Bài học từ việc mất rừng và mô hình giữ rừng bền vững ở Tây Nguyên

Thứ Sáu, 11/11/2016, 08:12
Một thực tế đau xót là ở Tây Nguyên có nhiều Ban Quản lý rừng để mất rừng một cách tự nhiên kéo dài nhiều năm nhưng không được xử lý kịp thời; trong khi đó có những mô hình quản lý rừng bền vững nhờ áp dụng khoa học công nghệ cao nhưng chưa được nhân rộng...

Tỉnh Gia Lai đang “nóng” chuyện các Ban Quản lý rừng để mất rừng nhiều năm mà không có giải pháp khắc phục. 

Cụ thể như sau vụ mất hàng trăm cây gỗ hương quý ở rừng Kbang thì đến việc hai Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê và Ya Hội đã để mất hàng ngàn hécta rừng và đất lâm nghiệp mà không ai chịu trách nhiệm. Sau khi đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai kiểm tra xác định bị lấn chiếm trái phép hàng ngàn hécta đất rừng ở các Ban Quản lý rừng trên thì UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo cho Thanh tra tỉnh Gia Lai tiếp tục vào cuộc làm rõ.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phan Thanh Hải - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê chia sẻ, bản thân về đây làm việc từ năm 2013 đến giờ, còn chuyện mất rừng, đất rừng bị lấn chiếm thì đã xảy ra nhiều năm trước đó. 

Ông Hải cho rằng, ngoài diện tích đất rừng bị lấn chiếm cũng có một phần do việc tính toán, xác định ranh giới có sự chồng lấn, chưa rõ ràng, chủ yếu là quản lý trên giấy tờ nên thực tế giữa rừng và rẫy của dân chưa có sự tách bạch cụ thể. 

Đất rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê bị xâm lấn.

Mọi vấn đề đang chờ cơ quan Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận nhưng ông Hải thừa nhận Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê được giao khoảng trên 10.000ha đất rừng trên địa bàn 8 xã, 2 phường nhưng quá trình quản lý đã bộc lộ những yếu kém qua các thời kỳ nên có khoảng 4.000ha đất rừng bị lấn chiếm hoặc chồng lấn rất khó xử lý. 

Trong đó có khoảng 1.000ha đất liên kết trồng rừng nguyên liệu với dân nhưng bị người dân không thực hiện theo cam kết nên không thể thu hồi. Còn lại gần 3.000 ha đất rừng cũng bị lấn chiếm, chồng lấn rẫy dân hiện rất khó xử lý. Đây là hệ lụy của một quá trình buông lỏng quản lý đất rừng qua các thời kỳ.

Tương tự, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Hội (An Khê, Gia Lai) cũng báo cáo mất hàng trăm ha rừng qua các thời kỳ mà nguyên nhân là do không làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện và có biện pháp thu hồi, ngăn ngừa tình trạng lấn chiếm trái phép của người dân một cách kiên quyết...

Trong khi đó có một mô hình quản lý rừng bền vững ở Kon Tum được thực hiện theo chương trình hợp tác trợ giúp của Cộng hòa Liên bang Đức tại Công ty TNHH MTV Lâm trường Đăk Tô cần nghiên cứu nhân rộng. Đây là một trong 5 đơn vị trên cả nước được thí điểm mô hình quản lý rừng bền vững.

Ông Võ Văn Cương - Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết, năm 2006, Chính phủ Việt Nam với Cộng hòa Liên bang Đức ký kết chương trình hợp tác lâm nghiệp Việt - Đức. Theo đó, phía Đức hỗ trợ kỹ thuật công nghệ về thống kê, điều tra hiện trạng tài nguyên rừng và từ đó đưa ra giải pháp, biện pháp quản lý, cải tạo rừng một cách bền vững. 

Sau khi được phê duyệt dự án, từ năm 2011 đến nay, phía Công ty TNHH MTV Lâm trường Đăk Tô, thuộc Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô đã thực hiện dự án với 3 mục tiêu chính là đảm bảo kinh tế hiệu quả, môi trường bền vững và có tính xã hội cao. 

Cụ thể là rà soát trả cho địa phương diện tích 553ha đất không có rừng để quản lý, sử dụng hợp lý; căn cứ diện tích rừng cụ thể hơn 5.000ha đã có kế hoạch khai thác phù hợp theo sản lượng 8.000m³/năm/170ha, theo chu kỳ tái sinh 30 năm. Cách khai thác được áp dụng là phương pháp khai thác chọn tỉ mỉ, không làm ảnh hưởng môi trường rừng suy giảm. 

Cùng với quản lý khai thác một cách khoa học, đơn vị thực hiện dự án còn tiến hành các giải pháp kỹ thuật lâm sinh như trồng bổ sung rừng sau khai thác, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng nghèo, rừng non, trồng rừng bán tự nhiên... 

Đặc biệt, thực hiện các hoạt động quan hệ cộng đồng như khoán rừng cho cộng đồng làng bảo vệ chứ không khoán theo hộ; hỗ trợ cây giống cho người dân xung quanh rừng trồng trên nương rẫy của họ, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật canh tác đất dốc... nhằm giúp cải thiện đời sống dân sinh; hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi cộng đồng, chương trình từ thiện xã hội cho người dân giữ rừng...

Các giải pháp dựa vào cộng đồng dân cư tại chỗ để giữ rừng, phát triển rừng bền vững được thực hiện một cách hiệu quả nên đã tạo được hiệu quả giữ rừng, phát triển kinh tế rừng bền vững gắn với phát triển đời sống xã hội cho người dân địa phương.

Ngọc Như
.
.
.