“Đoạn trường” lao động chui nơi đất khách

Chủ Nhật, 17/04/2016, 07:41
Không có công ăn việc làm ổn định cộng với thiếu hiểu biết, thời gian gần đây trên địa bàn huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), nhiều người dân đã nghe theo lời rủ rê của bạn bè, người thân sang Trung Quốc lao động chui.

 

Do không có giấy tờ tuỳ thân, cũng không theo một cơ quan, tổ chức xuất khẩu lao động nào nên họ phải đối mặt với nhiều rủi ro, hệ lụy. Người may mắn thì cũng kiếm được số vốn nhưng không ít người trở về tay trắng.

Gia đình anh Lò Văn Quân, chị Lò Thị Hương ở bản Phiêng Cành, xã Tân Lập là một ví dụ tiêu biểu. Anh chị nghe theo bạn bè nên đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm công nhân từ tháng 6-2015. Sau 5 lần chuyển công ty với thời gian làm việc một ngày từ 11 đến 12 tiếng đồng hồ, đến 28 Tết Bính Thân vừa rồi họ mới về được đến nhà với số tiền công ít ỏi vì đã bị môi giới chiếm đoạt. 

Không may mắn như gia đình anh Quân, gia đình ông Lường Văn Ngoạn, bà Lò Thị Xóm ở cùng bản lại rơi vào tình trạng “khóc dở, mếu dở” vì có 1 con gái, 1 con dâu và 2 đứa cháu ngoại trốn đi Trung Quốc làm ăn từ sau Tết Nguyên đán đến giờ vẫn không có tin tức gì, trong lúc hai ông bà ở nhà thì không ai chăm sóc… 

Ông Ngoạn lo lắng cho biết: “Chúng nó trốn đi lúc nào không biết. Đã thế lại mang theo cả cháu ngoại mới có hơn chục tuổi. Tôi lo lắm, không biết sang bên đó, chúng nó sẽ làm gì, làm việc xấu hay tốt tôi cũng không biết. Hai vợ chồng già ở nhà lo đến nỗi không thiết ăn uống, khóc suốt ngày”.

Công an huyện Mộc Châu tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về xuất nhập cảnh.

Qua tìm hiểu được biết, số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc này thường đi tự do theo nhóm nhỏ, không có cơ quan, đơn vị nào tổ chức, tất cả đều không làm thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật. Số này chủ yếu do bạn bè, người quen giới thiệu sang đó làm thuê công việc nhàn hạ với mức lương cao. 

Nhưng thực tế họ phải làm những công việc nặng nhọc, không đúng như trong hợp đồng lao động, bị bóc lột, ngày làm hơn 10 giờ đồng hồ nên nhiều người tìm mọi cách để trở về quê hương. Nhưng cũng có một số ít may mắn lại kiếm được tiền. Vì thế, việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn đang trở thành chủ đề nóng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Mộc Châu. 

Theo thống kê, trên địa bàn toàn huyện Mộc Châu có khoảng gần 150 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, riêng bản Dọi, xã Tân Lập chỉ trong vòng 1 tháng đã có tới 26 người xuất cảnh trái phép.

Ông Hà Văn Huy, Chủ tịch HĐND xã Tân Lập, huyện Mộc Châu cho biết: Đảng ủy, HĐND, UBND cũng đã kịp thời chỉ đạo lực lượng Công an xã nắm bắt tình hình, báo cáo Công an huyện Mộc Châu, đề nghị Công an huyện Mộc Châu phối hợp giúp chính quyền địa phương về tình trạng xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc để làm thuê. Công an huyện cũng quan tâm, phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực xuất nhập cảnh trái phép tại bản Dọi 1. Đây cũng là một việc làm hết sức thiết thực và được đông đảo bà con nhân dân đến tham dự, nghe và ủng hộ rất cao.

Để ngăn chặn tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, lực lượng Công an huyện Mộc Châu và chính quyền địa phương ngoài việc tổ chức tuyên truyền tập trung đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho người dân, vận động nhân dân chấp hành đúng quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và xuất khẩu lao động. 

Thượng tá Thái Thọ Vinh, Phó Trưởng Công an huyện Mộc Châu cho hay: Trước tình hình người dân trên địa bàn xã Tân Lập xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản có liên quan để chỉ đạo công tác tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân về các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, đồng thời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và công tác nghiệp vụ cơ bản nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Minh Phong
.
.
.