Thầy giáo trẻ “bám rừng”, lấy tiền lương nuôi học trò nghèo

Thứ Tư, 28/09/2016, 10:55
Từ ngày tốt nghiệp ra trường cách nay hơn 10 năm, thầy giáo Nguyễn Quốc Thắng (35 tuổi) quyết định bám trụ nơi “thâm sơn cùng cốc” để dạy học cho trẻ em nghèo vùng Bảy Núi (An Giang). Riêng những học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thầy Thắng bỏ tiền lương của mình ra để nuôi cơm, mua sách vở, quần áo… giúp đỡ các em.


“Bám rừng”… dạy chữ

Năm 2005, tốt nghiệp ngành Cao đẳng Sư phạm tiểu học (Trường ĐH An Giang), thầy giáo trẻ Nguyễn Quốc Thắng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), một mình lên vùng Bảy Núi nhận công tác. Điểm Trường Tiểu học “B” An Hảo (ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang), nằm ở thung lũng giữa 2 ngọn núi (núi Dài và núi Cấm), xung quanh là rừng. Sau khi được Ban Giám hiệu nói về khó khăn mà nhà trường cũng như những học sinh nơi đây đang gặp phải, những tưởng thầy giáo trẻ sẽ “chạy mất dép”. 

Tuy nhiên, với tâm huyết, sự đồng cảm của mình, thầy Thắng đặt bút ký hợp đồng gắn bó cùng nhà trường với mức lương chưa đến 1 triệu đồng/tháng, chấp nhận cảnh không điện, không đường đi, không trạm xá, không nước sạch… soạn giáo án bằng đèn dầu leo lét. Những ngày đầu xa nhà, tiếng ếch nhái, côn trùng gọi nhau buổi tối, khiến cho nhiều đồng nghiệp của anh phải từ giã nơi “rừng thiêng nước độc” này. 

Nhớ lại, thầy Thắng cười: “Lúc đó, nhà ở của giáo viên được tận dụng từ văn phòng ấp đã xuống cấp. Mỗi khi về quê thăm nhà, phải dùng chanh, xả bôi lên mùng, mền nhằm đuổi rắn. Có hôm đang ngủ rắn rơi trúng người… Còn trời mà mưa thì chỉ biết đợi tạnh, xong ra ruộng mà nhặt dép. Giờ thì đỡ rồi”.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Thắng luôn hết lòng vì học trò nghèo.

Theo người dân địa phương, vùng này bốn bề là núi. Nếu có lốc xoáy thì khủng khiếp lắm, cứ va vào các dãy núi lẩn quẩn không ra được. Còn trời mưa thì như trút nước, có hôm hai ba ngày không tạnh, ngày hè thì nắng như thiêu đốt… Khó khăn là vậy, nhưng theo thầy Thắng, cái mà “giữ chân” thầy ở lại là sự ngoan ngoãn của học sinh, nhìn các em rụt rè mà thương lắm. 

Vừa rồi, vì muốn học trò của mình có cơ hội tiếp xúc với công nghệ thầy Thắng tìm mua một chiếc tivi “nghĩa địa” về cho các em học tập bằng giáo án điện tử. Nghỉ hè, các giáo viên khác về quê thăm nhà, còn thầy Thắng vẫn lủi thủi ở lại trường dạy thêm, bổ sung kiến thức miễn phí cho học sinh. 

“Học sinh nơi đây thiệt thòi lắm, chỉ được học trên lớp, khi về nhà thì phải theo cha mẹ đi nương, rẫy không có thời gian để học bài. Vì vậy, mình luôn muốn bù đắp, bồi dưỡng kiến thức cho các em” – thầy Thắng, chia sẻ.

Lấy lương nuôi học trò nghèo

Những năm qua, ngoài việc dạy thêm miễn phí cho học trò, thầy Thắng còn nhận nuôi 4 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng chính đồng lương ít ỏi của mình. Sáng dậy, thầy Thắng tranh thủ mua đồ ăn chuẩn bị các món để thầy trò cùng ăn rồi đến lớp. 

Buổi trưa, tranh thủ cho các em ăn cơm rồi nghỉ ngơi để buổi chiều học tiếp. Thầy còn mua sẵn chiếu, gối, cho các em để nghỉ trưa. Dịp khai giảng, thầy Thắng mua tập, sách, quần áo, để chuẩn bị cho các “con” của mình bước vào năm học mới. 

“Gia đình chúng tôi mang ơn thầy Thắng nhiều lắm, nếu không có thầy thì 2 đứa cháu của tôi (Trần Quốc Bảo, 9 tuổi), Trần Quốc Chí, 7 tuổi), phải nghỉ học. Cha mẹ chúng nó bỏ nhau, tôi thì già cả, không lo nổi cho chúng bữa cơm, may mà thầy Thắng nhận nuôi, rồi mua quần áo, tập, sách cho chúng đến trường. Tết vừa rồi, trước khi về quê, thầy còn mua cho các cháu 2 bộ quần áo mới tinh. Ông cháu tôi mang ơn thầy Thắng nhiều lắm” – ông Trần Quốc Khánh (61 tuổi, ấp Rò Leng, xã Châu Lăng), xúc động cho biết.

Sống hết mình vì học trò, nên sau hơn 10 năm làm nghề “gõ đầu trẻ” thầy Thắng không một xu dính túi. Để mua được chiếc laptop soạn giáo án điện tử dạy cho học trò, thầy Thắng phải đi vay ngân hàng. 

Ông Trần Văn Dũng, Phó trưởng ấp Tà Lọt, cho biết: “Nơi đây người dân còn khó khăn, để các cháu được đến trường, thầy Thắng phải len lỏi theo đường mòn lên núi, vào nhà các em động viên, cũng như tìm cách giúp đỡ gia đình vượt lên khó khăn nhằm tạo điều kiện cho con em đến lớp. Ngoài ra, thầy còn bỏ tiền ra nuôi cơm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đây là điều hiếm thấy ở một thầy giáo trẻ”. 

Cô Lê Thị Bích Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học B An Hảo, nhận xét: “Thầy Thắng là một trong những giáo viên tâm huyết với nghề, hòa đồng với đồng nghiệp, hết lòng vì học sinh nghèo. Nhà trường nhiều lần đề bạt thầy Thắng làm Tổ trưởng chuyên môn và đề xuất khen thưởng “Người tốt, việc tốt”, nhưng thầy Thắng luôn từ chối”.

Chia tay thầy Thắng, chúng tôi hỏi chuyện riêng tư: Khi nào thầy lập gia đình? Nhìn sang mấy đứa “con” của mình, thầy cười: “Cũng muốn lắm chứ. Nhưng khi mình lập gia đình rồi mấy đứa nhỏ sẽ ra sao? Hay phải bỏ lớp, bỏ trường… Đây là một phần cuộc sống của tôi”…

Trần Lĩnh
.
.
.