Đê ngăn mặn ven sông Trường Giang bị hư hỏng nghiêm trọng

Thứ Ba, 21/08/2018, 08:06
Tình trạng sạt lở và xuống cấp của tuyến đê ngăn mặn ven sông Trường Giang, tỉnh Quảng Nam, hiện đang ảnh hưởng đến hàng trăm hécta đất sản xuất của người dân. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại gặp khó khăn trong việc vận động, tìm kiếm nguồn kinh phí khắc phục…

Tuyến đê ngăn mặn ven sông Trường Giang kéo dài từ TP Hội An đến huyện Núi Thành, với tổng chiều dài gần 193km, chủ yếu làm nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ đất sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, tuyến đê này đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng.

Tại huyện Thăng Bình có hơn 10km đê chạy dọc qua các xã Bình Minh, Bình Dương, Bình Đào, Bình Giang và Bình Sa, bị hư hỏng, khiến cho 400ha đất sản xuất lúa tại đây bị ảnh hưởng. Ngoài những địa hình bờ đê bị xuống cấp và sạt lở nghiêm trọng, thì nhiều tuyến kè trên bờ đê cũng bị cuốn trôi.

Mặt và mái đê ngăn mặn ven sông Trường Giang qua xã Bình Dương bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo phản ảnh của người dân xã Bình Dương, do nắng hạn kéo dài, đất nhiễm mặn, nước ngọt không đủ sản xuất cùng với tác động của triều cường và một số hộ nuôi tôm gần với dòng sông Trường Giang đã làm cho bờ đê ngăn mặn ven sông Trường Giang bị xuống cấp. Mùa mưa lũ về làm sạt lở bờ đê, gây ngập úng cho đồng ruộng.

 Vụ hè thu năm 2018, xã Bình Dương có hơn 80ha đất nông nghiệp, thì trong đó chiếm đến 30ha không sản xuất được; buộc lòng người dân phải chuyển đổi một số diện tích đất qua trồng cây chịu hạn và bỏ hoang. Thực tế hiện trường chúng tôi ghi nhận, tại tuyến đê này, có đoạn mặt sông Trường Giang chỉ còn cách bờ đê chưa được nửa mét. Chỉ cần nước lớn thì nhiều ruộng lúa của người dân không sản xuất được…

Ông Lê Huy Trắc, Phó phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, Thăng Bình là địa phương có khối lượng bờ đê ven sông Trường Giang bị sạt lở, xuống cấp nhiều nhất. Biểu hiện trực tiếp qua mặt cắt đê bị biến dạng, mái đê bị sạt lở, đỉnh đê bị bào mòn. Nghiêm trọng hơn, cống dưới đê bị hư hỏng nên hạn chế việc tháo lũ ngăn mặn, giữ ngọt. Để khắc phục sự cố trên cần một khoản kinh phí rất lớn, hiện nguồn kinh phí địa phương chưa đủ để triển khai gia cố, hoặc khắc phục lại những đoạn đê bị hỏng.

Còn tại xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, toàn tuyến đê ngăn mặn ven sông Trường Giang qua xã này có chiều dài hơn 7km, nhưng có tới hàng chục điểm bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng. Chịu ảnh hưởng nặng nhất là các thôn vùng Đông của xã. Những năm trước, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ nâng cấp, kè một đoạn khoảng 450m, với tổng kinh phí 38 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời để bảo vệ cánh đồng lúa có 48ha ở thôn An Đông trước nguy cơ bị xâm nhập mặn, còn về lâu về dài thì cần một giải pháp khác. Bởi khi mới nâng cấp, tuyến đê này có chiều rộng 3m, nhưng chưa được một năm thì bề mặt của đê chỉ còn 2,5m, tức gần nửa mét đã bị sạt lở. Tình trạng sạt lở diễn ra rất nhanh vì đất đắp đê chủ yếu là đất cát, chỉ cần một trận mưa lớn cũng có thể gây xói lở bờ đê.

Để góp phần ngăn chặn nạn sạt lở đê dẫn đến nước sông Trường Giang tràn vào đồng gây xâm nhập mặn, tranh thủ các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, dự phòng phòng chống thiên tai, UBND xã Tam Xuân 2 đã bê tông hóa mặt đê được 2km.

Theo ông Võ Công Định, cán bộ nông nghiệp xã Tam Xuân 2, những năm qua, chính quyền địa phương thường xuyên huy động người dân khắc phục đê để bảo vệ mùa màng. Những năm khối lượng sạt lở ít, địa phương đã huy động nhân dân đắp đê, trong năm 2017 - 2018, khối lượng sạt lở quá lớn nên xã phải bỏ ngân sách địa thuê xe cơ giới, tập trung khắc phục kịp thời đảm bảo vụ Đông Xuân vừa qua.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho biết, trước thực trạng đê ngăn mặn ven sông Trường Giang bị hư hỏng nghiêm trọng, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam có hướng khắc phục. Thời gian qua, các địa phương đã gia cố được 11km bờ đê xuống cấp.

“Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xử lý những tuyến đê xung yếu để người dân tiếp tục sản xuất. Còn về lâu dài, Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam tiếp tục tham mưu Sở báo cáo UBND tỉnh cho phép quy hoạch lại đê điều trên địa bàn nhằm có giải pháp căn cơ hơn nữa đối với hệ thống đê ngăn mặn này. Để chủ động ứng phó với tình trạng tuyến đê ngăn mặn bị sạt lở, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch lại vùng sản xuất. Những vùng thường xuyên bị nhiễm mặn cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hoặc dùng những giống cây chịu được hạn mặn. Đối với nuôi trồng thủy sản cần quy hoạch lại để đưa ra khỏi những hành lang bảo vệ đê”, ông Tý nói.

Hà Vy
.
.
.