Chiến sĩ “Mũ nồi xanh” trên tuyến đầu chống dịch

Thứ Hai, 15/06/2020, 09:59
Trong khi Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 thì ở nhiều nước châu Phi, virus SARS-CoV-2 đang bùng phát và lây lan mạnh. Tại Cộng hoà Trung Phi và Nam Sudan, những chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam tham gia gìn giữ hoà bình ở các phái bộ của Liên hiệp quốc vẫn đang kiên cường nơi tuyến đầu chống dịch.


Căng thẳng ở châu Phi

18h (giờ địa phương) ngày 10/5, một bệnh nhân nam 30 tuổi, là nhân viên của Liên hiệp quốc (LHQ) được đưa đến Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC 2.2) của Việt Nam ở Nam Sudan trong tình trạng sốt cao, ho và mệt mỏi. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt rét và nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 nên đã lấy bệnh phẩm để gửi lên thủ đô Juba để xét nghiệm.

Tuy nhiên, việc vận chuyển bệnh phẩm đi xét nghiệm gặp khó khăn nên sau 2 tuần vẫn chưa có kết quả hồi âm. Do đó, các y, bác sĩ của BVDC 2.2 đành phải điều trị cho bệnh nhân dựa vào kinh nghiệm và áp dụng các nguyên tắc bảo hộ như đối với bệnh nhân COVID-19.

Ngay từ đầu, bệnh nhân được điều trị trong khu cách ly và được xử lý bệnh nền một cách bài bản. Sau hai tuần, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và được xuất viện.

Việc điều trị thành công cho một bệnh nhân nghi mắc COVID-19 trong điều kiện khó khăn và chưa có kết quả xét nghiệm chỉ là một lát cắt trong cuộc chiến chống COVID-19 của những người lính Việt Nam ở những nơi xa đất nước.

Trung tá Nguyễn Thị Liên tặng khẩu trang cho đại diện cơ quan truyền thông ở Trung Phi.

Tại Nam Sudan, tình hình trở nên nghiêm trọng khi Tổng thống, phu nhân Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 15 lãnh đạo cao cấp, 42 tướng lĩnh khác của quân đội của nước này đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tương tự, ở Trung Phi mỗi ngày có hàng trăm ca nhiễm mới. Theo số liệu cập nhật của Cục Gìn giữ hoà bình (GGHB) Việt Nam, ngày 13/6, nước này đã có tới 2.057 ca nhiễm và vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, cả Trung Phi và Nam Sudan đều có hệ thống trang bị y tế yếu kém, chi phí hạn hẹp, ít bệnh viện nên việc xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch rất hạn chế.

Hiện tại, hai nước này không có đủ bộ kit để xét nghiệm cho những người nghi nhiễm. Đây là nỗi lo ngại đối với các chính quyền địa phương, lực lượng LHQ nói chung và lực lượng GGHB của Việt Nam tại đó nói riêng.

Các chiến sĩ của chúng ta đang hoạt động trong môi trường làm việc đa quốc gia ở phái bộ UNMISS (Nam Sudan) và phái bộ MINUSCA (Cộng hoà Trung Phi) trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Ở môi trường này dịch bệnh rất dễ lây lan và khó kiểm soát. Thách thức lớn đã đặt ra cho các chiến sĩ khi vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế mà LHQ giao phó, đồng thời phải phòng, chống dịch cho bản thân và cộng đồng.

Cho đến thời điểm này, phía Việt Nam có 5 đồng chí hoạt động cá nhân tại Trung Phi, 5 đồng chí hoạt động cá nhân tại Nam Sudan và 63 đồng chí thuộc BVDC 2.2 tại Nam Sudan đều khoẻ mạnh, an toàn.

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

Trong vòng 6 tháng qua, BVDC 2.2 ở Nam Sudan đã thu dung và điều trị cho 900 bệnh nhân, tiến hành 15 ca mổ, đảm bảo việc chăm sóc sức khoẻ cho các nhân viên LHQ tại phái bộ. Khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Nam Sudan, BVDC 2.2 đã chủ động đề xuất phương án lập trạm y tế ở cổng ra vào bệnh viện để đo thân nhiệt cho bệnh nhân và đảm bảo cách ly xã hội đối với lực lượng LHQ cũng như ngoài xã hội. Những sáng kiến này được LHQ đánh giá cao và đã đề nghị BVDC 2.2 kéo dài thời gian hoạt động đến tháng 2/2021 thay vì đến tháng 11/020 theo kế hoạch ban đầu.

Mới đây, tại phiên họp khẩn cấp về việc chống COVID-19 đối với các lực lượng Việt Nam tham gia ở 2 phái bộ, đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Trưởng ban chỉ đạo quốc phòng về tham gia GGHB LHQ đã đưa ra 4 kịch bản ứng phó với dịch bệnh.

Theo tiêu chuẩn của LHQ, BVDC 2.2 có thể thu dung, điều trị 5 bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm COVID-19. Từ Việt Nam, trang thiết bị, thuốc men và dụng cụ, vật tư y tế được huy động để cung cấp cho các chiến sĩ ở 2 phái bộ, dù hiện tại việc viện vận chuyển bằng máy bay sang châu Phi rất khó khăn. Cục GGHB đã phối hợp với Cục Quân y, Học viện Quân y tổ chức diễn tập y tế cho BVDC 2.2, nhằm bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng ứng phó, các bước xử lý ca nhiễm bệnh.

Trước ngày dịch bệnh COVID-19 tràn đến Trung Phi, khẩu trang là thứ hoàn toàn xa lạ với người dân và nhiều nhân viên của LHQ. Để tránh bị kỳ thị, tổ công tác Việt Nam khi đeo khẩu trang phải dùng một chiếc khăn che bên ngoài. Để thay đổi một nếp nghĩ, một thói quen không hề dễ dàng. Nhưng các chiến sĩ Việt Nam bằng tinh thần trách nhiệm và lòng kiên trì đã làm được điều đó.

Đi đầu trong phong trào may và đeo khẩu trang là Trung tá Nguyễn Thị Liên – sĩ quan tham mưu huấn luyện của Việt Nam thuộc phái bộ Trung Phi. Chị đến nhà dân thuê một chiếc máy khâu, sau đó ra chợ mua dây chun và những mảnh vải sặc sỡ để phù hợp với sở thích của người dân. Sau giờ làm việc ở phái bộ, chị Liên miệt mài cắt, may khẩu trang. 800 chiếc khẩu trang may được chị Liên dành tặng cho toàn bộ nhân viên sở chỉ huy phái bộ và một số người dân ở thủ đô Bangui.

Những chiếc khẩu trang nhỏ bé được may từ đôi bàn tay khéo léo của Trung tá Liên giờ đã trở nên thân thuộc với người dân và nhân viên LHQ. Họ trìu mến gọi chị là “hero” – anh hùng chống COVID-19, thường giơ tay vẫy chào và reo lên “Vietnam, number one” mỗi khi gặp chị.

Từ đây lan đi phong trào may và đeo khẩu trang ở các khu dân cư và trong phái bộ. Cảm phục nỗ lực của chị, Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ đã tặng giấy khen đột xuất để ghi nhận và khích lệ việc làm ý nghĩa và kịp thời này. Với Trung tá Liên, việc may khẩu trang chính là cách chị làm để góp phần gìn giữ hoà bình cho lục địa đen.

Huyền Châm
.
.
.