TP HCM cần có tổ công tác 141 để phòng chống cướp giật

Thứ Bảy, 10/11/2012, 20:14
Qua một năm hoạt động, lực lượng 141 Công an Hà Nội đã thu giữ hơn 1.700 tang vật; khởi tố 201 vụ án và 253 bị can… thật sự mang lại bình yên cho đường phố Thủ đô. Do vậy mà nhiều người dân cho rằng, để giải quyết vấn nạn cướp giật tại TP HCM, Công an TP HCM cần áp dụng mô hình như lực lượng 141 Công an Hà Nội.
>> Giải pháp nào phòng chống cướp giật ở TP HCM

Toàn TP HCM hiện có 3.897 tuyến đường với tổng chiều dài 3.767km, trong khi đó lực lượng Công an làm nhiệm vụ phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn là cướp tài sản, cướp giật, đua xe… thì khá mỏng. Do vậy mà các chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (thuộc Phòng PC45, Công an TP HCM), Tổ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm thuộc Công an các quận, huyện và lực lượng Công an phường phải làm việc hết công suất để tuần tra, chốt chặn 24/24h.

Tuy nhiên, để làm chủ hoàn toàn đường phố là công việc hết sức nặng nề vì bọn tội phạm nói chung và cướp giật nói riêng hoạt động mang tính chất lưu động, thường xuyên thay đổi địa điểm nên cơ quan Công an rất cần sự hỗ trợ từ phía người dân mà trước hết là bắt đầu từ ý thức.

Từ trước đến nay, để phòng chống nạn cướp giật hiệu quả nhất vẫn là tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chốt chặn của lực lượng Công an các cấp. Cụ thể ở TP HCM, đầu tàu cho công tác này chính là Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (PC45, Công an TP HCM), được thành lập vào tháng 4-2008. Các chiến sĩ thuộc Đội đều là những trinh sát trẻ, giỏi nghề, giỏi võ thuật và lái xe để có thể khuất phục những tên cướp gan lì nhất.

2 đối tượng cướp bị quần chúng bắt.

Tuy nhiên, do hiện nay, đường xá đông đúc, tội phạm cướp giật lại hoạt động có tổ chức nên bên cạnh công tác rượt đuổi truy bắt cướp trên đường phố như các chiến sĩ SBC thời trước, trinh sát của Đội còn làm nhiệm vụ nắm bắt địa bàn, đeo bám các đối tượng nghi vấn nằm trong các băng nhóm cướp giật để lập chuyên án khám phá. Hơn bốn năm rưỡi kể từ ngày thành lập, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đã khám phá hàng chục chuyên án, băng nhóm và hàng trăm đối tượng cướp giật riêng lẻ.

Hiện tại, hàng chục trinh sát của Đội vẫn ngày đêm ngược xuôi trên các tuyến đường, phối hợp cùng Tổ Cảnh sát hình sự Công an các quận, huyện và lực lượng Cảnh sát giao thông để phòng chống cướp giật vào ban ngày, cướp tài sản và đua xe vào ban đêm. Từ công tác tuần tra này mà thời gian gần đây, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đã bắt giữ nhiều đối tượng cướp giật táo bạo trên đường phố.

Bên cạnh lực lượng chuyên trách chống cướp giật, để tăng cường tuần tra, kiểm soát trật tự công cộng trên địa bàn TP HCM, từ tháng 4/2012, Ban Giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo Công an các quận, huyện trên toàn địa bàn TP HCM tiến hành thành lập Đội Cảnh sát trật tự cơ động. Trong đó, tuần tra truy bắt cướp giật và các loại tội phạm khác là một trong những nhiệm vụ chính của Đội này. Ngoài ra lực lượng tham gia bắt cướp còn có các hiệp sĩ, những người dân thường, lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng thanh niên xung phong tham gia điều tiết giao thông hàng ngày ở TP HCM.

Riêng các địa bàn trọng điểm về cướp giật như quận 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp… thì lãnh đạo Đảng ủy và UBND các quận, huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm để nhân dân đề cao cảnh giác. Đồng thời củng cố lực lượng nòng cốt như Công an, dân quân, bảo vệ dân phố để ra quân trấn áp tội phạm, đem lại sự bình yên cho mỗi khu phố. Qua đó cho thấy rằng, công tác phòng chống tội phạm cướp giật hiện nay đang được lãnh đạo địa phương các cấp rất quan tâm và ra sức kéo giảm. Tuy nhiên, trên thực tế thì vấn nạn cướp giật vẫn còn là một nỗi lo, vì sao vậy?

Từ thực tế cho thấy, chẳng có tên cướp giật nào khi đi gây án lại không mang theo hung khí. Có kẻ sử dụng dao tự chế, dao bấm, mã tấu; có kẻ sử dụng công cụ hỗ trợ như dùi cui, roi điện và một số ít sử dụng cả hàng nóng.

Một số vụ án nghiêm trọng gần đây như vụ tên cướp Cao Trung Lập (28 tuổi, quê Quảng Ngãi) cướp giật laptop và đâm chết nạn nhân Hoàng Ngọc Tri (22 tuổi, tại ngụ tổ 13, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh)  tại ngã tư Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (Tân Bình); vụ Kiều Ngọc Sinh (24 tuổi; quê quán tỉnh Đắk Lắk; có 1 tiền án về tội “cướp tài sản”) và Nguyễn Văn Bạc (47 tuổi; ngụ phường 10, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; có 2 tiền án về tội “cướp giật tài sản” và “trộm cắp tài sản”) dùng mã tấu chống trả quyết liệt lực lượng Công an khi bị truy bắt… cho thấy các đối tượng lận hung khí trong người, bỏ trong cốp xe hoặc cột vào thân xe và sẵn sàng sử dụng khi bị truy đuổi.

Mặt khác, những kẻ cướp giật cũng là nhóm đối tượng thường xuyên vi phạm luật lệ giao thông như chạy xe quá tốc độ, quá số người quy định, lạng lách, đánh võng… Vậy tại sao lực lượng Công an không phát hiện và xử lý các đối tượng này trước khi chúng gây án? Kinh nghiệm từ mô hình lực lượng 141, Công an Hà Nội cho thấy, chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 lực lượng là Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động… thì các đối tượng cướp giật nói riêng và các loại tội phạm khác nói chung mới không còn đất sống vì chúng đã bị ngăn chặn hành vi phạm tội từ khi mới manh nha.

Qua một năm hoạt động, lực lượng 141 Công an Hà Nội đã thu giữ hơn 1.700 tang vật; khởi tố 201 vụ án và 253 bị can… thật sự mang lại bình yên cho đường phố Thủ đô. Do vậy mà nhiều người dân cho rằng, để giải quyết vấn nạn cướp giật tại TP HCM, Công an TP HCM cần áp dụng mô hình như lực lượng 141 Công an Hà Nội

Nghinh Phong - P.Tuyền
.
.