng chục tiểu thương tụ tập phản đối Công ty CP sứ Bát Tràng đóng cửa chợ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Đầu giờ chiều cùng ngày, phóng viên Báo CAND về đây tìm hiểu sự việc.

14h, bên ngoài cổng chợ có hàng chục tiểu thương đang đứng ngồi không yên. Cánh cửa sắt dẫn vào trong chợ đóng chặt. Bên trong có nhiều nhân viên bảo vệ của Công ty.

Chị Trần Thị Ánh Tuyết, chủ gian hàng số 65 cho biết, do bất bình trước việc Công ty CP sứ Bát Tràng – đơn vị đang quản lý khu đất trên đóng cửa, không cho các tiểu thương vào kinh doanh, nên từ sáng 6-2, nhiều tiểu thương tập trung trước cổng chợ bày tỏ sự bất bình, đồng thời đề nghị các cấp chính quyền sớm vào cuộc giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho các tiểu thương.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, trong khu chợ trên có 122 gian hàng bày bán các sản phẩm gốm hoạt động. Số hộ này là các xã viên Hợp tác xã Chợ gốm làng cổ Bát Tràng.

Ông Phùng Văn Hữu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chợ gốm làng cổ Bát Tràng cho biết, có sự việc trên là do phát sinh mâu thuẫn giữa quyền lợi của Công ty với bà con đang kinh doanh trong chợ.

Theo ông Hữu, từ trước đến nay, bà con kinh doanh trong khu chợ có ký kết hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh với đơn vị quản lý khu chợ. Và thông thường, sau khi hợp đồng kết thúc, hợp đồng mới lại tiếp tục được thực hiện.

Tuy nhiên, ngày 21-1-2017, Công ty CP sứ Bát Tràng ra thông báo về việc tạm dừng hoạt động kinh doanh của các kiốt, cửa hàng giới thiệu sản phẩm gốm sứ tại khu hành chính văn phòng khiến bà con tiểu thương đang kinh doanh trong khu chợ hoang mang, bất bình. Đỉnh điểm, sáng 6-2, Công ty cho đóng cổng chợ.

Cũng theo ông Phùng Văn Hữu, toàn bộ sự việc trên sau đó đã được Hợp tác xã phản ánh lên UBND xã và các cơ quan chức năng. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu xảy ra phát sinh mâu thuẫn về quyền lợi giữa Công ty với bà con tiểu thương.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do mâu thuẫn trong quá trình ký kết hợp đồng thuê gian hàng giữa tiểu thương với Công ty CP sứ Bát Tràng. Đại đa số các tiểu thương muốn thông qua Hợp tác xã chợ gốm làng cổ Bát Tràng ký kết hợp đồng với Công ty, nhưng Công ty lại muốn ký kết trực tiếp với các hộ kinh doanh.

Chiều 7-2, cổng chợ gốm được mở trở lại để kinh doanh và đón khách du lịch.

Ổn định để phát triển kinh doanh và du lịch bền vững

Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã báo cáo UBND huyện và cùng các đơn vị chức năng vào cuộc, giải quyết, ngăn không để phát sinh phức tạp về an ninh trật tự.

Sáng 7-2, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cuộc họp với đại diện các ban, ngành liên quan cùng Công ty CP sứ Bát Tràng, đại diện Hợp tác xã chợ gốm làng cổ Bát Tràng đã bàn giải quyết vấn đề quyền lợi của các hộ dân. 15h ngày 7-2, Công ty CP sứ Bát Tràng mở cổng chợ.

16h ngày 7-2, sau khi bà con tiểu thương đã quay trở lại gian hàng của mình và chuẩn bị cho công việc kinh doanh, phóng viên Báo CAND đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn May, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng.

Ông May cho biết, sau khi có thông báo nâng mức thuê ki ốt, các hộ kinh doanh không đồng tình. Đồng thời, đơn vị quản lý muốn ký hợp đồng trực tiếp với các hộ kinh doanh, nhưng các hộ kinh doanh lại muốn ký hợp đồng thông qua Hợp tác xã chợ gốm để thống nhất quản lý và mức thuê kiốt. Hiện có 25/122 hộ kinh doanh ký hợp đồng trực tiếp với Công ty CP sứ Bát Tràng.

Trước kế hoạch cải tạo chợ của phía Công ty CP sứ Bát Tràng, UBND xã đã yêu cầu Công ty phải có phương án cụ thể, bàn bạc thống nhất với các hộ kinh doanh mới triển khai. Tuy nhiên, Công ty chưa bàn bạc thống nhất nhưng đã triển khai cải tạo nên vấp phải phản ứng của bà con.

Cuộc họp sáng 7-2 đã thống nhất: yêu cầu Công ty CP sứ Bát Tràng phải mở cửa cho bà con hoạt động kinh doanh. UBND huyện giao cho Công ty CP sứ Bát Tràng họp với bà con tiểu thương để thống nhất, ký kết hợp đồng; mức giá thuê thỏa thuận nhưng không vượt khung quy định của thành phố.

Đồng thời, lãnh đạo huyện Gia Lâm cũng yêu cầu phải đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và yêu cầu Công ty CP sứ Bát Tràng sớm hoàn thiện hồ sơ về quản lý đất tại khu vực chợ gốm. Bà con tiểu thương đồng loạt quay trở lại chợ nhưng vẫn đang chờ hướng giải quyết tiếp theo.

Được biết, làng gốm Bát Tràng đã được thành phố đưa vào quy hoạch, thực hiện đề án làng nghề gắn với du lịch. Đây là điểm đến hấp dẫn, vừa gần trung tâm Thủ đô, lại quảng bá được làng nghề truyền thống với khách du lịch trong và ngoài nước.

Làng nghề cũng giải quyết được việc làm cho từ 3.000 đến 8.000 lao động trong xã và khu vực lân cận. Bởi vậy, vấn đề ổn định sản xuất kinh doanh, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo khách hàng là rất quan trọng. Môi trường sản xuất, kinh doanh của làng nghề cần được minh bạch và mang tính bền vững.

Trước đây, vào năm 2012, tại chợ gốm cổ này đã từng xảy ra mâu thuẫn tương tự. Sự việc diễn ra trong mấy ngày vừa qua được coi là tiếp nối khi hợp đồng cũ kết thúc.

Nếu chính quyền, các cơ quan chức năng không giải quyết dứt điểm những vướng mắc liên quan đến quyền lợi giữa bà con tiểu thương và doanh nghiệp được giao quản lý sử dụng thì e rằng một thời gian sau sẽ lại phát sinh mâu thuẫn. 

Việt Hà – Trần Huy
.
.
.