Áo trắng, mũ nồi xanh bay đón bình minh nơi xứ lạ
- Chiến sĩ “Mũ nồi xanh” trên tuyến đầu chống dịch
- Nữ chiến sĩ mũ nồi xanh may khẩu trang ở Trung Phi
- Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã có mặt tại Nam Sudan
Năng nổ và hiệu quả, cô được tín nhiệm. Khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 thuộc Bệnh viện Quân y 175 được thành lập vào tháng 3/2020, cô là một trong 70 (63 chính thức, 7 dự bị) thầy thuốc – chiến sĩ được chọn.
Chiều 24/3, Bệnh viện dã chiến được bàn giao cho Cục Gìn giữ hòa bình, Bộ Quốc phòng để sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, cô em út Lê Na vẫn là cái tên trẻ nhất đoàn, là “nhân tố nổi bật” nhất.
Cô ngồi đâu, đám phóng viên nam còn trẻ cứ vây kín chỗ đó, tíu tít với hàng trăm câu hỏi dồn dập. “Em có hồi hộp không?”; “Sang châu Phi có lo lắng không”; “Em cảm thấy thế nào khi sắp đặt chân vào vùng chiến sự?”... Có gã phóng viên không giữ được kiên nhẫn và ao ước, phỏng vấn mà cứ như tán tỉnh: “Lê Na ơi, khi em về đã có người ra sân bay đón chưa?”.
Thiếu úy Bùi Lê Na, em út của đoàn công tác. |
Lê Na không trả lời kịp, chỉ thường trực một nụ cười vẫn còn bẽn lẽn. Trong bộ quân phục sĩ quan gìn giữ hòa bình với giày bốt cao cổ, quần áo rằn ri màu nâu đất, mũ nồi xanh, cô gái trẻ trông gọn gàng, nhỏ nhắn và rất tự tin.
Mà tự tin thật, bởi cô cùng các đồng đội đã được chuẩn bị, huấn luyện rất kỹ. Ngoài chuyên môn y khoa, các bác sĩ thành viên Bệnh viện dã chiến 2.3 còn được trang bị đầy đủ các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt nhất.
Họ được huấn luyện cấp cứu chấn thương nâng cao (ITLS); huấn luyện cho Đội Cứu trợ đường không (AMET); huấn luyện tiền triển khai; Huấn luyện Luật nhân đạo quốc tế và ngoại dã chiến. Các lực lượng liên quan được huấn luyện bổ túc lái xe rơ - moóc, xe bọc thép BRT 152; huấn luyện vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ một số trang bị hậu cần; diễn tập sa bàn và diễn tập tổng hợp thực địa .... Tiếng Anh của tất cả thành viên trong đoàn đều đạt IELT 5.5 trở lên.
Giáo trình huấn luyện tuân thủ và đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đó là chưa kể những kỹ năng sinh tồn, kỹ năng ứng phó với thực địa khắc nghiệt của châu Phi nơi họ đến do những anh, chị y bác sĩ đi trước truyền đạt chia sẻ.
Những bước đầu tiên, cô gái trẻ nhỏ nhắn ấy đã có dịp đi một dặm dài, với một sứ mệnh cao cả vì đất nước, vì con người. Không có lý do gì để hoài nghi, chắc chắn tương lai, sự nghiệp của em sẽ rộng mở, đường em đi sẽ vươn tới rất xa. Bởi, em đã không chọn cho mình khởi đầu với sự dễ dàng.
Trong đoàn lần này có 13 sĩ quan – bác sĩ đi đợt 2, thậm chí đợt 3. Thiếu tá Kỹ thuật viên Nha khoa Bùi Thị Xoa là một người như thế. Trong lễ bàn giao Bệnh viện dã chiến 2.3 và tiễn đoàn do Bộ Quốc phòng và Bệnh viện Quân y 175 tổ chức chiều 24/3, Ban tổ chức đã cho chiếu lại một số hình ảnh về hoạt động dã chiến và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình hai đợt trước.
Trong phim có cảnh gia đình chị Xoa trong chuyến chị xa nhà, sang châu Phi lần trước. Mẹ, vợ đi vắng, bữa cơm của chồng con chị dường như đơn giản hơn, dù khâu chuẩn bị vắng phụ nữ có vẻ khá loay hoay, mất thì giờ hơn...
Hầu như cánh báo chí và mọi con mắt khác đều đổ dồn về chị Xoa, như thể chờ đợi ở chị một sự xúc động ủy mị phụ nữ nào đó. Nhưng không có. Chỉ có một chút âu lo. Nữ bác sĩ đã quen với việc xa nhà vì nhiệm vụ. Chị chỉ đang bận bịu giúp các đồng đội, đồng nghiệp khác trong đoàn, nhất là các nữ bác sĩ trẻ chỉnh lại hành trang, sửa lại nếp quân phục, dáng mũ cho “ăn ảnh”.
Giúp đồng đội chỉnh sửa lại trang phục trước giờ xuất phát. |
Chị bảo: “Giờ thì các em đều hăng hái, yên tâm. Nhiệm vụ rồi các em sẽ vượt qua hết. Nhưng sang đó, bao nhiêu thứ tưởng chừng đơn giản sẽ nảy sinh, thành ám ảnh: nhớ nhà, thèm thức ăn Việt, mong ngóng con cái, gia đình... Tin, nhưng tôi vẫn lo cho các em nhiều lắm”. Chưa lên đường, sự lo lắng không cho riêng mình đã canh cánh trong lòng người bác sĩ, chiến sĩ – một người mẹ, người chị.
Hạnh phúc nhất, háo hức nhất có lẽ là vợ chồng bác sĩ Trung úy Đỗ Thanh Tùng – Thượng úy Tống Vân Anh. Họ học cùng lớp hồi đại học, cùng công tác tại Bệnh viện Quân y 175, cùng tham gia Bệnh viện dã chiến 2.3 và sang châu Phi cùng đợt. Cưới nhau chưa lâu, chuyến công tác dài ngày, được làm việc, chia sẻ cùng nhau với họ không khác gì tuần trăng mật kéo dài. Chung nhau một tuổi trẻ với giấc mơ khám phá và tận hiến, tôi tin chắc họ sẽ có một cuộc hôn nhân bền chặt, hạnh phúc và viên mãn. Còn gì hơn, khi nghĩa tào khang, ngoài niềm vui còn được sát cánh chia sớt hết thảy những khó khăn, vất vả lẫn nguy hiểm khi cùng đóng góp cho Tổ quốc?
Âu lo nằm nhiều hơn ở người ở lại, nhất là những cấp trên của họ ở Bệnh viện 175 và Bộ Quốc phòng. Nam Sudan thời tiết khắc nghiệt. Cả đất nước phủ trong bụi mù, chỉ có 65km đường rải nhựa.
Vùng Bentiu nơi Bệnh viện dã chiến trú đóng, thời tiết cận hoang mạc rất cực đoan. Ban ngày, nóng lên đến gần 50 độ C, nhưng đêm xuống, giữa mùa hè nhiệt độ cũng chỉ còn 8-10 độ C. Sốt rét, các căn bệnh nhiệt đới, thú dữ, rừng hoang... luôn là những hiểm nguy rình rập. Nước ngọt cũng hiếm hoi, dù nơi họ đến nằm ở phía Đông lưu vực sông Nil.
Vùng Bentiu cũng là một trong những tâm điểm của dịch COVID - 19 tại Nam Sudan. Bệnh viện dã chiến đi trước đã 3 lần phải đóng cửa cách ly vì COVID. Lần này, trước khi đi, đoàn bác sĩ đều đã được tiêm vaccine ngừa COVID mũi 1. Trong hành trang họ mang theo cả những mũi vaccine số 2 cho mình và một cơ số vaccine để “tiếp viện” cho những bác sĩ Bệnh viện dã chiến 2.2 mà họ sắp sang thay thế.
Tạm biệt nhé, mong các đồng chí lên đường bình an. |
Sốt, dịch, có đủ thuốc và kiến thức thì tự tin rồi họ cũng sẽ vượt qua. Điều lo nhất, đó là những bác sĩ hôm nay sắp phải quăng mình vào giữa một cuộc nội chiến xa lạ. Lần trước, thời gian công tác kéo dài 12 -14 tháng. Lần này, vì COVID, khó đoán chắc họ phải ở lại bao lâu mới được thay thế. Trong thời gian đó, họ sẽ phải nhiều lần di chuyển làm nhiệm vụ bằng máy bay trực thăng, ôtô, xe cơ giới, vào tận những nơi vừa mới hoặc đang xảy ra giao tranh. Khó nói trước điều gì trước hòn tên mũi đạn.
Thực tế, Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tại Nam Sudan cũng đã từng bị phiến quân tấn công bằng tên lửa. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Bệnh viện 175 ở nhận xét: “Nếu không may bị thương vong mất một vài anh em, nhiệm vụ xem như đã thất bại”. Ngắn gọn thôi, nhưng chứa trong lời thủ trưởng trực tiếp cao nhất của đoàn đi là bao nhiêu canh cánh âu lo.
Cánh bác sĩ tình nguyện dường như cũng biết thế, nhưng trước ngày đi không một ai bộc lộ ra sự căng thẳng, ngã lòng. Vì nhiều lý do, một nửa quân số được huấn luyện đã không đủ điều kiện để sang Nam Sudan công tác. Vuột mất cơ hội, ai cũng khóc. Người được chọn, dù âu lo cũng hồ hởi ra mặt.
Nam Sudan xa xôi nhưng sẽ không xa lạ. Để quen với cái nắng nóng 50 độ C, họ đã vượt qua kỳ sát hạch dài tại vùng bán hoang mạc Ninh Thuận, với thời tiết khắc nghiệt tương tự. Họ cũng được đưa vào rừng rậm Đắc Nông dầm mưa nhiều ngày để thuần thục kỹ năng sinh tồn với mưa rừng cả ngày lẫn đêm và bùn lầy nhão nhoét.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng khẳng định: “Cho đến bây giờ, tất cả 63 cán bộ - chiến sĩ – bác sĩ đều tỏ ra rất quyết tâm, không hề có ai cảm thấy ngại ngần trước nhiệm vụ”.
Còn Thượng úy Đinh Văn Hồng, bác sĩ khoa Hồi sức Bệnh viện 175, Đội trưởng Đội cấp cứu đường không của Bệnh viện dã chiến 2.3 thì vẽ nên mơ ước: “Tôi đã nhiều lần tham gia làm nhiệm vụ cấp cứu ở Trường Sa. Trên máy bay nhìn xuống, đất nước mình được phủ một màu xanh mềm mát của đại dương, như màu mũ nồi xanh của lực lượng gìn giữ hòa bình. Tôi chỉ ước cùng đồng đội được đem màu xanh ấy phủ lên nước bạn Nam Sudan xa xôi, góp phần chữa lành, xoa dịu những cơn đau do nội chiến...”.
Ghi lại lời anh, tôi ngạc nhiên: Quyết tâm với nhiệm vụ và khát khao cống hiến của tuổi trẻ, người lính ấy đã hóa thành thi sĩ. Không chuẩn bị trước, câu trả lời của anh cũng như một bài thơ.
Hai đợt quân đi trước, những bác sĩ quân y Việt Nam đã làm được nhiều hơn công việc của một người thầy thuốc. Ngoài cứu chữa cho các bệnh nhân là thành viên phái bộ gìn giữ hòa bình Nam Sudan, họ còn cấp cứu, chạy chữa được cho hơn 1.800 ca bệnh khác là người dân địa phương. Ân tình và nhiệt tình, người dân Bentiu nơi Bệnh viện đóng coi họ như những ân nhân, như người thân thiết. Mỗi lần họ xuất hiện, dân địa phương thường tung hô ”Việt Nam! Điện Biên Phủ! Việt Nam!” thay tiếng chào mừng.
Đoàn Việt Nam trước lúc lên đường. |
Nam Sudan rất thiếu rau xanh. Những mảnh đất bao quanh bệnh viện, các bác sĩ đã phủ xanh bằng rau cải, bầu bí, mùng tơi, cả hoa hướng dương và hoa mười giờ giống mang theo từ xứ sở.
Bà Trưởng đoàn phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan thường rất thích chọn Bệnh viện dã chiến Việt Nam làm nơi tiếp khách, hội họp. Ở đó, cái nóng, cái nắng khét da của miền Đông châu Phi được hoa lá Việt Nam làm dịu đi. Ở đó, bữa cơm thường cũng tươi hơn, mát hơn, nhờ rau cỏ tự cung tự cấp phong phú. Và ở đó, bất kỳ ai cũng sẽ gặp sự ân cần cùng những nụ cười Việt Nam thân thiện. Những bác sĩ quân y đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đã thật sự tạo ra một nền ngoại giao rau xanh hiệu quả và rất đáng nhân rộng.
Tại buổi lễ tiễn đoàn tổ chức trong khu vực quân sự của Sân bay Tân Sơn Nhất, phát biểu trực tuyến ông Atul Khare, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và phát biểu trực tiếp của bà Robyn Mudie Đại sứ Autralia tại Việt Nam đều nhấn mạnh, đánh giá rất cao hoạt động có hiệu quả, đầy trách nhiệm của đoàn Việt Nam.
Đi bên cạnh bà đại sứ còn có mấy người Australia cao lớn mặc quân phục. Họ là những thành viên sang Tân Sơn Nhất đón đoàn, chịu trách nhiệm đưa đoàn Việt Nam sang Nam Sudan bằng máy bay C17 của quân đội Australia. Quân đội hai nước từng đối đầu, giờ đã “đồng minh” cùng chung một mục đích vì hòa bình. Phía Việt Nam, mối hợp tác hữu nghị ấy được bắt đầu từ những người thầy thuốc mang quân phục.
Họ lên máy bay lúc 17h. Bác sĩ, Trung úy Đỗ Thanh Tùng định giúp mang ba lô cho vợ. Nhưng quy định quân ngũ đã khiến anh nhớ ra động tác quan tâm, chăm sóc ấy là không phù hợp trong hàng ngũ những người lính quen tự lực cánh sinh. Tùng chỉ kịp sửa giúp vợ, Thượng úy Tống Vân Anh cho chiếc mũi nồi hơi xếch xuống một bên cho "có nét" rồi ngay ngắn xếp lại hàng.
Cánh phóng viên trẻ thì thi nhau í ới: “Lê Na ơi, em về thì báo anh đi đón nhé. Anh sẽ chờ. Anh sẽ ra tận sân bay đón”. Nghe, thấy, tôi thầm ghen tị với sự tự do, táo tợn của những đồng nghiệp trẻ, dù cũng rất... cảm thông. Như mấy câu thơ trong bài “Một nửa vầng trăng” của Thu Nguyệt:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc,
nửa soi dặm trường...”
Câu thơ xưa bỗng bình thường
Khi hôm nay kẻ lên đường là em.
(Thơ Thu Nguyệt)
Trẻ, chuyên môn giỏi, đã dấn thân nửa vòng trái đất về phía rất xa xôi, chính cô bác sĩ nhỏ nhắn kia mới đích thực là hiệp sĩ cứu người. Phần cơ hội chứng tỏ sự mạnh mẽ của các đồng nghiệp trẻ trung, giàu mơ ước nhưng thiếu cơ hội thực tế e là không nhiều, không lớn. Mà thôi, đang vui. Và tuổi trẻ ai chẳng có quyền mơ ước!
Những người lính – thầy thuốc ấy sẽ bay về hướng Tây, đuổi theo những tia nắng chiều đang rưng rưng chực tắt. Sau chặng bay dài, họ sẽ đáp xuống thủ đô Juba của Nam Sudan, từ đó đổi phương tiện di chuyển về nơi đóng quân và hoạt động ở Bentiu. Sau chuyến bay xuyên đêm, họ sẽ đón bình minh ở một nơi khác, hoàn toàn xa lạ trên Lục địa Đen. Hoặc giả, chính những người lính áo trắng, mũ nồi xanh Việt Nam trong hàng kia sẽ góp phần đem bình minh thắp lên nơi phía đó.
(TP Hồ Chí Minh)
24/3/2021