Lặng lẽ trên hành trình tìm hài cốt đồng đội

Chủ Nhật, 29/05/2016, 14:09
Ông Lê Ngọc Liên - một cựu binh đã bỏ nhiều thời gian đi tìm hài cốt đồng đội hy sinh trong chiến tranh, cất công liên hệ cơ quan chức năng, đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho đồng đội mình sau 42 năm.


Tình cờ trong cuộc tiếp xúc với một số cựu chiến binh đã trải qua một thời hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Phú Yên, tôi nghe câu chuyện đậm chất nhân văn về ông Lê Ngọc Liên, 60 tuổi, trú ở khu phố 3, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa (Phú Yên) - một cựu binh đã bỏ nhiều thời gian đi tìm hài cốt đồng đội hy sinh trong chiến tranh. Trong hành trình đó, ông Liên đã cất công liên hệ cơ quan chức năng, đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho đồng đội mình sau 42 năm.

Vốn là người con sinh trưởng trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng, năm 16 tuổi, ông Liên thoát ly lên chiến khu và nhập ngũ vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 9, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên từ tháng 3-1972. 

Ông Liên nhớ lại: “Tiền thân Tiểu đoàn 9 thành lập ngày 3-2-1965 ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đảm nhiệm huấn luyện cán bộ chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam. Một tháng sau khi Tiểu đoàn 9 hành quân vào Quảng Ngãi, Bình Định, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng vào tháng 9-1965, thì Tiểu đoàn 9 được bổ sung vào Trung đoàn 22, Sư đoàn 3. 

Sau hơn một năm kiên cường chiến đấu, lập nhiều chiến công trong những trận đánh ác liệt với Sư đoàn Không vận số 1, Lữ đoàn Kỵ binh thiết giáp 173, Sư đoàn 2 cùng nhiều binh chủng khác của Mỹ-ngụy, cuối năm 1969, Tiểu đoàn 9 được bổ sung về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, tiếp tục lập thêm nhiều chiến công mới. 

Những năm 1970-1974, Tiểu đoàn 9 đã chiến đấu hàng chục trận đánh ác liệt ở các huyện Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân và đặc biệt là trong chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh năm 1975, Tiểu đoàn 9 phối hợp nhiều lực lượng truy chặn, bẻ gãy cuộc rút lui chiến lược của địch từ Tây Nguyên xuống Đường 5, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam”. 

Ông Lê Ngọc Liên, người đi tìm kiếm hài cốt, đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho đồng đội.

Ngừng một lát, ông Liên kể tiếp: “Trong số đồng đội của tôi thời đó có anh Trần Chung, sinh năm 1942, quê ở thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định, huyện Tuy Hòa 2 (nay là huyện Phú Hòa, Phú Yên). Anh Chung thoát ly lên chiến khu từ tháng 2-1965, khi tôi chưa nhập ngũ thì anh Chung đã bị địch bắt đày ra Côn Đảo vào năm 1968. Đến năm 1973, phía địch trao trả anh Chung. Từ đó anh về Đại đội 4, Tiểu đoàn 9 đóng quân tại vùng 1, xã An Xuân, huyện Tuy An (Phú Yên)”.

Nghe tôi hỏi về trường hợp hy sinh của ông Trần Chung, ông Liên nhớ lại: “Khi Tỉnh đội Phú Yên triển khai chiến dịch đánh chiếm Chi khu Xuân Phước, huyện Đồng Xuân của địch, ngày 23-7-1974, Đại đội 4, Tiểu đoàn 9 được lệnh hành quân từ xã An Xuân, huyện Tuy An chiếm giữ cao điểm 382 để tạo điều kiện cho khẩu đội cối 82 ly nã đạn chặn đứng các cuộc hành quân của địch, hỗ trợ cho bộ binh đánh chiếm thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân. 

Trong lúc hành quân vượt qua triền đồi ở Phước Lộc để lên cao điểm 382, anh Chung vướng mìn Claymore của địch và đã hy sinh vào chiều 25-4-1974. Tôi cùng một số đồng đội mai táng cho anh rồi tiếp tục hành quân chiến đấu”.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Liên được điều chuyển về Sư đoàn 4, Quân khu 5 đóng quân tại tỉnh Thuận Hải trước đây. Đến tháng 12-1977, ông Liên xuất ngũ trở về quê nhà và đang đảm nhiệm Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố 3, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa. 

Tất bật giữa đời thường lo toan cơm áo trong cuộc mưu sinh vất vả hàng chục năm trời, đến cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước, ông Liên mới cùng một số đồng đội cũ khoác ba lô ngược xuôi đến nhiều “vùng đất thép” trong chiến tranh ở địa bàn các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An và thị xã Sông Cầu tìm kiếm một số hài cốt liệt sĩ là đồng đội của mình năm xưa, trong đó có ông Trần Chung. 

Hài cốt nhiều đồng đội cũ như Bùi Văn Mo (quê ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình); Thiều Ngọc Bào (quê ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa)... lần lượt được ông Liên cùng đồng đội tìm thấy đưa về quê nhà, nhưng hài cốt ông Chung vẫn chưa tìm thấy do nơi chôn cất đã biến đổi quá nhiều. 

Ông Liên tâm sự: “Day dứt sau nhiều chuyến đi bất thành, tôi tìm về quê nhà anh Chung và điều bất ngờ khiến cho tôi cảm nhận mình là người có lỗi khi đồng đội năm xưa hy sinh 42 năm vẫn chưa được làm thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ. Nhiều lần tôi tìm đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, tra cứu hồ sơ lưu trữ với sự trợ giúp tích cực của Ban Chính sách. Rất may là trong một tập vở học sinh do bộ phận chính sách Tiểu đoàn 9 ghi lại tên tuổi của những cán bộ chiến sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ có tên anh Trần Chung. 

Với trách nhiệm nhân chứng lịch sử và nghĩa tình đồng đội, giữa tháng 10-2015, tôi đã viết giấy xác nhận trường hợp hy sinh của anh Chung để UBND xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa lập thủ tục đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ. 

Khi PV tìm hiểu vụ việc giữa tháng 5-2016, được biết Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên đã chuyển toàn bộ hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ đối với chiến sĩ Trần Chung đến Quân khu 5 để cơ quan này thẩm tra và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Khép lại câu chuyện, ông Liên bày tỏ: “Tôi sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm hài cốt anh Trần Chung, nhưng mong sao cơ quan chức năng sớm truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho anh ấy. Đó cũng là nén hương tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến”.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.