Dạy văn hóa và dạy nghề ở Trường Giáo dưỡng số 5:

Hoàn thiện nhân cách, trả lại cho đời những con người có ích

Chủ Nhật, 18/11/2012, 06:30
Một ngày giữa tháng 11/2012, chúng tôi đến Trường giáo dưỡng số 5 (thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an), đặt ở xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (tỉnh Long An), một ngôi trường “đặc biệt” làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục người chưa thành niên có hành vi làm trái pháp luật thuộc 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (từ Long An đến Cà Mau) được xử lý đưa vào trường.

Với 14 năm hoạt động (thành lập ngày 17/9/1998), Trường giáo dưỡng số 5 đã tiếp nhận quản lý gần 7.000 em, đến nay có trên 6.000 em tiến bộ ra trường (có gần 4.000 em được giảm hạn từ 1-6 tháng, trên 1.000 em được thưởng phép về thăm gia đình) và đang quản lý, giáo dục 688 em (có 20 em nữ). Qua khảo sát định kỳ của trường và đánh giá của chính quyền địa phương thì đa số các em sau khi ra trường đều có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định bằng chính tay nghề của mình học được trong thời gian ở trường, chấp hành tốt pháp luật và tỷ lệ tái phạm dưới 18%. Những con số này là một minh chứng cho sự vượt khó, tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trường giáo dưỡng số 5.

Trước khi vào trường, phần lớn các em có cuộc sống gia đình không yên ấm: cha mẹ bị đi tù; cha mẹ ly hôn; cha suốt ngày uống rượu đánh đập vợ con, mẹ lao vào cờ bạc, số đề… Hậu quả là trong cuộc sống hằng ngày các em hành xử bất chấp đạo đức và pháp luật, có lối sống học đòi theo kiểu lố lăng, nói năng tục tĩu và lười lao động, không chịu học tập, thích tự do, phóng túng. Do đó, tuổi còn nhỏ (từ 13 đến dưới 18 tuổi) nhưng nhiều em có nhận thức cuộc sống là phải có nhiều tiền, kể cả trộm cắp, cướp giật. Theo phân tích của Trường giáo dưỡng số 5, hành vi vi phạm của các em bị xử lý gồm: 50% trộm cắp; 35% gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích; 6% cướp - cướp giật….

Nhưng điều làm cán bộ, giáo viên Trường giáo dưỡng số 5 không khỏi ái ngại, lo lắng là trên 30% các em khi được đưa vào trường không biết chữ, số còn lại chủ yếu học tiểu học, nhiều em bỏ học từ lâu, kiến thức bị rơi vãi trở thành “tái mù”.

Đại tá Nguyễn Văn Việt, Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 5 cho biết: “Vì tương lai của các em, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường giáo dưỡng số 5 xác định: Dạy văn hóa xóa mù chữ và nâng cao kiến thức văn hóa phổ thông cho các em là nhiệm vụ quan trọng; phải giáo dục các em toàn diện, trong đó việc hướng dẫn, giúp đỡ các em sửa chữa, từ bỏ những suy nghĩ lệch lạc trên, việc làm đó không thể có kết quả trong ngày một ngày hai mà là cả một quá trình kiên trì, gian khổ và liên tục”.

Dạy nghề may cho các học viên ở Trường Giáo dưỡng số 5.

Có thể nói, công tác dạy văn hóa ở Trường giáo dưỡng số 5 (từ lớp 1 đến lớp 9) là một kỳ công vì phần lớn các em không muốn học văn hóa mà chỉ muốn lao động chân tay, khi bị buộc phải học thì nhiều em lại học yếu, học kém, học theo kiểu đối phó. Không kể ngày nghỉ hay ngày lễ, ban ngày hay buổi tối, các cán bộ, giáo viên lại phải bỏ công sức ra động viên thuyết phục; bên cạnh đó trường dùng biện pháp kỷ luật, dần dần đưa các em vào học tập, sinh hoạt có nền nếp và có ý thức học tập đúng đắn. Đối với những em học kém, các giáo viên phải tranh thủ dạy phụ đạo vào những ngày nghỉ và điều đó đã mang lại kết quả: hằng năm trên 92% học sinh được chuyển lớp (có 40% đạt khá – giỏi). 

Không lấy lý do khó khăn của môi trường giáo dục đặc biệt để Trường giáo dưỡng số 5 dễ dãi trong việc giảng dạy, học tập; hằng năm trường được Sở Giáo dục và Đào tạo Long An đánh giá: “Thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, thi học kỳ, thi tốt nghiệp”. Không chỉ giảng dạy văn hóa một cách đơn thuần, từ năm 2002 Trường giáo dưỡng số 5 đưa chương trình “Giáo dục công dân” và chương trình “Giáo dục sức khỏe sinh sản” vị thành niên vào giảng dạy cho các em.

Giảng dạy văn hóa cho các em đã vất vả, tổ chức cho các em tham gia lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe: dệt chiếu, trồng rau, chăn nuôi, may mặc, chế biến nông sản… lại càng khó khăn gấp bội bởi hầu hết các em không có thói quen lao động. “Mưa dầm thấm lâu”, công sức, thời gian của cán bộ, giáo viên Trường giáo dưỡng số 5 bỏ ra đã có kết quả, dần dà các em không chỉ tiếp thu được kỹ năng lao động, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị góp phần cải thiện đời sống; mà điều lớn nhất là các em có được ý thức, thói quen lao động và quý trọng tài sản do công sức của mình làm ra.

Điều trăn trở, mong muốn nhất của cán bộ, giáo viên Trường giáo dưỡng số 5 là mỗi em khi ra trường phải có một nghề để tự nuôi sống bản thân. Vượt lên những khó khăn, những năm qua trường mở được 28 lớp dạy nghề: điện dân dụng-điện công nghiệp, may công nghiệp, sửa xe máy, tin học, xây dựng… cho 600 em và 100% tốt nghiệp được cấp chứng chỉ nghề bậc 2-3 theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.

Thiếu tá Tạ Văn Lương, Phó Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 5 tâm sự: “Dạy nghề cho các em để có một hành trang bước vào đời là cả một sự cố gắng của trường và các em, song kinh phí dành cho công tác này quá ít. Từ thực tế của đồng bằng sông Cửu Long, Trường giáo dưỡng số 5 mong muốn công tác dạy nghề phải phù hợp với từng vùng sinh sống của các em để sau khi ra trường các em dễ tìm được việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài, không tái phạm”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kinh phí dành cho công tác dạy nghề  quá eo hẹp; mỗi tháng một em chỉ được cấp kinh phí 5kg gạo - tương đương 50.000 đồng, trong khi thực tế đào tạo cho 1 em thành nghề (4 tháng) phải mất 1 triệu đồng. Chưa hết, các thiết bị dùng cho dạy nghề: máy may, động cơ xe máy, động cơ máy dùng cho ghe, tàu… không những thiếu mà đều cũ kỹ, lạc hậu; muốn có các thiết bị mới (chẳng hạn động cơ các loại xe máy tay ga đời mới) thì vượt quá khả năng của trường. Rất cần sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH

Công Trường
.
.