Hoàn thiện nhân cách người đẹp, chặng đường còn xa

Chủ Nhật, 10/06/2012, 22:35
Các đường dây người mẫu, hoa khôi bán dâm bị phanh phui thời gian gần đây đã khiến nghề người mẫu (vốn đã lắm điều tiếng) và các cuộc thi nhan sắc, tìm kiếm người mẫu mất dần thiện cảm trong lòng công chúng và được xem cuộc thi không khác gì cuộc “săn mồi ” cho các đại gia. Trong khi đó, vấn đề hoàn thiện nhân cách người đẹp giúp họ vượt qua cạm bẫy của nghề ở các cuộc thi này vẫn chưa được chú trọng.

Khi dư luận đang xôn xao trước vụ việc hàng loạt “chân dài” dính đến các đường dây mua bán dâm ngàn đô trong đó nổi cộm nhất là đường dây của “Tú bà”, người đẹp Mỹ Xuân thì cuộc thi “Người mẫu Việt Nam – Vietnams Next Top Model 2012”, “Hoa hậu Việt Nam 2012” đã chính thức khởi động. Cuộc thi “Siêu mẫu Việt Nam 2012” đang bước vào giai đoạn nước rút với phần thi “Khả năng xử lý tình huống” liên quan đến những vấn đề thực tế của nghề người mẫu. Phần thi vừa kết thúc tại TP Hồ Chí Minh và sẽ được phát sóng trên VTV6 vào ngày 16/6.

Một điều đáng ngạc nhiên là mặc dù đã trải qua 8 lần tổ chức nhưng năm nay phần thi “Khả năng xử lý tình huống” mới có mặt trong nội dung thi của “Siêu mẫu Việt Nam” bên cạnh 3 vòng thi chuyên môn: trình diễn bikini, chụp ảnh đơn – đôi và khả năng cảm thụ âm nhạc. Ở phần thi này, sau một thời gian học diễn xuất với các diễn viên nổi tiếng, thí sinh phải vận dụng để xử lý các tình huống liên quan đến vấn đề nhạy cảm, thực tế của nghề như: người mẫu bán dâm, bị đại gia gạ tình; bị lộ hàng khi trình diễn…

Ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi cho biết: “Với phần thi này, cuộc thi năm nay sẽ hướng các thí sinh đến sự hoàn thiện bản thân nhất, giúp thí sinh không chỉ hoàn thiện về kỹ năng chuyên môn mà còn có cái nhìn thực tế về nghề, từ đó tự trang bị cho mình một tâm thế vững vàng nếu quyết định dấn thân”.

Hoàn thiện nhân cách người mẫu là chặng đường rất dài.

Không thể phủ nhận sự thức thời của Ban tổ chức khi bổ sung phần thi này. Tuy nhiên, với một cuộc thi tầm cỡ quốc gia nhằm tìm kiếm gương mặt mới cho làng người mẫu – một nghề được xem là lắm thị phi và cám dỗ vật chất, thì việc đến lần thứ 8 tổ chức mới có phần thi xử lý tình huống là quá muộn. Điều này cho thấy lối sống, kỹ năng ứng xử trước các vấn đề nhạy cảm liên quan đến nghề nghiệp của thí sinh ở các cuộc thi tìm kiếm người mẫu trước đó vẫn chưa được xem trọng.

Để thí sinh đối mặt với thực tế gai góc của nghề và trang bị cho họ khả năng ứng xử là vấn đề bức thiết đầu tiên mà Ban tổ chức phải làm. Bởi những thí sinh dự thi đa phần có tuổi đời rất trẻ (từ 18-25 tuổi), họ còn thiếu kinh nghiệm sống, cách ứng xử lẫn bản lĩnh nghề nghiệp, do đó rất dễ choáng ngợp trước sự hào nhoáng của nghề, khó tránh những cạm bẫy.

Một vấn đề nữa là ở phần thi này, các thí sinh trổ tài diễn xuất hoặc nói miệng đối phó hơn là tìm cách xử lý khéo léo, nhạy bén các tình huống. Nếu như Phương Mai từ chối vị đại gia vung đô la gạ tình, mua dâm – một vấn đề thời sự đang nóng hiện nay, bằng cách giả điên thì Ngọc Quý và Huy Hoàng liên tục từ chối với câu cửa miệng: “Em không thể  bán rẻ nhân phẩm của mình vì đồng tiền” hay “đồng tiền không mua được tất cả, nghề người mẫu rất thiêng liêng”.

Chính giám khảo Lê Hoàng cũng phải công nhận cách xử lý của thí sinh còn nặng rao giảng đạo đức và quá lý tưởng so với thực tế. Các diễn viên kịch cũng không thể liên tục “làm khó” thí sinh mặc dù cách ứng xử của họ chưa thực sự thỏa đáng. So với tình huống giả định trên sân khấu, thực tế phức tạp hơn rất nhiều. Cách xử lý của thí sinh như thế vẫn chưa thật khéo léo, khó thuyết phục để vượt qua những cạm bẫy thực sự.

Vụ việc bán dâm của giới người mẫu thời gian qua đã thừa nhận một thực tế: không hiếm cô gái trẻ đến với các cuộc thi nhan sắc, người mẫu chỉ với mục đích tìm kiếm danh hiệu mong được nổi tiếng, “nâng giá bản thân” để “săn” đại gia hoặc phục vụ cho mưu đồ nào đó chứ không phải vì niềm đam mê, muốn đóng góp tài năng cho nghề như họ từng tuyên bố. Mới đây, từ chuyện ồn ào của đường dây bán dâm có sự tham gia của người mẫu, diễn viên Hồng Hà và đường dây của “Tú bà” Người đẹp Sóc Trăng 2009 Võ Thị Mỹ Xuân, Ban tổ chức cuộc thi “Siêu mẫu Việt Nam 2012” mới lục tục đem hồ sơ của các thí sinh nhờ Công an kiểm tra.

Nhiều người mẫu chuyên nghiệp thừa nhận rằng việc giữ được mình trước cám dỗ, đặc biệt là sức hút của đồng tiền rất khó. E rằng những tình huống giả định trong cuộc thi “Siêu mẫu Việt Nam 2012” dành cho những bạn trẻ chập chững vào nghề vẫn chỉ là bước khởi đầu mang tính “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa thể giúp họ hoàn thiện bản thân hay hiểu rõ thực tế nghề nghiệp như cuộc thi kỳ vọng. Và quan trọng không phải là trong cuộc thi mà là sau cuộc thi, đơn vị tổ chức có quản lý được người mẫu, hoa hậu của mình như những ý kiến đề xuất trong cuộc họp báo “Hoa hậu Việt Nam 2012” vừa rồi

Quỳnh Nga
.
.
.