Giữ "lõi xanh" các vườn quốc gia ở Bình Phước

Thứ Hai, 20/03/2023, 06:47

Khoảng 2 tháng qua, thời tiết ở khu vực Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng  nắng nóng gay gắt khiến những khu rừng trở nên chơi vơi trước “giặc lửa”, chỉ cần sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến thảm họa. Các chủ rừng đã xây dựng nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng (PCCR) để quyết tâm bảo vệ bằng được diện tích rừng hiện có.

Ông Vương Đức Hòa - Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Vườn) cho biết, Vườn có diện tích hơn 25.500ha, trong đó 1.700ha lồ ô thuần loài, 16.000ha lồ ô xen gỗ nên rất dễ xảy ra cháy vào mùa khô. Rừng ở đây luôn đặt ở cấp V - cấp rất nguy hiểm. Vào đầu mùa khô, ở khu vực xung quanh lâm phần, bà con thường phát dọn, đốt rẫy điều để thu hoạch, rồi việc sử dụng lửa không cẩn thận khi vào rừng của một số người dân, một số đối tượng vào rừng trái phép để săn bắn, bẫy thú, khai thác gỗ, trong lúc sử dụng lửa không cẩn thận để cháy lan vào rừng.

Giữ
Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.

Mặt khác, Vườn có 2 tuyến đường lớn đi qua là quốc lộ 14C và đường tuần tra biên giới, người dân qua lại khu vực này rất đông, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Điều đáng nói là có cả các đối tượng khi bị kiểm lâm bắt, xử phạt thì quay lại đốt rừng để trả thù.

“Các vụ cháy thường xảy ra ở sâu trong rừng.Khu vực này không có đường giao thông để các phương tiện vào dập lửa nên việc chữa cháy chủ yếu bằng cách làm thủ công như dùng máy thổi gió, phát làm đường ranh cản lửa, khoanh vùng đám cháy. Sau đó sử dụng bình xịt nước, công cụ thủ công để dập tắt đám cháy. Điều quan trọng là phải phát hiện kịp thời, huy động được lực lượng, phương tiện chữa cháy để khống chế, dập tắt, không để lửa lan sang các khu vực khác” – ông Hòa nói. 

Theo ông Vương Đức Hòa, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã xây dựng các phương án và giao Hạt Kiểm lâm Vườn thực hiện. Tổ kiểm lâm cơ động và PCCR cùng các trạm kiểm lâm tăng cường tuần tra, canh gác tại các tiểu khu có nguy cơ xảy ra cháy cao, khu vực dọc quốc lộ 14C, đường tuần tra biên giới; cắt cử nhân lực thường xuyên trực gác tại chòi canh lửa; phát dọn hàng trăm km đường băng cản lửa theo ranh của vườn. Ngoài ra còn tuyên truyền và tổ chức ký cam kết không phát dọn, lấn chiếm, để lửa cháy lan vào rừng. Ngoài lực lượng nòng cốt còn có 15 đơn vị cộng đồng nhận khoán, phải cắt cử người (6 người/ca trực) trực tuần tra PCCR 24/24 giờ trong những tháng mùa khô.

Ông Nguyễn Thanh Long - Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, với diện tích hơn 82.000ha, Vườn quốc gia Cát Tiên trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, trong đó diện tích thuộc tỉnh Bình Phước hơn 4.300ha. Vườn quốc gia Cát Tiên chủ yếu là rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, tre nứa, rừng hỗn giao gỗ và tre nứa và rừng trồng. Nguy cơ cháy rừng luôn cảnh báo từ cấp III trở lên. Địa bàn rộng, phức tạp, diện tích rừng lớn trong khi lực lượng kiểm lâm lại tương đối “mỏng”, do đó công tác PCCR luôn ở trong trạng thái căng thẳng.

“Vườn quốc gia Cát Tiên đã tăng cường phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, quân đội, công an và các đơn vị quản lý rừng, chính quyền địa phương trong PCCR. Mặt khác, tăng cường tuần tra, kiểm soát rừng, xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ. Ngoài ra, luôn nghe ngóng tình hình thời tiết, cấp dự báo cháy rừng thường xuyên để từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời” - ông Long nói.

Bình Phước hiện có hơn 171.000ha đất rừng và đất chưa có rừng thuộc quy hoạch 3 loại rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 55.000ha. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 54 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, giảm 16 vụ so với năm 2021. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 10 vụ vi phạm. Vào mùa khô, thời tiết ở tỉnh Bình Phước nắng nóng gay gắt, nên các hiện trạng rừng trên địa bàn địa phương này luôn có nguy cơ cháy từ cấp IV đến cấp V. Lực lượng kiểm lâm đã tập trung cao cho công tác PCCR. Phương châm là “phòng là chính, chữa cháy rừng phải khẩn trương, kịp thời, triệt để và an toàn”, với nguyên tắc “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “4 sẵn sàng” (sẵn sàng lực lượng, sẵn sàng phương tiện, sẵn sàng hậu cần, sẵn sàng chỉ huy). Bằng cách triển khai bài bản, khoa học, đồng bộ nhiều giải pháp nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.

Đức Trí
.
.
.