Đề nghị hạn chế cấp phép khai thác cát trên các sông Vu Gia và Thu Bồn
- Cần sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc trong việc cho phép khai thác cát sông Vu Gia
- Thủy điện giảm xả nước về hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn
Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) hiện có 17 đơn vị được cấp phép khai thác cát với 19 mỏ cát. Việc khai thác cát tập trung tạo nguy cơ biến đổi dòng chảy của sông Vu Gia và sông Thu Bồn chảy qua địa phương; ngoài ra việc vận chuyển cát của các doanh nghiệp cũng góp phần làm cho đường sá mau xuống cấp…
Sông Vu Gia khu vực Hà Nha, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, là một trong những nơi tập trung nhiều đơn vị được cấp phép khai thác cát. Tại đây, hằng ngày máy múc, xe tải hoạt động tấp nập. Thời gian gần đây, do nhu cầu cát xây dựng lớn nên nhiều xe tải về đây vận chuyển cát khiến cho tình trạng ùn tắc xảy ra.
Việc vận chuyển cát xây dựng từ các mỏ cát ra đường ĐT609 một thời gian dài đã gây ô nhiễm môi trường. Nghiêm trọng hơn, chỉ vài năm trở lại đây đã có 4 người dân địa phương thiệt mạng do “sụp chớn” tại các điểm mỏ trên địa bàn.
Xe múc, xe tải chở cát hoạt động nhộn nhịp tại sông Vu Gia, khu vực Hà Nha, xã Đại Đồng. |
Việc các doanh nghiệp hút cát dưới dòng sông đã gây nên nguy cơ biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Trên thực tế, ở thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có hàng chục thủy điện đã và đang được xây dựng. Nếu trước khi có sự xuất hiện của các nhà máy thủy điện, mỗi khi đến mùa mưa lũ thì lượng cát sẽ theo dòng nước từ thượng nguồn đổ về.
Nhưng, việc xây dựng các hồ đập thủy điện đã làm cản trở lượng cát về với hạ du. Do đó, việc hàng chục đơn vị tiến hành hoạt động hút cát dưới lòng sông với khối lượng hàng trăm nghìn mét khối cát mỗi năm chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến dòng chảy. Chính vì vậy mà người dân thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong kịch liệt phản đối hoạt động của 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại đây.
Ông Lương Văn Dương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mỹ Hảo, cho biết người dân địa phương lo lắng, cho rằng việc khai thác cát sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông Vu Gia, dẫn đến hậu quả làm sạt lở làng, xóm; đất sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Vì thế, dù chính quyền huyện Đại Lộc đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân để tìm hướng tháo gỡ vướng mắc, song họ vẫn không chấp nhận để 3 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác cát trở lại.
Thêm vào đó, việc xe tải các đơn vị vận chuyển cát đã khiến nhiều tuyến đường bị xuống cấp, hư hại. Con đường ĐT609B đi qua xã Đại Hòa, nhiều đoạn đầy ổ gà, ổ voi; tuyến đường ĐT609 đoạn đi qua địa bàn thị trấn Ái Nghĩa cũng xuất hiện nhiều điểm hư hỏng…
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, thừa nhận đúng là việc cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn huyện là “hơi nhiều”.
“Vài năm gần đây, đối với hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn không xuất hiện lũ nên biến động dòng chảy sau khai thác cát không có biểu hiện rõ. Năm 2016 này, chúng tôi dự báo với việc khai thác cát như thế này, khi có lũ xảy ra thì dòng chảy sẽ có biến động lớn, nhất là một số lưu vực đang tập trung nhiều mỏ khai thác cát như ở Hà Nha (xã Đại Đồng), khu vực Giảng Hòa (xã Đại Thắng)”, ông Mẫn nhận định.
Trước thực trạng trên, huyện Đại Lộc đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam nên hạn chế cấp phép mới để tập trung kiểm tra, giám sát các mỏ đã được cấp phép hoạt động tốt. Việc cắm mốc địa giới mỏ cũng được huyện Đại Lộc triển khai cụ thể, các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tiến hành cắm mốc khu vực mỏ, có biển tên của từng công ty; đồng thời giao ngành chức năng và địa phương tăng cường công tác giám sát hoạt động của các mỏ cũng như vị trí mỏ, độ sâu được cấp phép khai thác cát...