Nghị lực theo đuổi con chữ của cậu học trò không tay
- Cô học trò Bình Phước giành học bổng hơn 700 triệu đồng
- Thầy giáo trẻ “bám rừng”, lấy tiền lương nuôi học trò nghèo1
- Cậu học trò mồ côi trở thành thủ khoa Đại học Huế
Chúng tôi đến Trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Ái Nghĩa, tình cờ bắt gặp em Phan Trọng Hiếu đang nâng chiếc cặp sách nặng trịch bằng đôi tay đã bị mất cả hai bàn, nhọc nhằn bước từng bước khập khiễng để vào lớp học. Điều đó khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, xót xa…
Đến lúc giải lao giữa buổi học, trò chuyện với Hiếu, nghe em trải lòng về câu chuyện của đời mình, chúng tôi càng biết được nhiều hơn về những nỗi đau mà em phải gánh chịu.
Em Phan Trọng Hiếu dùng ống nhựa thay bàn tay để viết tiếp ước mơ con chữ của mình. |
Câu chuyện buồn của Hiếu bắt đầu vào một ngày tháng 11-2013. Em kể rằng, lúc đó, khi đang trên đường đi chăn bò trở về, em cùng hai người bạn đã phát hiện một vật có hình dạng rất lạ. Do tò mò, nên các em đã thay phiên nhau dùng đá đập thử chơi. Trớ trêu thay, khi đến lượt em đập thì một tiếng nổ vang trời đã vang lên, xé nát đôi tay lành lặn…
“Chúng tôi đau xót lắm, đâu nghĩ rằng số phận của con mình lại trái ngang như vậy. Ngày Hiếu không may gặp nạn, mọi người trong nhà đều dốc sức chữa chạy nhưng đôi tay của nó thì không còn nữa. Làm cha làm mẹ thấy con mình như vậy thì đau đớn lắm nhưng chẳng biết làm sao”, bà Nguyễn Thị Ngọc Đào (mẹ của Hiếu) sụt sùi nói.
Nhưng nỗi đau bom đạn sau chiến tranh chưa nguôi thì Hiếu đã phải gánh chịu thêm một nỗi đau khác. Sau khi ra viện, một lần Hiếu không may bị tai nạn khiến chân bị gãy, phải bắt 8 chiếc đinh sắt để gia cố phần xương. Từ đó, em không thể đi lại bình thường như trước nữa, chỉ có thể bước đi khập khiễng một cách đầy khó khăn.
Hơn nửa năm tạm gác sự học, Hiếu quyết tâm trở lại mái trường trong sự động viên của gia đình và bà con lối xóm. Ngày em trở lại, dù đôi tay đã lành vết chỉ, đôi chân đã bớt đau hơn. Song lúc này, một khó khăn rất lớn khiến cho em không ngừng trằn trọc mãi. Hiếu đã không còn đôi tay…
Thấu hiểu được nỗi đau đó, chị gái của Hiếu đã nảy ra một sáng kiến để giúp đỡ cho em trai. Rồi với sự trợ giúp của người cha, một cây bút “đặc biệt” đã được ra đời và dần trở thành trợ thủ đắc lực cho Hiếu mỗi khi đến trường. Đó là một chiếc ống nhựa dài gần 10cm và được đục 2 lỗ vừa vặn với thân bút. Sau khi xâu bút vào lỗ, Hiếu sẽ dùng tay để giữ thân bút được cố định rồi từ từ viết chữ trở lại.
“Hồi mới làm quen với cái này em thấy không được quen, chỗ đầu cổ tay đau nhức nhiều lắm. Những lúc không ghi được bài thì thầy cô và các bạn trong lớp thường xuyên giúp đỡ, ghi bài giúp cho em. Rồi khoảng cỡ nửa tháng thì em mới thích nghi được với nó và nửa năm sau thì em viết được thành thạo”, Hiếu tâm sự.
Cho dù chỉ là vật vô tri, nhưng đối với Hiếu, cây bút “đặc biệt” ấy như có linh hồn. Thấm thoắt đã gần hai năm, dù ở nhà hay tại trường, dẫu trời nắng hay mưa thì nó luôn đồng hành bên cạnh, giúp cho Hiếu vững vàng bước tiếp trên con đường học tập và theo đuổi ước mơ. Đặc biệt là trong việc theo đuổi ước mơ làm họa sĩ mà em hằng mơ ước.
Hiếu thổ lộ rằng, em có niềm say mê đặc biệt với hội họa và mong ước được làm họa sĩ. Và khi học vẽ, em cũng thích nhất là chủ đề vẽ ước mơ, vì lúc đó sẽ được tự do vẽ những gì mà ngày thì thích làm, đêm hay mơ thấy.
Hàng ngày, ngoài những giờ lên lớp, em lại cần mẫn rèn luyện với cây bút đặc biệt của mình. Và, dù cho bom đạn đã nhẫn tâm cướp mất của Hiếu đôi bàn tay, nhưng chẳng thế đánh mất cái duyên, cái tình của em với niềm đam mê hội họa.
Những nét vẽ của Hiếu dù có thể chưa được điêu luyện như xưa nhưng tác phẩm của em không lúc nào thiếu vắng linh hồn nghệ thuật. Bởi nó không chỉ bao gồm kỹ nghệ, năng khiếu mà còn chứa đựng sự kiên trì, nỗ lực bền bỉ của cậu bé này suốt mấy năm qua… Bài học về nghị lực vươn lên khỏi nghịch cảnh của Hiếu thật đáng cho thế hệ trẻ khâm phục và noi theo…
Thầy giáo Trần Hữu Nghị không giấu được niềm cảm xúc nói rằng, Hiếu là một trong số học sinh ham học và năng nổ trong mọi hoạt động của nhà trường. Dù từng gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống, nhưng các em đã từng bước đấu tranh với mặc cảm, phấn đấu đến trường để được học và vui vẻ chia sẻ về ước mơ sau này. Điều đó làm cho giáo viên và học sinh nhà trường càng cảm phục, yêu mến em hơn…