Đồng bào Stiêng và "bí quyết" giữ rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Thứ Tư, 09/12/2015, 10:39
Anh Điểu Đôn (29 tuổi, người Stiêng, ngụ thôn 5 xã Bù Gia Mập) nói: “Trước đây nhà tôi nghèo lắm nhưng từ khi được làm bảo vệ rừng, cuộc sống đã tốt hơn, không còn nghèo đói nữa”.

Ngày 8-12, ông Nguyễn Đại Phú – Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập - Bình Phước (giáp biên giới Vương quốc Campuchia) tỉnh Bình Phước cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý vườn đã chi trả hơn 5,5 tỉ đồng cho các đơn vị nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Nguồn chi trả thu từ tiền dịch vụ môi trường rừng do các cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất nước sạch và các tổ chức kinh doanh du lịch nộp.

Hiện nay hơn 25.000ha trên tổng diện tích hơn 25.700ha rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã được giao cho 13 đơn vị, trong đó gồm 9 cộng đồng thôn bản và 4 đơn vị bộ đội, biên phòng đóng chân trên địa bàn nhận khoán bảo vệ. 9 cộng đồng thôn bản với hơn 300 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Stiêng bản địa thuộc hai xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) có mức thu nhập bình quân từ 1,7-2,2 triệu đồng/hộ/tháng. 

Người dân nhận khoán dọn đường ranh phòng chống cháy rừng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

“Từ khi được giao cho các cộng đồng thôn bản nhận khoán, rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã được bảo vệ rất tốt. Tình trạng phá rừng làm rẫy, cháy rừng đã không còn. Trước đây mỗi năm xảy ra trên 2.000 vụ vi phạm lâm luật thì hiện nay đã giảm đến hơn 90%. Nạn săn bắt, bẫy thú chỉ còn xảy ra lẻ tẻ chủ yếu do người từ các địa phương khác đến xâm hại. Nhiều hộ trước khi tham gia vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng rất nghèo khó, thậm chí đói ăn nhưng nay trong số hơn 300 hộ tham gia không còn hộ nghèo. Việc đồng bào tham gia nhận khoán đã giảm áp lực vào rừng, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về pháp luật trong việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học” – ông Phú nói.

Anh Điểu Đôn (29 tuổi, người Stiêng, ngụ thôn 5 xã Bù Gia Mập) nói: “Trước đây nhà tôi nghèo lắm nhưng từ khi được làm bảo vệ rừng, cuộc sống đã tốt hơn, không còn nghèo đói nữa”. 

Anh Điểu Long (44 tuổi, thôn 5, xã Bù Gia Mập), trước đây là tay lâm tặc khét tiếng trong vùng. Đến năm 2004, sau khi một số đồng bọn bị bắt, xử tù, thấy nghề lâm tặc khó có đường sống nên anh Điểu Long từ bỏ. Năm 2005, anh Điểu Long tự nguyện xin vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng Bù Lư. 

Theo anh Điểu Long, mỗi quý các hộ được nhận lương một lần, tiền lương tính theo ngày công, một ngày tuần tra rừng được trả 150.000 đồng. Ai đi nhiều thì được cao, có hộ nhận hơn 10 triệu đồng/quý. 

Vườn quốc gia Bù Gia Mập được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học rất cao. Có nhiều loài động thực vật mang giá trị bảo tồn cho Việt Nam và thế giới. Vườn hiện có 17 loại thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam, 19 loài trong sách đỏ thế giới như: gõ đỏ, cầm lai, trầm hương, giáng hương,… Có 36 loài thú có tên trong sách đỏ Việt Nam và 32 loài trong sách đỏ thế giới như: voi, báo hoa mai, bò tót, gấu, sói đỏ, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, khỉ mặt đỏ, cu ly,… Có 10 loài chim có tên trong sách đỏ Việt Nam và 5 loài trong sách đỏ thế giới.

Đức Trí
.
.
.