Giải pháp nào phòng chống cướp giật ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 09/11/2012, 23:29
Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tình trạng cướp giật rộ lên như một vấn nạn. Mặc dù Công an các cấp đã tung lực lượng đặc nhiệm, cơ động tuần tra, truy bắt và những nhóm công tác hoạt động ráo riết nhằm ngăn chặn các đối tượng phạm tội nhưng tình trạng cướp giật vẫn diễn biến phức tạp.

Bài 1: Cảnh giác với nhiều thủ đoạn  của tội phạm

Các đối tượng không đơn thuần chỉ là cướp tài sản mà còn manh động hơn khi ra tay tước đi mạng sống của nạn nhân và chống trả quyết liệt người truy đuổi. Từ đó tạo tâm lý bất an cho người dân mỗi khi ra đường…

1001 kiểu cướp giật

Theo báo cáo của Công an TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2012, trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra gần 850 vụ cướp giật. Tính ra, mỗi ngày trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra ít nhất là 3 vụ cướp giật. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê mang tính chất tương đối được tổng hợp từ những vụ cướp giật đã khám phá và số vụ mà nạn nhân trình báo. Còn những nạn nhân bị cướp nhưng không trình báo với suy nghĩ "của đi thay người" là con số không nhỏ.

Hiện trường một vụ cướp.

Qua những vụ cướp giật đã xảy ra cho thấy, khu vực được xem là "mảnh đất màu mỡ" của bọn cướp giật tập trung ở các quận 5, 6, 10, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình… Lý do là ở những địa bàn này tập nhiều dân nhập cư… Đặc biệt là hệ thống đường theo kiểu bàn cờ đan xen chằng chịt đã tạo điều kiện cho kẻ cướp dễ dàng tẩu thoát.

Về thủ đoạn gây án, trước đây, các tên cướp giật thường đi 2 tên trên một xe máy dạo quanh các tuyến đường để tìm con mồi, thấy thuận lợi thì ra tay cướp. Còn nay chúng hoạt động chuyên nghiệp và tinh vi hơn, có tổ chức, có theo dõi nạn nhân và sử dụng nhiều chiêu trò khiến cho nạn nhân hoàn toàn bất ngờ và bất lực.

Thời gian gần đây, ở khu vực vùng ven TP Hồ Chí Minh xuất hiện một băng nhóm tội phạm đi "ăn hàng" bằng xe máy phân khối lớn. Khi phát hiện nạn nhân có đeo túi xách, tiền để trong người, chúng cho xe cản đầu xe nạn nhân để dàn cảnh một vụ đụng xe làm nạn nhân mất cảnh giác để đồng bọn từ phía sau móc túi, cướp giật túi xách của nạn nhân rồi tẩu thoát. Ngoài ra, các đối tượng còn theo những người vừa rút tiền tại các ngân hàng, cây ATM rồi âm thầm bám theo đến địa điểm thuận lợi thì tăng tốc kè sát nạn nhân cướp tài sản.

Nếu bị truy đuổi, đồng bọn phía sau với vai trò "cản địa", gây khó khăn cho người truy bắt. Có trường hợp đối tượng "cản địa" còn giả bộ hỏi han nạn nhân nhằm kéo dài thời gian và làm mất tập trung của nạn nhân trong việc truy hô người đi đường hỗ trợ. Bên cạnh thủ đoạn trên, bọn cướp giật còn dùng chiêu chẳng giống ai nhưng lại rất hiệu quả.

Chị Kim, một người bị cướp giật trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn quận 12, kể lại: "Hôm đó, trời nhá nhem tối, tôi đang đứng chờ bạn ở lề đường thì hai đối tượng đi trên xe gắn máy đột ngột dừng lại. Một tên nhảy xuống tuột quần tôi, quá bất ngờ, tôi đành thả chiếc túi xách xuống đường để kéo quần lên. Chỉ đợi có vậy, tên này giật lấy túi xách rồi cùng đồng bọn tẩu thoát".

Còn chị Nguyễn Thanh Hiền (27 tuổi, ngụ quận 6) vẫn chưa hết căm giận kể về trường hợp của mình. Đó là vào ngày 26/9, chị Hiền dừng xe nghe điện thoại thì có một đối tượng ép xe giật chiếc điện thoại. Chị Hiền liền tri hô thì đối tượng quăng lại chiếc điện thoại vào trong lề đường. Chị Hiền dừng xe bước xuống lượm điện thoại thì có hai đối tượng từ phía sau trờ tới, một tên ung dung leo lên xe Air Blade của chị rồi nổ máy lao đi. Chị Hiền đau hơn khi phát hiện chiếc điện thoại mà chúng quăng lại là… đồ nhựa!

Một thủ đoạn khác là thời gian gần đây, trên địa bàn quận 3,5 và quận 10 xuất hiện một băng nhóm cưỡng đoạt và cướp giật tài sản của người đi đường do một nữ quái có biệt danh Hương "mắt lồi" cầm đầu. Thủ đoạn của băng cướp này là kè sát nạn nhân để hỏi đường hoặc làm quen để đồng bọn từ phía sau băng lên cướp giật tài sản. Nếu như cướp không thành công, các đối tượng giở chiêu đánh ghen để tìm đường tẩu thoát…

Trăm lý do lý giải đi cướp

Phân loại từ các đối tượng cướp giật bị bắt giữ cho thấy, bên cạnh những tên giang hồ chuyên sống bằng "nghề" cướp giật còn có không ít tên cướp vốn là công nhân và các loại lao động phổ thông khác. Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 5.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, gần 90.000 lao động bị thất nghiệp. Do làm "ngày nào xào ngày nấy" nên họ rất dễ rơi vào túng quẫn khi không có việc làm, để rồi vì miếng cơm manh áo đã dễ dàng rơi vào con đường tội lỗi…

Sự lên ngôi của ma túy "đá" (một loại ma túy tổng hợp) trong một, hai năm trở lại đây ở TP Hồ Chí Minh đã kéo theo một lượng lớn con nghiện chuyên sống bầy đàn, cùng nhau chơi "hàng đá", hết tiền thì cùng đi cướp giật. Sự thật đáng buồn này đã được phơi bày khi Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh) bắt giữ băng nhóm cướp giật với hơn 10 tên do Lê Đoàn Hậu (tự Beo, 26 tuổi; ngụ quận 10, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu.

Theo xác minh của cơ quan Công an, nhiều đối tượng trong số này hàng tháng chúng đều được gia đình chu cấp từ 5-10 triệu đồng gọi là "tiền tiêu vặt" nhưng do chơi "hàng đá" nên chẳng thấm vào đâu. Chúng tụ tập để chơi "hàng đá", "quan hệ" tập thể, khi hết tiền thì Hậu phân công các "đệ tử" chia thành nhóm nhỏ từ 1-3 đối tượng đi rảo khắp các tuyến đường ở quận 5, 6, 10, 11 để tìm "con mồi" và đã gây ra hơn 40 vụ cướp giật dây chuyền, túi xách.

Số tài sản cướp được, chúng đem bán cho các tiệm vàng ở khu vực Chợ Lớn và sử dụng sạch vào mục đích ăn chơi. Sự đáng sợ của những đối tượng cướp giật loại này là ở chỗ, do chơi "hàng đá" nên chúng rất liều lĩnh, chạy xe bạt mạng, ra tay bất chấp tính mạng của nạn nhân và sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng truy đuổi trên đường tẩu thoát.

Qua phân tích nói trên cho thấy rằng, vấn nạn cướp giật ở TP Hồ Chí Minh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do vậy mà để kéo giảm thực trạng này một cách căn cơ thì đòi hỏi phải có sự tham gia từ nhiều phía, nhiều ban, ngành chức năng và vai trò trọng yếu của các bậc phụ huynh.

Riêng lực lượng chủ công là ngành Công an, trong thời gian vừa qua, Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã quyết liệt chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện tấn công trấn áp loại tội phạm này nhưng để đạt được hiệu quả cao hơn, cơ quan Công an rất cần người dân khi lưu thông trên đường phải nâng cao ý thức cảnh giác

Nghinh Phong - P.Tuyền
.
.
.