Đừng đổ lỗi cho nghèo khó

Thứ Hai, 25/04/2016, 21:12
Lên mạng mỗi ngày, dù muốn hay không, đập vào mắt bạn vẫn là những câu chuyện về tội ác, từ ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng, từ trẻ chưa thành niên đến người già phạm tội, từ những sinh viên được ăn học đàng hoàng đến những tên lưu manh chuyên nghiệp, từ kẻ ít học đến những người có chức quyền…


Những năm gần đây, người ta nói nhiều đến cụm từ: Tội phạm trẻ hóa và tội phạm ngoại tỉnh gây án tài các thành phố, khu đô thị lớn. Vâng, những hành vi tội ác gây bàng hoàng dư luận không chỉ do những người trưởng thành gây ra mà giờ đây, kẻ thực hiện nó có thể là những cô bé, cậu bé còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Thực trạng nữa là tại các thành phố, khu đô thị lớn, tội phạm các tỉnh dạt về, câu kết với nhau thành những ổ nhóm tội phạm nguy hiểm và gây ra hàng loạt vụ án khiến tình hình an ninh trật tự ở đây càng thêm phức tạp.

Báo cáo năm 2015 của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho thấy, toàn quốc xảy ra 20.250 vụ phạm pháp hình sự, nổi lên là các vụ án giết người, giết người cướp tài sản, cướp giật tài sản, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm... Nghĩa là trung bình mỗi ngày đã có 55 - 60 vụ án xảy ra. Phía sau những vụ án đó là những bi kịch, những phận người bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã đó.

Học tập giúp con người hoàn thiện nhân cách và tránh xa thói xấu. Ảnh minh họa.

Một khảo sát khác tại TP Hồ Chí Minh, một thành phố năng động nhưng cũng phức tạp nhất cả nước cho thấy, trung bình mỗi năm có 5.400 người chưa thành niên phạm tôi, chiếm 14,4% tổng số người phạm tội trong cùng thời gian. Hơn 5.000 người trẻ phạm tội đồng nghĩa với việc có từng đó số gia đình bất hạnh.

Sinh con ra, ai cũng muốn con mình khôn lớn, trưởng thành và là công dân có ích cho xã hội. Nhưng nhìn thấy con trượt xuống vũng sâu của tội ác mà không kéo lên được thì quả là đau lòng bởi trách nhiệm đầu tiên chính là sự giáo dục từ phía gia đình.

Vậy tội ác có nguyên nhân từ đâu? Các nhà tội phạm học đã lý giải khá nhiều về vấn đề này, nhưng theo tôi, nguyên nhân cơ bản vẫn là do chủ quan người phạm tội, cụ thể: Người phạm tội không chịu rèn luyện, có lối sống không lành mạnh, có nhiều thói quen xấu, mối quan hệ xấu; đa số có trình độ học vấn thấp, nhận thức các mặt còn hạn chế; lười lao động, không có việc làm ổn định; có biểu hiện tiêu cực trong nhân cách và có sự lệch lạc trong nhận thức về nhu cầu và sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân…

Gần đây, khi những hành vi vi phạm pháp luật nói chung, phạm tội nói riêng đang có chiều hướng gia tăng, người ta còn cho rằng, đói nghèo cũng là nguyên nhân và điều kiện xô đẩy con người vào con đường phạm tội. Tất nhiên, nghèo thường đi với hèn, khiến cho người ta mặc cảm, tự ti về thân phận nên dễ dàng bị dồn vào "đường cùng" và thực hiện những hành động sai trái, xâm phạm các khách thể được pháp luật bảo vệ. Song, sẽ lý giải ra sao khi không ít cán bộ, viên chức, người có chức quyền có hiểu biết pháp luật, có điều kiện kinh tế nhưng vẫn câu kết với nhau để chiếm đoạt tài sản nhà nước với số lượng cực lớn?

Mặt khác, có một thực tế nhức nhối ở các thành phố lớn, đó là khá nhiều thanh thiếu niên được học hành tử tế, gia đình khá giả nhưng chạy theo lối sống hưởng thụ và thực hiện nhiều hành vi phạm tội, thậm chí đặc biệt nguy hiểm? Phải chăng, nguyên nhân sâu xa chính là sự tha hóa về lối sống, nhân cách, sự bế tắc trong tư duy dẫn tới những hành động không thể kiểm soát và gây ra hậu quả cho xã hội?

"Đói cho sạch, rách cho thơm", câu tục ngữ này đã có từ bao đời và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là đạo lý của dân tộc ta khi nói về lối sống thanh cao, giữ gìn phẩm giá tốt đẹp trong mọi hoàn cảnh khó khăn.

Khi nghèo khó, người ta dễ tha hóa, buông xuôi, song câu tục ngữ nhắc con người luôn sống với bản chất thiên lương, trong sạch và trở thành động lực để họ phấn đấu vươn lên, thay đổi số phận. Bởi vậy, đừng vin vào nghèo khó để làm điều xấu, gây ra nỗi đau cho đồng loại, mà hãy nỗ lực thoát nghèo, là người có ích cho gia đình và xã hội.

Phương Ly
.
.
.