Cần tự rèn kỹ năng phòng, chống cướp giật

Thứ Hai, 27/06/2016, 09:35
Ra đường không còn sợ cướp giật là điều ai cũng mong muốn. Nhưng để có sự an bình đó là cực khó ở một thành phố hơn 8 triệu dân như TP HCM với tỷ lệ thất nghiệp cao và là nơi tập trung đông đảo lao động tự do đến từ các tỉnh.

biệt, toàn TP HCM có hơn 22 ngàn con nghiện có hồ sơ quản lý nhưng có đến hơn 2/3 đang lảng vảng ở bên ngoài. Trong khi đó, theo phân tích mới nhất của Công an TP HCM trên 185 đối tượng cướp giật cho thấy: Số người nghiện chiếm 38,92%, lao động tự do chiếm 55,14%, không có việc làm chiếm 48,11%... 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân còn phải chấp nhận “sống chung với cướp giật” một thời gian dài trước khi các cơ quan chức năng tập trung sức lực tảo thanh cướp giật một cách hiệu quả nhất. Một trong những giải pháp phòng ngừa hiệu quả nạn cướp giật là người dân phải nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của mình.

Đeo túi xách kiểu này dễ làm mồi cho cướp giật.

Trước đây, khu vực được xem là “mảnh đất màu mỡ” của bọn cướp giật tập trung ở các quận trung tâm như 1, 3, 5, 10, 11… Vì những nơi này đông khách du lịch, nhiều người tìm đến các khu trung tâm thương mại, siêu thị… để mua sắm. 

Giữa tháng 2-2016, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Công an TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong vòng 3 tháng để kéo giảm tối đa tội phạm, nhất là cướp giật trên đường phố. Khi lực lượng Công an trấn áp mạnh ở khu trung tâm thì cướp giật đã dạt ra các quận vùng ven như Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Gò Vấp… và tiếp tục gây án. Chính vì vậy mà sau 3 tháng trấn áp quyết liệt, số vụ cướp giật (xảy ra 218 vụ) cũng chỉ giảm được 10 vụ so với cùng kỳ. 

Theo một số trinh sát đặc nhiệm hình sự, sự chuyển dịch địa bàn của bọn cướp càng gây phức tạp hơn. Bởi, khu vực vùng ven tập trung đông đảo dân nhập cư (có phường số lượng dân nhập cư chiếm đến 2/3 số dân) với đủ mọi thành phần phức tạp như nghiện ma túy, sống lang thang, gái mại dâm… nên rất dễ “nhân rộng” đối tượng cướp giật...

Để hạn chế tối đa nguy cơ bị cướp giật, đã từ lâu cơ quan Công an các cấp khuyến cáo người dân khi lưu thông trên đường không nên đeo trang sức. Nếu có đeo dây chuyền thì cần mặc áo kín cổ, đeo lắc vàng thì áo kín tay. Còn nghe điện thoại di động nhất thiết phải tấp vào lề, ngó trước nhìn sau. 

Đối với túi xách, tuyệt đối không móc ở hai bên xe hoặc đeo trên vai vì như vậy khi bị giật có thể gây tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng. Để túi xách vào cốp xe là an toàn, nếu không thì có thể để giữa thân xe nhưng phải cột thật chặt. Đối với ba lô an toàn nhất là mang ngược ra phía trước. Chỉ cần những biện pháp đơn giản như thế là mọi người có thể phòng được cướp giật, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. …

Thế nhưng, nhiều ngày rảo quanh trên các tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi vẫn còn chứng kiến hình ảnh người đi đường vừa chạy xe vừa nghe điện thoại hay đeo dây chuyền, lắc vàng, túi xách như trêu kẻ cướp. 

Hơn 15 phút đứng quan sát trên tuyến đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh), một trong những cửa ngõ vào trung tâm TP Hồ Chí Minh, chúng tôi ghi nhận gần 10 trường hợp đeo dây chuyền, vòng vàng để lộ ra bên ngoài; hơn 20 trường hợp đeo túi xách một cách hời hợt. 

Tuy nhiên, hầu hết những người này đi xe gắn máy biển số ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Do vậy Công an TP Hồ Chí Minh cần phối hợp với Công an các tỉnh, thành lân cận tuyên truyền chung cho người dân về phòng chống cướp giật thì mới có thể đạt hiệu quả cao nhất.

Cướp giật hiện nay còn nhắm nhiều đến người đi bộ có mang túi xách. Ông N.T.L (ngụ quận Tân Bình) vừa bước xuống taxi trên đường Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình thì có 2 đối tượng đi xe tay ga áp sát, tên ngồi sau giật túi xách (bên trong có 4.000 USD, 2 điện thoại di động và nhiều giấy tờ quan trọng) mà ông L đeo hờ trên vai rồi tăng ga tẩu thoát. Sự việc diễn ra chỉ vài giây nên ông L không kịp nhận dạng cũng như nhìn biển số xe của 2 tên cướp. 

Muốn phòng cướp giật dạng này thì người đi bộ cần đeo túi xách chéo qua vai. Đeo 1 bên vai thì một tay nắm chặt dây túi xách. Khi bị giật nạn nhân thường lao theo cướp để giành lại túi. 

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của võ sư Lê Hoàng Mai, Trưởng bộ môn Akido - Cung văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh, cách phản xạ ấy sẽ làm nạn nhân bị té ngã và không giữ được túi xách. Nạn nhân chỉ cần ngồi xuống, khi đó sẽ làm thay đổi trọng tâm khiến tên cướp mất thăng bằng, té ngã. Còn nghe điện thoại khi dừng xe ở lề đường, đang đi bộ, ngồi quán cóc vỉa hè… nên cầm điện thoại chặt, ngón trỏ gá vào phía trên cùng của điện thoại. Khi bị giật nạn nhân chỉ cần thả lỏng tay là có thể bảo vệ được tài sản.

Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, có hơn 10% cướp giật… đi bộ, tất nhiên có đồng bọn nổ máy xe đứng chờ sẵn. Nạn nhân là người rút tiền ở ngân hàng, trạm ATM, gửi xe ở các bãi sát lề đường… Đối tượng đi bộ sẽ đứng phục sẵn, “con mồi” vừa mang túi xách bước ra lề đường hoặc lấy túi xách từ trong cốp xe là chúng nhanh chân chạy đến giật rồi lên xe đồng bọn tẩu thoát. 

Do vậy trước khi bước ra đường, lấy túi xách từ trong cốp xe thì mọi người cần đứng lại quan sát, cướp thấy động sẽ tự rút lui. Có nạn nhân đã về đến cổng nhà, không nhìn ngó xung quanh, không bảo vệ túi xách mà loay hoay mở cửa thì rất dễ rước họa vào thân. Thậm chí ở các đám cưới cạnh lề đường, cô dâu đeo đầy vòng vàng ra lề đường đón khách cũng trở thành nạn nhân.

Nếu phụ nữ là “miếng mồi ngon” của cướp giật thì cánh đàn ông lại là “tâm điểm” của các băng dàn cảnh đụng xe móc túi lấy tiền. Lý do duy nhất là đàn ông thường để tiền trong túi quần khi lưu thông trên đường. Ông N.V.T (ngụ quận 10) bỏ 50 triệu đồng trong túi quần rồi cùng 1 nhân viên đi tìm thuê nhà xưởng. Khi đến đoạn quốc lộ 1A gần cầu Bình Thuận (thuộc phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) thì va quệt xe với một thanh niên chạy cùng chiều. Cùng lúc đó nhiều xe gắn máy ở phía sau lao lên gây ra vụ va chạm xe liên hoàn nhưng chỉ trong nháy mắt tất cả xe va chạm đều chạy đi. Ông T nghi ngờ sờ túi phát hiện tiền không cánh mà bay. Không bao lâu sau băng dàn cảnh này bị Cảnh sát hình sự đặc nhiệm bắt giữ. 

Theo thông tin từ các trinh sát đặc nhiệm, bên cạnh các băng nhóm bị bắt giữ, ở TP Hồ Chí Minh còn tồn tại hơn 10 băng dàn cảnh khác đang ẩn náu và có thể hoạt động trở lại bất kỳ lúc nào. Theo dõi, đeo bám và triệt xóa các băng nhóm này đang được lực lượng Công an triển khai nhưng để ngăn ngừa chúng hoạt động trở lại, nhà chức trách khuyến cáo người lưu thông trên đường có mang theo nhiều tiền thì bỏ vào cốp xe!

M.Hải
.
.
.