Ma túy mới - sự chuyển dịch ngầm và cuộc phiêu lưu kết bạn với… thần chết

Cai không khó nhưng tái nghiện… rất dễ (bài 3)

Thứ Hai, 01/08/2016, 10:02
Nhằm chặn nguồn cầu về ma túy, từ đó kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan đến đối tượng buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy, những năm trước đây TP Hồ Chí Minh đã gồng mình chi ngân sách để hỗ trợ hơn 20.000 người nghiện đang sinh sống ở thành phố đi cắt cơn, cai nghiện tập trung.

Chỉ tính ở mức thấp nhất, chi phí ngân sách cấp cho mỗi người đi cắt cơn cai nghiện tập trung ở mức 3 triệu đồng/tháng, số tiền thành phố chi ra trong nhiều năm là một con số không hề nhỏ. Song chỉ bẵng đi vài năm, khi thành phố không còn được quyền tự quyết định đưa người sử dụng ma túy đi cắt cơn, cai nghiện tập trung, số lượng người có biểu hiện sử dụng ma túy mới phát sinh và người tái nghiện trên địa bàn được Công an thành phố lập danh sách hiện đã quay trở lại con số 22.342 người.

TS Tâm lý Bùi Hồng Quân, Cố vấn Khoa học Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt – TP Hồ Chí Minh trao đổi với PV Báo CAND nguyên nhân của tái nghiện sau cai và làm thế nào giải được bài toán "cai mà không nghiện" cho một bộ phận giới trẻ Việt Nam đang lao như thiêu thân vào các loại ma tuý mới nguy hại.

Công an địa phương ra quân thực hiện chương trình đưa người nghiện đi điều trị.

Theo phân tích của TS Quân, khi một loại ma tuý mới thâm nhập, thẩm lậu vào nội địa, đương nhiên giới trẻ sẽ là lớp người chịu sự tác động lớn nhất. Tâm lý người trẻ thường ưa mạo hiểm, phiêu lưu. Heroin trong ánh mắt, nhìn nhận của dân chơi hiện nay không còn được chuộng; trong khi chơi shisha, cỏ Mỹ trông sành điệu, phì phèo nhả khói lập tức có sức hút. 

Lực hút đầu tiên với người trẻ luôn là mới, lạ. Từ đó mà thành một trào lưu cùng tụ tập trong nhóm, rồi rộng hơn các nhóm chơi với nhau trong cộng đồng, trên mạng, nên xu hướng tất yếu là nguy cơ hình thành nên một dòng "nghiện" mới của ma tuý đá, ma tuý kích thích, là chuyện rất có thể xảy ra tại Việt Nam.

Mặt khác, việc tiếp cận với hàng loạt ma tuý mới, với cấp độ mạnh hơn lại càng thu hút hơn với giới trẻ khi mà bản thân họ kiến thức về sức khoẻ, pháp luật còn rất thiếu hụt. Cùng với sự phát triển của Internet, mạng toàn cầu thì sự tiếp cận càng nhanh. Giới buôn bán ma tuý chỉ chờ có thế mà đẩy ma tuý tới tận tay giới trẻ. Đây là điều nguy hiểm cho họ.

Thực tế công tác cai nghiện heroin thời gian qua mà TP Hồ Chí Minh thực hiện cho thấy, vấn đề cai không khó nhưng khó là để người cai không tái nghiện. Trong thời gian cắt cơn, giải độc, hoàn toàn có thể cách ly người nghiện ra khỏi môi trường cám dỗ, với thời gian trước đây là từ 1-2 năm tới 4 năm theo đề án cũ thành phố thực hiện. Nhưng nan giải là khi họ trở lại với cộng đồng để đoạn tuyệt với ma túy.

Cũng theo TS Quân, trong nhiều nguyên nhân gây tái nghiện, nguyên nhân đứng đầu là do môi trường, cộng đồng. Môi trường “sạch" ma tuý có tính chất quyết định làm giảm tình trạng thanh thiếu niên nói riêng, người nghiện ma tuý nói chung tái nghiện. Rõ ràng môi trường của ta chưa thể sạch ma tuý thì khi về cộng đồng, chỉ cần đi lại nơi đã từng chơi sẽ gợi nhớ và họ tìm cách mua để sử dụng.

Yếu tố thứ 2 là tâm lý. Người nghiện luôn đối mặt với cách nhìn nhận của người xung quanh, không hẳn kỳ thị như HIV nhưng sự e ngại, cảnh giác... khiến họ luôn tự ti vì bị đánh giá là thuộc nhóm tệ nạn xã hội. Điều này làm cho họ lại càng trở nên sống thu mình. Họ luôn mặc cảm bị xã hội rẻ khinh, không được nhìn nhận như người bình thường.

Giá trị họ không được coi trọng, họ càng trở nên mất niềm tin vào cuộc sống và con người. Khi đó, một trong sức mạnh để giúp họ tồn tại thì lại chính là ma tuý, luồng sức mạnh cứu giúp họ. Với heroin hay ma tuý kích thích thì cũng vậy. Nó trở thành có giá trị "rất thật" đối với người nghiện, để họ trở nên tự tin, giúp họ “sống”, rồi sau đó lại thất vọng với chính bản thân vì không bỏ được ma tuý.

Họ luẩn quẩn và lại lệ thuộc vào ma tuý. Ở khía cạnh tích cực, người nghiện đôi lúc cũng nhìn vào cộng đồng, họ cũng biết những người đã bỏ được ma tuý, là động lực thôi thúc họ đi theo, làm theo nhưng thực tế tỉ lệ người bỏ được ma tuý thật ít ỏi. Mà tỉ lệ người tái nghiện lại quá cao, từ đây, người nghiện càng không đủ nỗ lực để từ bỏ ma tuý.

Cũng theo TS  Quân, yếu tố nữa gây tái nghiện cao là điều kiện công ăn việc làm, môi trường tích cực cho người nghiện hoà nhập, những chương trình hoạt động để giúp họ hoàn toàn quên đi ma tuý thì ta làm còn hạn chế.

Thế nên, người nghiện của ta sau cai dễ dàng tái nghiện trở lại. Tóm lại, 3 nguyên nhân cơ bản để kéo giảm người nghiện cần phải được giải quyết trong bài toán cộng đồng: môi trường ta chưa sạch, kỳ thị của xã hội, và các điều kiện cơ sở vật chất, việc làm cho người nghiện.

“Do đó, vấn đề cai cho người nghiện ma túy hay “cai khi không nghiện” cho giới trẻ đang bị hấp lực của các loại ma túy mới, thì bài toán cộng đồng phải được giải đáp. Nó nhân văn nhưng khó. Ta đi đã đúng hướng nhưng ta chưa đủ điều kiện, sức mạnh để giúp hiệu quả công tác này, vì đây là vấn nạn toàn cầu. Chỉ có thể giải quyết được khi có sự phối hợp đồng bộ của mọi lực lượng. Không chỉ một gia đình, không chỉ một lực lượng Công an, hay một tổ chức... mà làm được”, TS Bùi Hồng Quân nhấn mạnh.
Nhóm PV
.
.
.