Bội thu nguồn lực phát triển hạ tầng từ dòng vốn xã hội hóa
- Thành phố mang tên Bác rực rỡ với màn pháo hoa trong ngày Quốc khánh
- Khởi động “Hành trình kết nối yêu thương” bắt đầu từ thành phố mang tên Bác
- Phố đi bộ Nguyễn Huệ sôi động trong Kỷ niệm 40 năm ngày thành phố mang tên Bác
Để khai thác hiệu quả các nguồn lực này, chính quyền thành phố nói các cấp phải thực sự đóng vai trò kiến tạo; các cơ quan đơn vị, cán bộ, công chức của thành phố phải đáp ứng kịp yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cận kề thời khắc chào đón năm mới 2017, một tin vui được Sở Xây dựng thành phố cho hay là chương trình chỉnh trang đô thị của thành phố đã có nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tham gia thực hiện.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và đại diện nhà đầu tư thị sát dự án chống ngập do triều cường. |
Chẳng hạn, Công ty Hà Nội Ngàn năm đăng ký đầu tư vào dự án chỉnh trang rạch Xuyên Tâm ở quận Bình Thạnh; Tập đoàn Vingroup, Công ty Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn đang nghiên cứu dự án chỉnh trang đô thị bờ Nam kênh Đôi - kênh Tẻ; Công ty Đức Khải tham gia dự án xây dựng lại khu chung cư cũ Ngô Gia Tự; Tập đoàn Bất động sản Novaland xin đảm nhận dự án xây lại chung cư cũ Nguyễn Thiện Thuật…
Sức hút từ một thành phố năng động trong phát triển KT - XH thực sự lan tỏa, tạo lực thu hút nguồn vốn xã hội càng thể hiện rõ hơn khi chỉ riêng với chương trình cải tạo chung cư cũ, đến thời điểm cuối năm 2016 đã có hơn 30 DN xin đầu tư xây dựng lại các chung cư hỏng nặng trên địa bàn quận 1.
Lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị cũng hứa hẹn sẽ thu hút được lượng vốn rất lớn ngay trong năm 2017 khi trước đó Công ty Đại Quang Minh đã đề đạt việc đầu tư vào dự án cầu Thủ Thiêm 2 và 4 tuyến đường vành đai khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Các doanh nghiệp khác như Công ty Nam Long, Trần Thái, Tiến Phước cũng đang chờ thành phố chấp thuận để đầu tư làm đường song hành tại tuyến dẫn vào cao tốc trên địa bàn quận 2.
Công ty Vạn Thịnh Phát đề xuất đầu tư mở rộng đại lộ Nguyễn Hữu Thọ nối quận 7 với huyện Nhà Bè, nơi có khu đô thị cảng và KCN Hiệp Phước. Tổng Công ty Thái Sơn hiện cũng nhắm vào việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 3; Công ty Phát Đạt nhắm việc đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4...
Trong điều kiện ngân sách được trích lại đã giảm mạnh, nhưng vốn đầu tư phát triển hạ tầng đô thị vẫn đòi hỏi rất lớn, những dự án và nhà đầu tư cụ thể trên sẽ giúp thành phố giải bài toán về vốn đầu tư hạ tầng trước sức ép gia tăng dân số.
Bởi đến thời điểm này, dân số của thành phố đã ở mức gần 13 triệu người, trong đó thành phố năng động bậc nhất ở khu vực phía Nam này đã thu hút khoảng 3 triệu người nhập cư và dân số tăng bình quân hằng năm tương đương dân số của một quận nội thành.
Nhất là khi ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân đang rất cần vốn đầu tư để cải thiện tình trạng này.
Năm 2016, một năm bội thu về nguồn lực XHH của thành phố đã khép lại. Song động lực thúc đẩy phát triển KT-XH cho thành phố từ nguồn vốn XHH hứa hẹn sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng; tạo đà phát triển mạnh mẽ trong năm 2017 và những mùa xuân tiếp theo ở thành phố mang tên Bác.
Năm nay, thành phố đầu tàu tiếp tục được Trung ương giao tăng thu ngân sách lên mức gần 348.000 tỷ đồng. Với con số này, bình quân mỗi ngày thành phố phải phấn đấu thu được gần 1.000 tỷ, đây cũng là một trọng trách nặng nề của người dân và chính quyền thành phố.
Giám đốc Sở Tài chính thành phố Phan Thị Thắng nhìn nhận, với mức tăng thu lên đến hơn 49.000 tỷ đồng, ngay từ thời điểm cuối năm cũ, Sở Tài chính đã đề xuất thành phố triển khai nhiều giải pháp để tạo thêm nguồn thu. Do đó nguồn lực vốn XHH đầu tư vào hạ tầng vẫn sẽ giữ vai trò chủ lực tại thành phố.
Góp phần không nhỏ trong nguồn lực XHH đầu tư phát triển hạ tầng đô thị của thành phố trước khi năm cũ đi qua phải kể đến dự án có sức ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội là “Giải quyết ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Trước tình hình ngập nước đang gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, đây là công trình đang trở thành tâm điểm quan tâm của người dân khi được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng ngập lụt cho cả khu vực nội đô.
Chia sẻ về tính khả thi của dự án này, đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đã thông tin, dự án được đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao.
Hạng mục chính của dự án gồm 6 cống ngăn triều cường và 8km đê bao ven tuyến sông Sài Gòn, khi hoàn thành sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập do triều cường trên khu vực diện tích 570km2 với 6,5 triệu dân.
Để đạt được mục tiêu này, hạng mục quan trọng nhất của dự án là hệ thống cống kiểm soát triều cường được đặt ở các tuyến rạch Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định đã được nhà đầu tư huy động phương tiện, nhân lực ráo riết triển khai, mở đại công trường ngay sau ngày khởi công.
Quyết tâm rút ngắn thời gian hoàn thành đại công trình chống ngập lụt cho người dân thành phố của nhà đầu tư đã được đông đảo nhân dân và chính quyền thành phố ra sức ủng hộ.
Ông Tiến còn cho biết, đây là lần đầu tiên trên cả nước loại cống ngăn triều cường có cửa van 40m, nặng 300 tấn, rộng từ 40-160m hoạt động bằng hệ thống xi lanh thủy lực được xây dựng.
Các cống này được thiết kế để tàu bè có thể qua lại khi cửa cống mở hoàn toàn. Hệ thống cống ngăn triều hoạt động dựa vào mực nước dao động theo mùa. Vào mùa mưa, khi nước trong các tuyến kênh rạch lớn hơn mực nước các sông lớn, cửa cống sẽ được mở để thoát nước.
Ngược lại, khi triều cường, các cửa cống sẽ đóng lại để ngăn nước sông tràn vào kênh rạch. Ngoài mục đích ngăn triều, mực nước trong các tuyến kênh rạch được giữ ổn định sẽ đảm bảo cảnh quan môi trường cho các tuyến kênh rạch kết hợp với việc bơm nước, hỗ trợ tiêu thoát lượng nước từ các kênh rạch nhỏ ra sông lớn và hỗ trợ việc chống xâm nhập mặn.
Những năm qua, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác đã làm nên kỳ tích trong việc chỉnh trang tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè; kênh Bến Nghé-Tàu Hũ; kênh Tân Hóa - Lò Gốm...
Song, chống ngập, chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông vẫn đang là những chương trình trọng điểm, cấp bách của thành phố. Sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư thêm hàng loạt dự án trọng điểm về hạ tầng như công trình cầu Kênh Tẻ 2; xây thêm cầu từ quận 4 bắc qua quận 7 trên đường Nguyễn Tất Thành.
Một tuyến metro cũng sẽ chạy qua khu Nam để kết nối với khu đô thị cảng Hiệp Phước. Gần hơn, thành phố sẽ sớm đầu tư nâng cấp nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ bằng hệ thống hầm chui với tổng vốn đầu tư lên đến 2.600 tỷ đồng.
Rồi tuyến đường vành đai song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, kết nối từ quận 4 sang quận 7 cũng sẽ được khởi công nay mai. Đến những kế hoạch chỉnh trang các khu đô thị cũ, phát triển các khu đô thị mới của thành phố… đây sẽ tiếp tục là những cơ hội mới dành cho các nhà đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.