Nhân rộng mô hình tổ tự quản về an ninh trật tự

Thứ Bảy, 04/06/2016, 08:15
Vài năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh tố giác tội phạm mà tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được giữ vững, mang lại cuộc sống yên bình cho người dân. Trong đó, hiệu quả nhất là mô hình tổ tự quản về ANTT…

Xã Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam) có đường liên xã Điện Hòa - Điện Phước chạy qua; có 2 cụm công nghiệp Trảng Nhật 1 và 2, nên người lao động từ các nơi về đây làm việc khá đông, gây không ít phức tạp về ANTT. Trước tình hình đó, Công an thị xã Điện Bàn phối hợp với Đảng ủy, chính quyền xã Điện Hòa chọn thôn La Thọ 2 làm điểm để xây dựng 6 tổ tự quản về ANTT… 

Dẫn chúng tôi đi thăm trạm gác tổ tự quản số 3, ông Hồ Đắc Tân, Trưởng thôn La Thọ 2, cho biết, thôn hiện có 393 hộ dân, với hơn 1.600 nhân khẩu. Từ ngày các tổ tự quản đi vào hoạt động, tình hình ANTT tại địa phương được giữ vững. 

“Người dân sẵn sàng đóng góp tiền để mua sắm công cụ hỗ trợ, quần áo, mũ, giày cho các tổ viên tự quản; sắm kẻng báo động và gần 80 bóng điện thắp sáng các nẻo đường. Hằng đêm, có 6 tổ viên túc trực tại một trạm gác tổ tự quản... Do phong trào này vì người dân mà có, do người dân đóng góp kinh phí duy trì hoạt động nên hoạt động rất hiệu quả. Chúng tôi rất tự hào khi thời gian gần đây, trong thôn không xảy ra tình trạng trộm cắp, đánh nhau, gây rối…”, ông Tân phấn khởi nói. 

Tại trạm gác tổ tự quản số 3, ông Nguyễn Văn Thơm, Tổ trưởng, cho biết tổ viên nhỏ tuổi nhất 24 tuổi, lớn là 65 tuổi. 

Các tổ viên tổ tự quản về ANTT ở xã Điện Hòa trao đổi công tác.

Theo quan sát của chúng tôi, ở điểm này có đầy đủ mũ cho các tổ viên; công cụ hỗ trợ; loa cầm tay; kẻng báo động; đặc biệt trên tường treo rất nhiều bằng khen của các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh. 

Ông Thơm chia sẻ, nhờ sự giúp sức của người dân mà tổ tự quản số 3 hoạt động rất sôi nổi; mọi người đều hào hứng tham gia nhằm góp sức mình vào việc giữ gìn ANTT thôn xóm. Việc tổ tự quản hoạt động hiệu quả cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc đấu tranh tố giác tội phạm và tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...

Từ 6 tổ tự quản ở thôn La Thọ 2, năm 2012, xã Điện Hòa tiếp tục nhân rộng mô hình, xây dựng thêm 30 tổ ở 7 thôn trên địa bàn. Rồi các xã khác ở thị xã Điện Bàn, như Điện Thắng Trung, Điện Thắng Bắc, Điện Hồng, Điện Phước, Điện Phong và 2 phường Điện Nam Đông, Điện Dương cũng đã xây dựng 32 tổ tự quản ở 32 thôn. Nhờ sự góp sức của người dân mà tại thị xã Điện Bàn, đến nay đã có 35 trạm gác ở các điểm xung yếu được xây dựng với kinh phí mỗi trạm từ 10-25 triệu đồng. 

Đặc biệt, mô hình tổ tự quản về ANTT tại thôn La Thọ 2 đã được Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an, giới thiệu trên toàn quốc để các địa phương khác nghiên cứu, vận dụng. Tuy mô hình tổ tự quản có tính tự phát, nhưng hoạt động rất chặt chẽ, có hệ thống tổ chức, quy chế hoạt động rõ ràng. 

Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, các tổ tự quản về ANTT của thị xã Điện Bàn đã tổ chức hàng trăm lượt tuần tra vào mỗi đêm tại các tụ điểm, địa bàn xung yếu về ANTT. Qua đó đã tham gia phối hợp với Công an thị xã kịp thời giải quyết hàng trăm vụ việc liên quan đến ANTT…

Có thể nói, mô hình tổ tự quản về ANTT triển khai ở thị xã Điện Bàn nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung, không chỉ góp phần làm giảm tội phạm và tệ nạn xã hội mà còn góp phần đem lại sự bình yên cho nhân dân, để mọi người yên tâm công tác và lao động sản xuất.                       

Các tổ viên tổ tự quản về ANTT ở xã Điện Hòa trao đổi công tác.

N.Thi
.
.
.