An toàn giao thông đường thủy:

Tính mạng người dân vẫn bấp bênh trên sóng nước

Thứ Sáu, 10/06/2016, 09:48
Cho đến thời điểm này, vụ tai nạn lật tàu thương tâm ở sông Hàn (Đà Nẵng) vẫn khiến người dân nghẹn lòng. Cơ quan chức năng cũng đã có những biện pháp mạnh xử lý nghiêm chủ tàu, lái tàu cũng như đơn vị quản lý bến bãi.

Thế nhưng, nhiều câu hỏi được đặt ra, phải chăng chỉ khi tai nạn xảy ra, chúng ta mới giật mình về những nguy cơ vốn tồn tại từ lâu, những nguy cơ mất an toàn mà trước đó từ cơ quan quản lý đến người dân đều lơ là. Và sự thật, nhìn vào con số thống kê về phương tiện thủy chưa được cấp phép, số thuyền viên chưa có bằng lái, số bến bãi vẫn hoạt động chui… thì chắc hẳn mọi người sẽ thấy: Tai nạn vẫn đang thường trực!

Giao thông đường thủy còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Theo số liệu tổng điều tra phương tiện thủy năm 2007, tổng số phương tiện phải đăng ký là 444.142 phương tiện. Đến quý I/2016, tổng số phương tiện đã đăng ký được là 246.336 phương tiện. Như vậy, sau gần 10 năm, con số phương tiện đăng ký mới đạt 55,46%  trong tổng số phương tiện cần phải đăng ký.

Các phương tiện chưa đăng ký (còn hơn 197.000 phương tiện) chủ yếu là các phương tiện nhỏ hoạt động trong phạm vi hẹp tại các tuyến sông nhỏ, các cơ quan chức năng khó kiểm tra thường xuyên nên người dân đã không thực hiện việc đăng ký phương tiện. Không chỉ dừng lại ở phương tiện, vấn đề đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa cũng còn nhiều bất cập.

Cũng theo số liệu tổng điều tra năm 2007, tổng số người đã có bằng chứng chỉ chuyên môn (CCCM) là 51.656 người trên tổng số người cần có bằng CCCM là 974.263 người, đạt tỷ lệ 5,3%. Đến quý I/2016, tổng số giấy chứng nhận kỹ năng chuyên môn, CCCM được cấp là 334.974 chứng chỉ, đạt tỷ lệ 34,38% so với tổng điều tra năm 2007.

Trong đó, thuyền trưởng là 117.231 người, máy trưởng là 47.165 người, CCCM là 148.360 chứng chỉ, giấy chứng nhận học tập pháp luật là 22.218 chứng nhận. “Hiện nay, số phương tiện khi hoạt động cần có bằng thuyền trưởng khoảng 120.000 chiếc, như vậy, số lượng bằng thuyền trưởng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu xã hội”, đại diện Cục Đường thủy Việt Nam đánh giá.

Liên quan đến hoạt động của bến thủy, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng cho biết, hiện toàn quốc có 6.493 bến, bến được cấp phép hoạt động là 4.954 bến, đạt 76%. Số bến chưa được cấp phép hoạt động là 1.539 bến, trong đó bến hàng hóa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia: 2.943 bến có phép, 1.283 bến không phép; Trên tuyến đường thủy nội địa địa phương: 1.791 bến có phép, 256 bến không phép; Bến hành khách: 178 bến (42 bến trên tuyến ĐTNĐ quốc gia, 136 trên tuyến ĐTNĐ địa phương); Bến khách ngang sông: 2.283 bến, trong đó 1.898 bến được cấp giấy phép hoạt động, đạt tỷ lệ 83%.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thừa nhận còn nhiều lỗ hổng trong giao thông thủy, là những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cao.

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại như, nhiều Sở Giao thông vận tải của tỉnh chưa có bộ máy quản lý chuyên trách về hoạt động giao thông đường thủy nội địa, trong đó có công tác quản lý phương tiện thủy nội địa (trừ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh). Đến nay chỉ có 30/63 địa phương ban hành quy định phương tiện cỡ nhỏ (phương tiện được miễn đăng ký) theo quy định hiện hành.

Việc giao chủ tàu tự chịu trách nhiệm về quản lý thuyền viên, lập sổ danh bạ thuyền viên, sổ nhật ký phương tiện đối với phương tiện đi ven biển chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý dẫn đến chưa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, hạn chế nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như tác phong làm việc của thuyền viên.

Bên cạnh đó, hiện nay, trên cả nước có 224 cảng thủy nội địa hoạt động, trong đó, có 87 cảng hàng hóa, 126 cảng chuyên dùng; 11 cảng hành khách, 13 cảng tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài và 24 cảng thường xuyên có tiếp nhận tàu biển. Thế nhưng, số bến hoạt động chưa được cấp phép còn chiếm tỷ lệ cao (bến hàng hoá 28%, bến khách ngang sông 16%).

Tình trạng mở bến trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng, chính quyền địa phương chưa có các biện pháp xử lý kiên quyết, để giải tỏa các bến hoạt động trái phép theo quy định. Có nhiều bến trái phép nằm trong hành lang ATGT nhiều năm liền chưa được giải tỏa, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT còn phổ biến…

Từ năm 2005-2015, cả nước xảy ra 1.890 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 1.452 người, làm bị thương 218 người, chìm đắm 1.754 phương tiện; ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 2.240,9 tỷ đồng. So với những năm trước khi Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 có hiệu lực thi hành, số vụ tai nạn giảm đáng kể.

Trong quý I/2016: tai nạn giao thông ĐTNĐ xảy ra 23 vụ làm chết 8 người, bị thương 2 người so sánh với 3 tháng đầu năm 2015 số vụ không tăng, số người chết giảm 15 người (-65,22%), số người bị thương giảm 2 người (-50%), tuy nhiên xảy ra 3 vụ tai nạn ĐTNĐ tại cầu An Thái - Hải Dương, cầu Cơn Đô - Hà Tĩnh và cầu Ghềnh - Đồng Nai gây thiệt hại lớn về tài sản.

Phạm Huyền
.
.
.