Chống người thi hành công vụ - Cần xử lý nghiêm!

Thứ Hai, 01/06/2020, 09:32
Tối 26/5, trên mạng Internet xuất hiện đoạn clip một chiếc xe ô tô lùi rất nhanh ra giữa ngã tư rồi phóng bạt mạng. Khi thấy có cán bộ CSGT bám trên nóc capo, mọi người không khỏi giật mình và lo lắng cho tính mạng của người CSGT bởi với tốc độ lái xe như vậy, anh có thể rơi xuống đường bất cứ lúc nào. Vụ án này là một trong những vụ điển hình chống lại CSGT gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua.


Tông xe vào Cảnh sát giao thông để trốn vi phạm

Vụ chống người thi hành công vụ nói trên xảy ra vào khoảng 20h30' buổi tối cùng ngày khi tổ công tác Công an huyện Hương Sơn phối hợp với Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh tuần tra kiểm soát QL 8A thuộc địa bàn thị trấn Phố Châu. Tổ công tác phát hiện ô tô biển kiểm soát 38A-158.91 đang lưu thông trên quốc lộ 8A hướng từ xã Quang Diệm xuống thị trấn Phố Châu có biểu hiện vi phạm trật tự an toàn giao thông nên ra hiệu lệnh dừng xe, đồng thời yêu cầu người điều khiển xe ô tô xuống xe để kiểm tra giấy tờ và nồng độ cồn.

Nhưng người này không chấp hành mà khóa cửa ngồi trong xe. Tổ công tác đã nhiều lần yêu cầu người điều khiển phương tiện xuống xe để kiểm tra nhưng người này vẫn mặc kệ rồi lùi xe ô tô bỏ chạy.

Thượng uý Nguyễn Hà Sơn trên nắp capo (ảnh cắt từ clip).

Thượng úy Nguyễn Hà Sơn, cán bộ Đội CSGT, Công an huyện Hương Sơn (tham gia trong tổ công tác) là người đang đứng chống tay trên nắp capô xe ô tô bị ngã xuống. Anh bám vào cần gạt nước, người nằm trên nắp capô. 

Chiếc xe ô tô chạy lùi lại ngã tư, rồi đột ngột chuyển hướng tiến theo đường Nguyễn Tuấn Thiện, chạy qua cầu tràn Phố - Giang sang xã Sơn Giang theo đường Hải Thượng Lãn Ông đi ra đường Hồ Chí Minh chạy về hướng Nghệ An, lúc này đồng chí Sơn vẫn phải bám trước đầu xe.

Tổ công tác cùng người dân đuổi theo khoảng 6km đến địa phận thôn Tây Nam xã Sơn Lễ thì dừng được xe. Người điều khiển xe ô tô là Trần Trọng Phi, sinh năm 1987, trú tại thôn Trung Bằng xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn. Kiểm tra nồng độ cồn của Trần Trọng Phi phát hiện trong hơi thở của Phi có nồng độ cồn là 0,214 mg/L. Phi đã có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Vụ án đang được Công an huyện Hương Sơn tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ chống người thi hành công vụ, đặc biệt là chống CSGT trong thời gian gần đây. Trước đó, cũng tại Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Anh Đức, cán bộ Phòng CSGT đã bị lái xe tông thẳng vào người khi anh thông báo lỗi chạy quá tốc độ và yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra.

Đối tượng Trần Trọng Phi tại cơ quan Công an.

Do không có bằng lái nên Hưng sợ bị xử lý, không xuất trình giấy tờ và nhảy lên xe đóng cửa, vẫn đạp ga cho xe đâm vào cán bộ CSGT rồi bỏ chạy. Đồng chí Nguyễn Anh Đức bám được vào gương chiếu hậu trước đầu xe. Thấy vậy, Hưng vẫn tiếp tục cho xe chạy được 400m thì đánh lái làm Thượng úy Đức rơi xuống đường, đập đầu xuống dải phân cách cứng, bất tỉnh. Có mặt tại phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức, Hà Nội khi đồng chí Nguyễn Anh Đức mổ cấp cứu, tôi không khỏi xót lòng khi vợ, đồng đội của anh trắng đêm không ngủ vì lo cho tính mạng của anh.

Trước đó, ngày 7/2, tại Quốc lộ 9, đoạn qua phường 3, thành phố Đông Hà, Quảng Trị, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Công an thành phố Đông Hà đang làm nhiệm vụ tuần tra thì phát hiện xe máy BKS 74C1-379.62 do Nguyễn Văn Thăng, sinh năm 1999, trú tại khu phố 3, phường 4, thành phố Đông Hà điều khiển, chở theo Đào Ngọc Thịnh, sinh năm 1996, trú khu phố 2, phường 3, TP Đông Hà chạy trên Quốc lộ 9 theo hướng Cam Lộ - Đông Hà có biểu hiện vi phạm tốc độ và không có gương chiếu hậu.

Đại úy Nguyễn Việt Hải, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông trật tự đã ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, 2 thanh niên trên không chấp hành mà lao thẳng xe máy vào Đại úy Nguyễn Việt Hải. Cú tông mạnh làm Đại úy Nguyễn Việt Hải bị gãy chân, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Ngày 3-5 mới đây, tại Tiền Giang, Thiếu tá Nguyễn Lê Hồ, cán bộ Phòng CSGT Công an Tiền Giang bị một "quái xế" tông gãy chân, gãy xương hàm. Đau xót nhất là trong trong lúc truy bắt tội phạm đua xe và cướp giật tài sản, hai cán bộ Đội CSGT - TT Công an huyện Sơn Trà, Đà Nẵng là Thiếu tá Đặng Anh Tuấn và Thượng sỹ Võ Văn Toàn đã bị các đối tượng đua xe chèn và tạt đầu xe khiến các anh hi sinh vào ngày 2/4.

Thượng uý Nguyễn Phạm Thành Nhân, cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh hi sinh khi bị đối tượng đua xe lao vào người khi anh  cùng tổ cảnh sát 363 chặn bắt nhóm "quái xế" ở huyện Hóc Môn...

Nêu cao ý thức chấp hành luật giao thông

Không thể kể hết sự mất mát, hi sinh của lực lượng CSGT khi mà mỗi năm có hàng trăm vụ chống người thi hành công vụ, giết người nhằm vào lực lượng này. Nói về sự hi sinh của đồng đội, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT trăn trở, CBCS làm nhiệm vụ ngoài đường, dãi nắng, dầm mưa và phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm.

Trong khi đó, ý thức thượng tôn pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao. Ví dụ như  khi vi phạm mức xử phạt cao, người vi phạm có thể bỏ lại giấy phép lái xe để báo mất, xin cấp GPLX mới, thậm chí một số trường hợp có tới 2-3 GPLX. Trong 9 tháng đầu năm 2019, đã có tới 10 nghìn GPLX bị tạm giữ nhưng người vi phạm chưa đến để xử phạt.

Nhiều trường hợp tìm mọi cách trốn tránh, trình bày, nhờ cậy mối quan hệ để can thiệp, gây áp lực đối với CSGT. Người vi phạm thường không bằng lòng với cách giải quyết của CSGT hoặc mua chuộc, hối lộ hay ngược lại là đe dọa, vin cớ tạo nên sự căng thẳng, gây áp lực lên người thi hành công vụ. Một số đối tượng dùng phương tiện tông vào CSGT để tránh bị xử phạt.

Cũng nói về vấn đề này, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, lực lượng CSGT nỗ lực hết mình chỉ với một mong muốn là hạn chế tối đa thiệt hại vì tai nạn giao thông, để mỗi gia đình yên ấm, hạnh phúc, không phải chịu nỗi đau mất người thân vì tai nạn giao thông, nhưng nhiều đối tượng không chấp hành quy định của pháp luật, chống đối CSGT với nhiều hình thức khác nhau như tông xe vào CSGT, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực tấn công CSGT.

CSGT kiểm tra ma tuý đối với lái xe trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

"Nhiệm vụ của CSGT là đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông. Trong đó, xử lý người vi phạm là một trong những nội dung quan trọng cần phải thực thi để đảm bảo sự an toàn cần thiết cho hành lang giao thông công cộng. Trong trường hợp một cá nhân điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, không tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ đe dọa gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của những người tham gia giao thông khác thì CSGT cần ngay lập tức ngăn chặn những hành vi này để bảo đảm an toàn cho mọi người" - Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.

Nói về nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho rằng, việc chống CSGT có nguyên nhân chủ quan, khách quan. Nó do nhận thức và ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, khi vi phạm tìm mọi cách trốn tránh, không hợp tác, cản trở, thậm chí chống đối lực lượng CSGT. Công tác quản lý lái xe, nhất là lái xe tư nhân chưa được quan tâm đúng mức.

Mặt khác, do tác động, lôi kéo, ảnh hưởng xấu của các trang mạng xã hội tuyên truyền cách thức chống đối CSGT, làm người dân hiểu sai về CSGT. Thái độ của nhiều người dân khi nhìn thấy các vụ việc này còn vô cảm, thậm chí còn kích động, lôi kéo chống lại CSGT. Các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ còn chưa cụ thể, chưa đủ sức răn đe; gây nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc liên tiếp xảy ra các vụ chống đối CSGT với tính chất, mức độ rất nguy hiểm phần lớn là do sự xuống cấp về mặt đạo đức, cũng như ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng, dẫn đến việc sẵn sàng chống đối lại các lực lượng chức năng.

Nguyên nhân là do khung hình phạt đối với tội danh này còn nhẹ, chưa phù hợp với sự phát triển của xã hội, chưa đủ sức răn đe, chỉ khi hành vi gây nên hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ mới bị xử lý hình sự. Phần nữa là thiếu chế tài xử lý mạnh đối với những người manh động hoặc chây lỳ, ngang bướng đôi co, chống đối với người thi hành công vụ.

Cần chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm tình trạng chống lại CSGT

Ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị: "Cần phải trang bị thiết bị kỹ thuật, vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho CSGT đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, bảo đảm ngăn chặn kịp thời các hành vi chống đối cũng như bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính cán bộ làm nhiệm vụ; nghiên cứu, tăng nặng chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ, bảo đảm thể hiện sự răn đe và tính nghiêm minh của pháp luật".

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, nguyên nhân của tình trạng chống người thi hành công vụ, tai nạn giao thông xảy ra nhiều do chúng ta đang quá dễ dãi trong đào tạo, cấp đổi GPLX. Việc này đã được thương mại hoá nên chất lượng không đảm bảo.

"Thực tế các phương tiện cướp đường, lấn làn không phải do đường chật, đèo dốc mà do ý thức của lái xe. Hiện nay, việc đào tạo lái xe mới tập trung vào dạy lái chứ chưa đào tạo văn hoá tham gia giao thông, kỹ năng ứng xử  trên đường cho lái xe" - ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh và đề nghị kinh doanh đào tạo GPLX phải có điều kiện rất chặt chẽ, phân biệt rõ 3 cấp đào tạo: xe cá nhân; xe khách và xe chở hàng với những quy định rõ ràng và cần đưa nội dung văn hoá ứng xử và đào tạo.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã tăng mức xử lý vi phạm hành chính, "đánh" thẳng vào kinh tế của người vi phạm. Tuy vậy, CSGT vẫn thật sự chưa có "cây gậy" đủ mạnh để xử lý vi phạm, phòng ngừa tai nạn giao thông, phòng ngừa tình trạng chống người thi hành công vụ.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và xu thế chuyên sâu hoá trong xây dựng pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, Luật điều chỉnh 7 chính sách, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về đảm bảo TTATGT đường bộ, trong đó có 4 chính sách mới chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành gồm: Tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý trong phát hiện và xử lý vi phạm; Trách nhiệm quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ. Còn lại 3 chính sách đã được luật hoá trong Luật giao thông đường bộ nhưng chưa đầy đủ, nay được kế thừa có chọn lọc, bổ sung đầy đủ, rõ ràng hơn.

Tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh, cần đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh một luật mới được ban hành lại có xung đột với những luật hiện hành; cần có điều kiện, thời gian rà soát để xây dựng hệ thống pháp luật đảm bảo bám sát với đời sống. Đồng thời đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ càng sớm càng tốt để cùng chung tay giảm thiểu tai nạn an toàn giao thông, đảm bảo trật tự giao thông tốt hơn.

Phương Thủy
.
.
.