Máu và nước mắt vì lao động chui ở nước ngoài

Thứ Ba, 02/08/2016, 09:05
“Một ngày bây giờ sao dài thế!”, nhắc đến con tử nạn khi lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc, chị Phạm Thị Hạnh (trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) nước mắt lưng tròng, còn người cha tuy cứng cỏi hơn nhưng nỗi đau như lặn vào trong. Cùng lúc, gia đình mất đi hai người thân. Trong vụ tai nạn thương tâm xảy ra nơi đất khách quê người, con trai duy nhất của chị gái chị cũng thiệt mạng...



Khi chúng tôi viết bài báo này thì hai người mẹ mất con, hai chị em ruột trong cùng một gia đình, chị Phạm Thị Hồng (46 tuổi) và em gái là Phạm Thị Hạnh (43 tuổi) đã hoàn tất được tâm nguyện của họ là đưa hai người thân về an táng tại quê nhà.

Khung cảnh xung quanh từ giếng nước, ruộng nương đến những vật dụng trong gia đình..., tất cả đều gợi nhắc cho chị Phạm Thị Hạnh nhớ đến cậu con trai xấu số đã bỏ mạng nơi đất khách quê người. 

“Mấy năm nay, cháu đi làm đã giúp đỡ được bố, mẹ. Cháu chỉ mơ có được một căn nhà mới khang trang... Ước mơ vừa được hoàn thành thì không ngờ tai họa lại ập xuống đầu chúng tôi”, chị Hạnh nói trong nước mắt. 

Nỗi đau của người phụ nữ ấy nhân lên gấp bội phần khi người cháu trai cũng ra đi, bỏ lại người mẹ góa bụa. Nước mắt sụt sùi, chị Hạnh kể lại: Vợ chồng lấy nhau khi còn hai bàn tay trắng, con trai chị cháu Đào Anh Dũng (20 tuổi) vì thế cũng thiệt thòi hơn so với đám bạn cùng trang lứa. Học hết lớp 9, con trai chị buộc phải ở nhà làm thuê, làm mướn giúp đỡ bố mẹ trang trải kinh tế gia đình. 

Dũng là người tình cảm, cháu thường gần gũi tâm sự với mẹ. Những lúc hai mẹ con ở bên nhau, Dũng thường tâm sự muốn có được một căn nhà khang trang; rồi được mẹ đưa xuống Bệnh viện Da liễu Trung ương để chữa trị vết bớt trên mặt. 

Chị Phạm Thị Hạnh cùng những người thân trong gia đình đau đớn kể về nỗi mất mát của gia đình.

Sau bao năm tần tảo, chắt chiu, vợ chồng chị cũng vừa xây được căn nhà đổ bê tông một tầng khang trang. Trước ngày xảy ra sự việc trên, chị Hạnh và chồng cũng đang chuẩn bị cho cô con gái về nhà chồng, vậy mà. Khoảng tháng 2-2016, Dũng nói với vợ chồng chị sang Trung Quốc làm thuê. Cùng đi với con trai chị có cháu Nguyễn Hoàng Thanh (21 tuổi), con trai thứ của người chị gái nên chị Hạnh và chồng yên tâm hơn.

Dũng đi làm được nửa năm, ngày nào hai mẹ con cũng nói chuyện với nhau qua zalo. Dũng kể rằng cậu cùng anh con nhà bác ruột là Nguyễn Hoàng Thanh cùng làm việc ở một xưởng sản xuất giày dép. Dũng làm ở bộ phận đóng đế giày, mức lương cao hơn những người khác, khoảng 3000 NDT một tháng nhưng công việc rất vất vả. 

Những lúc hai mẹ con nói chuyện với nhau, chị ứa nước mắt khi nghe con trai kể rằng bàn tay của Dũng bị phồng rộp, đau nhức. Chị khuyên con trai và cháu về nhà nhưng con trai chị bảo cố gắng làm đến hết tháng thì sẽ về. Cho đến ngày 29-6, khi gia đình chị nhận được tin dữ. 

Cùng với sự giúp đỡ của lực lượng Công an và chính quyền địa phương, gia đình chị đã liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc, làm các thủ tục liên quan. “Cháu đã mất rồi thì cũng phải được nhìn mặt lần cuối”, những ngày mòn mỏi chờ con, chị Hạnh chẳng chợp được mắt. 

Những câu nói của cậu con trai cứ văng vẳng bên tai: “Nếu lần này về thì con sẽ làm hộ chiếu để sang nước ngoài lao động”. Dũng kể lại với mẹ rằng thời gian gần đây, Công an Trung Quốc làm mạnh tay và chủ người Trung Quốc sử dụng lao động rất khắt khe nên Dũng và những người lao động khác không được ra bên ngoài...

“Chúng tôi không lường trước được sự việc sẽ xảy ra, khi biết thì đã quá muộn. Sự việc xảy ra quá thương tâm, cả chị và em cùng mất con, nỗi đau không có bút nào tả xiết”, ngồi thẫn thờ trước hiên nhà, anh Đào Văn Giang, bố đẻ của nạn nhân Dũng ngậm ngùi chia sẻ. 

Gần nửa năm đi làm, Dũng chỉ gửi được cho vợ chồng chị Hạnh 6 triệu đồng. Cuộc sống nơi đất khách quê người thật vô cùng thiếu thốn. Dũng không ăn được cơm ở xưởng nên sau một ngày làm việc vất vả, cháu lại lụi hụi tự nấu cơm... 

Nghe con kể chuyện, vợ chồng chị đã bảo Dũng về nhà nhưng cháu Thanh lại bảo với dì ruột: “Có con ở đây, dì đừng lo lắng gì. Hai anh em sẽ bảo ban nhau cùng làm ăn”. Hai mươi năm lặn lội nuôi con giờ đột ngột mất. Những lúc cùng quẫn, chị Hạnh chỉ muốn chết đi cùng con. Khi ấy, con gái chị lại ôm mẹ vào lòng mà nói rằng, mẹ mất rồi con ở với ai. 

Những ngày này, vợ chồng ông Phạm Văn Lắm, bố đẻ của chị Hạnh và Hồng cũng già sọm hẳn đi. Hai đứa cháu ngoại từ nhỏ đến lớn đều do một tay bà nâng niu, chăm bẵm... Nay cùng lúc mất đi khiến bà suy sụp hẳn. Gắng gượng nỗi đau, hai ông bà chia nhau, ông thường xuyên túc trực ở nhà cô con gái lớn còn bà thì ở cùng vợ chồng người con gái thứ hai. 

Đến thời điểm này, trong gia đình chỉ có ông Lắm bình tĩnh hơn cả để giúp các con lo hậu sự... Gặp chúng tôi, ông Lắm chia sẻ: Ông có 12 con, chị Hồng là lớn, Hạnh là con thứ hai. Cũng vì hoàn cảnh, các con ông chỉ học hết tiểu học rồi ở nhà làm ruộng, làm vườn, cuộc sống kinh tế rất khó khăn. Đây cũng là điều ông Lắm luôn cảm thấy ân hận... 

Trong số các con, ông thương chị Phạm Thị Hồng hơn cả. Chồng mất từ khi con còn nhỏ, chị một nách nuôi hai đứa con một trai, một gái. Thương con gái vất vả, ông bà cố giúp con dựng được một nếp nhà bằng gỗ xoan, cũng là mua lại của một nhà trong xóm rồi chăm nom hai đứa cháu ngoại. 

Ngày 27-6, các con và cháu trong gia đình đều tụ tập tại nhà ông để gặt lúa. Khi ấy, người em trai của họ nhận được điện thoại báo tin cháu Dũng và Thanh bị tử vong do bị đuối nước. Lúc nghe tin ấy, chị Hồng không tin đó là sự thật.

 Đó chỉ là một trong nhiều vụ việc thương tâm do xuất cảnh lao động trái phép xảy ra trên địa bàn huyện Hạ Hòa trong những tháng đầu năm 2016. Trước đó, vào ngày 20-2, anh Hoàng Văn P (29 tuổi, HKTT tại khu 9, xã Hà Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) đi lao động trái phép ở Trung Quốc cũng bị tử nạn. Gia đình sau đó đưa về mai táng tại địa phương vào ngày 22-2. 

Tiếp đó, vào ngày 2-3, anh Hà Công T (23 tuổi, trú tại xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa) đi lao động trái phép tại Trung Quốc, bị tử vong rồi đưa về mai táng tại địa phương. Cả 2 trường hợp nêu trên đều được gia đình khai báo chết ở tỉnh Lạng Sơn nhưng qua xác minh thì xác định đều tử vong ở nước ngoài. 

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Đức Đồng, Phó trưởng Công an huyện Hạ Hòa cho biết: Từ năm 2011 đến tháng 6-2016, trên địa bàn huyện có 1114 công dân xuất cảnh trái phép sang nước ngoài lao động với nhiều lý do như kinh tế, lao động và kết hôn. 

Hình thức xuất cảnh chủ yếu đi theo một số đối tượng địa phương đã đi Trung Quốc nhiều năm hoặc bắt xe lên khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh lao động thấp, giá khoảng 3-5 triệu đồng, có thể trả ngay hoặc trừ vào tiền lương lao động sang Trung Quốc... 

Trong những năm qua, Công an huyện Hạ Hòa ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về thủ đoạn của đối tượng gây án đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khởi tố 5 trường hợp có hoạt động đưa, dẫn người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. 

Điển hình trong số đó, có trường hợp của đối tượng Bùi Thị Vân Tùng (49 tuổi, trú tại khu 9, xã Động Lâm, huyện Hạ Hòa). Lợi dụng việc đưa người tìm kiếm việc làm, đối tượng đã có hành vi lừa hai phụ nữ sang Trung Quốc bán...

Xuân Mai
.
.
.