Cần sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc trong việc cho phép khai thác cát sông Vu Gia

Thứ Ba, 05/07/2016, 10:55
Ông Lê Văn Thu, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV 18-4, cho biết từ ngày 10-5-2015, công ty bắt đầu đi vào hoạt động khai thác cát sỏi để làm vật liệu xây dựng thông thường nhưng được khoảng 1 tháng thì người dân thôn Mỹ Hảo cản trở việc khai thác, do lo sợ hoạt động khai thác cát sỏi sẽ gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của họ...

Theo đơn ông Nguyễn Tuấn (51 tuổi, trú thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) gửi đến Công an huyện Đại Lộc và Công an xã Đại Phong: Vào khoảng 21h tối 8-6, khi đang uống nước tại nhà hàng xóm thì ông Tuấn thấy vợ hớt ha hớt hải chạy đến bảo có ông Trần Lực cùng thôn tìm đến nhà chửi bới, tìm ông Tuấn để đánh. 

Một lúc sau khi gặp vợ, ông Tuấn cùng một người hàng xóm trở về nhà. Trên đường về gần đến nhà ông Tuấn gặp ông Lực. Mặc dù mọi người can ngăn, nhưng ông Lực đã đánh vào mặt ông Tuấn; hành hung bà Nguyễn Thị Ba (88 tuổi, mẹ ông Tuấn) và bà Nguyễn Thị An (em gái ông Tuấn)… 

Sau khi đến bệnh viện điều trị thương tích trở về, vì nghĩ ông Lực là người của Công ty TNHH Tuấn Thành, đơn vị đang khai thác cát tại thôn Mỹ Hảo, nên ông Tuấn cùng một số hộ dân đã tìm đến công trình khai thác cát của công ty này và 2 công ty khác ở đoạn sông Vu Gia, thuộc khu vực thôn Mỹ Hảo, ngăn cản hoạt động. 

Ông Lương Văn Dương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong, cho biết sự việc người dân ngăn cản hoạt động của Công ty TNHH Tuấn Thành sau khi ông Tuấn và người nhà bị hành hung do mâu thuẫn cá nhân chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. 

Người dân thôn Mỹ Hảo lo lắng việc khai thác cát sẽ gây sạt lở đất sản xuất.

Trước đó, người dân địa phương phản ảnh lo lắng đến chính quyền địa phương, vì có 3 công ty được cấp phép khai thác cát tại thôn Mỹ Hảo. “Một số hộ dân thôn chúng tôi lo sợ rằng việc khai thác cát sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông Vu Gia, từ đó làm sạt lở đất sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nếu lãnh đạo cấp trên đảm bảo việc các công ty khai thác cát không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân thì họ sẵn sàng để các công ty hoạt động thôi”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, thôn Mỹ Hảo hiện có 306 hộ dân, với hơn 1.200 nhân khẩu. Việc người dân lo sợ sạt lở do hoạt động hút cát, vì trước đây, đợt lũ lụt năm 1999 đã làm xói lở nghiêm trọng một phần lớn diện tích đất của thôn khiến hơn 100 hộ dân sống gần sông Vu Gia phải di dời. 

Sau đó, Nhà nước phải xây dựng kè ven sông mới ngăn được sạt lở. Tuy nhiên, hiện người dân Mỹ Hảo có gần 60ha đất sản xuất hoa màu nằm bên kia sông Vu Gia, nơi có các công ty được cấp phép hoạt động khai thác cát, nên họ lo sợ... 

Thêm vào đó, từ khi xảy ra sự việc ông Tuấn cùng người nhà bị ông Lực hành hung thì đến thời điểm này, Ban dân chính thôn Mỹ Hảo cũng chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía cơ quan chức năng. 

Ông Lê Văn Thu, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV 18-4, cho biết từ ngày 10-5-2015, công ty bắt đầu đi vào hoạt động khai thác cát sỏi để làm vật liệu xây dựng thông thường nhưng được khoảng 1 tháng thì người dân thôn Mỹ Hảo cản trở việc khai thác, do lo sợ hoạt động khai thác cát sỏi sẽ gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của họ...

Tìm hiểu được biết, khu vực thôn Mỹ Hảo có 3 công ty được cấp giấy phép khai thác cát, gồm: Công ty TNHH Tuấn Thành, Công ty TNHH Phú Hương và Công ty TNHH MTV 18-4. Về thủ tục, các công ty này đã hoàn thành mọi quy định cần thiết và giấy phép hoạt động đều còn hiệu lực. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự việc xô xát giữa ông Lực và ông Tuấn, cơ quan chức năng huyện Đại Lộc đã đình chỉ hoạt động khai thác cát của 3 công ty để chờ hướng giải quyết của lãnh đạo huyện Đại Lộc…

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết, đã chỉ đạo UBND xã Đại Phong chủ trì phối hợp với các phòng, ban liên quan của huyện trong thời gian đến tổ chức họp dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân thôn Mỹ Hảo. Ông Mẫn cho rằng quan điểm của lãnh đạo huyện Đại Lộc, xử lý vụ việc trên tinh thần vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng vừa hài hòa lợi ích, nguyện vọng của người dân.

Ngọc Thi
.
.
.