Xung quanh việc nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM và các đồng phạm bị khởi tố

Thứ Bảy, 17/11/2018, 15:18
Việc ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM và các đồng phạm trong vòng 2 tháng đã hai lần bị khởi tố để điều tra về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai" đã gây sự chú ý lớn của dư luận.


Đặc biệt, trong các dấu hiệu sai phạm, có việc hàng loạt khu "đất vàng" công sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã bị ông Nguyễn Hữu Tín và các thuộc cấp "hô biến" thành đất tư nhân…

"Phù phép" đất công thành đất tư

Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can: Nguyễn Hữu Tín (61 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Đào Anh Kiệt (61 tuổi), nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP Hồ Chí Minh; Lê Văn Thanh (56 tuổi), Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thanh Chương (44 tuổi), Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh và Trương Văn Út (48 tuổi), Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai - Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai".

Khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 hiện đã thuộc về tay tư nhân.

Trong 5 bị can, ngoài Trương Văn Út lần đầu bị khởi tố, bốn người còn lại đã bị khởi tố vào ngày 18-9-2018 trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo kết quả điều tra ban đầu, 5 bị can trên bị khởi tố do liên quan đến quá trình xử lý khu "đất vàng" số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Khu đất này rộng khoảng 6.000m2, nằm ở vị trí đắc địa với 4 mặt tiền đường Đông Du, Thi Sách, Công Trường Mê Linh và Hai Bà Trưng được giao cho Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) quản lý. Đến nay, với vị trí đắc địa 4 mặt đường, giới kinh doanh ước tính mỗi m2 đất tại đây sẽ có giá không dưới 1 tỷ đồng.

Sau đó, Bộ Tài chính cho phép sử dụng khu đất này để xây dựng trụ sở văn phòng Sabeco và Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất công. Trên cơ sở đó, Sabeco dự kiến sẽ xây dựng khu đất này thành Dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower với tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, năm 2015, Sabeco lập ra Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 4 cổ đông sáng lập ban đầu của Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl gồm: Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (sở hữu 25,5%), Công ty CP Đầu tư Mê Linh (25,5%), Công ty CP Attland (23%) và Sabeco (26%).

Sau đó, dựa trên tờ trình của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Đào Anh Kiệt, vào tháng 6-2015, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl thuê khu đất với thời gian 50 năm để xây dựng dự án khu phức hợp, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê.

Theo quy trình tổ chức của Sở TN-MT, hồ sơ về giải quyết thủ tục giao lô đất cho Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl do ông Trương Văn Út (Phó phòng Quản lý đất) phụ trách, lập tờ trình để giám đốc Sở duyệt rồi trình lên UBND TP. Quyết định của ông Tín được cho là trái quy định so với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính cấp phép cho lô đất này trước đó như kể trên. Như vậy, đáng lý ra, lô đất 6.000m2 này được giao cho Sabeco trực tiếp sử dụng theo diện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Trong trường hợp Sabeco không có nhu cầu sử dụng lô "đất vàng" thì thành phố phải giao đất qua đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải tự ý giao chỉ định cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl.

Điều đáng nói là đến tháng 6-2016, Sabeco đã thoái vốn theo hình thức đấu giá bán toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ (26% vốn điều lệ) cho các cổ đông sáng lập khác. Theo đó, Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho Attland. Sau đấu giá, Attland đã nắm 49% cổ phần tại Sabeco Pearl, 51% còn lại được chia đều cho hai thành viên sáng lập còn lại là Công ty Hà An và Công ty Mê Linh.

Bị can Nguyễn Hữu Tín và các bị can Kiệt, Thanh, Chương, Út.

Đến tháng 10-2016, Sabeco Pearl đã đổi tên thành Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh. Như vậy, sau một thời gian qua quá trình cho thuê, hiện lô đất này đã rơi vào tay tư nhân một cách "ngoạn mục". Và đến nay, khu đất này hầu như vẫn bỏ trống không, bên trong cỏ mọc um tùm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các cá nhân có liên quan tại các sở, ban, ngành của TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương và Sabeco để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cưỡng chế, giao đất công trình công cộng cho công ty của Vũ "nhôm"

Trước đó, vào tháng 9-2018, ông Nguyễn Hữu Tín (cùng với các bị can Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh và Nguyễn Thanh Chương) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" do dính đến nhiều sai phạm tại các dự án của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm").

Trong đó, ông Tín được cho là đã ký quyết định giao hai khu đất có vị trí đắc địa cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 do Vũ "nhôm" làm giám đốc. Cụ thể, tháng 6-2015, ông Tín đã ký quyết định chấp thuận cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 thuê khu đất hơn 2.300m2 tại số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1, với điều kiện công ty này không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất.

Nửa năm sau, UBND thành phố có văn bản công nhận Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ - căn hộ tại địa chỉ trên và hướng dẫn công ty liên hệ các sở, ngành để thực hiện thủ tục triển khai dự án.

Đến tháng 5-2016, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục cho phép chủ đầu tư xây dựng tòa nhà 18 tầng để làm dịch vụ, thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ... Sau đó, UBND thành phố quyết định cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 chuyển mục đích sử dụng đất tại địa chỉ trên, hoàn thành quá trình giao đất cho công ty này. 

Tiếp đó, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 có văn bản xin được phê duyệt quy hoạch công trình phức hợp 20 tầng trên khu đất này, mật độ xây dựng 40%, tổng diện tích xây dựng dự kiến là hơn 13.000m2, nhưng không được chấp thuận. Hiện công ty này đã cải tạo khu nhà cũ để làm văn phòng 3 tầng với tổng diện tích gần 500m2, phần còn lại được rào kín, chưa xây dựng.

Không chỉ thế, ngày 6-10-2015, ông Tín lại ký văn bản giao Ban chỉ đạo 09 (Sở Tài chính) và Sở TN-MT thành phố thực hiện thủ tục bán chỉ định mặt bằng số 129 Pasteur cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79. Hiện ngoài cổng căn biệt thự này có gắn hai bảng tên là Công ty CP Đầu tư Peak View và Công ty TNHH Saigon Premier.

Chưa kể trước đó, ngày 22-6-2011, UBND TP Hồ Chí Minh đã từng có Quyết định 3163 cho phép công ty của Vũ "nhôm" sử dụng khu đất số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1, nằm sát khuôn viên Thư viện Tổng hợp) với thời hạn 50 năm. Đến tháng 5-2012, Sở TN-MT đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 có hạn đến đến giữa năm 2061. Dựa trên các quyết định này, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 đã vẽ ra dự án xây dựng khu phức hợp cao 25 tầng, trên khu "đất vàng" có diện tích khoảng 13.000m2 này.

Đáng nói hơn, xung quanh khu đất này, ông Tín cũng dính trách nhiệm khi quyết định chỉ đạo cấp dưới cưỡng chế căn nhà liền kề khu đất, số 69A đường Lý Tự Trọng của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thanh. Sự việc này dẫn đến khiếu kiện việc chính quyền "tiếp tay" cho Vũ "nhôm" lấy đất của dân.

Căn nhà số 69A đường Lý Tự Trọng trước đó được chính quyền xác lập tính pháp lý của gia đình ông Thanh. Sau đó, chính quyền đã có chủ trương hoán đổi ngôi nhà cho gia đình ông Thanh để lấy đất phục vụ xây dựng Thư viện Thiếu nhi thành phố. Thế nhưng, ông Tín lại có văn bản chỉ đạo UBND quận 1 cưỡng chế hộ gia đình ông Thanh để giao cho công ty của Vũ "nhôm" làm dự án văn phòng làm việc.

Có thể thấy, một khu đất có chủ trương xây dựng công trình công cộng đã bị ông Tín và một số cá nhân "phù phép", giao cho doanh nghiệp làm dự án kinh doanh.

Việc ông Nguyễn Hữu Tín ký các quyết định cho công ty của Vũ "nhôm" thuê căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013 và dựa trên đề nghị của Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt mà không thông qua đấu giá như quy định. Và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất như trên là không đúng theo Quy định số 09 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Ngoài những khu "đất vàng" kể trên, một số khu đất đắt giá khác cũng được ông Tín và cấp dưới dễ dàng chuyển giao cho công ty của Vũ "nhôm". Có thể kể như khu đất ở số 15 đường Thi Sách, quận 1, có diện tích hơn 2.300m2 cũng rơi vào tay Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 nhờ vào các văn bản (với chiêu bài cho thuê 50 năm) của ông Đào Anh Kiệt và ông Nguyễn Hữu Tín khi đương chức.

Khu đất số 8 Nguyễn Trung Trực hiện vẫn để bảng hiệu trụ sở của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79.

Hay một khu đất khác nằm trên đường Pasteur, quận 1. Tháng 10-2015, ông Nguyễn Hữu Tín đã ký công văn yêu cầu Sở Tài chính và Sở TN-MT thành phố bán chỉ định lô "đất vàng" này cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79.

Đáng nói là hầu hết các khu đất được UBND TP Hồ Chí Minh mà trực tiếp là ông Nguyễn Hữu Tín ký giao cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ "nhôm" đều là "đất vàng" hai mặt tiền, tọa lạc tại trung tâm thành phố.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ về các vụ án liên quan đến Vũ "nhôm". Trong đó, tập trung vào việc chính quyền UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho Vũ "nhôm" thuê trái pháp luật hàng loạt khu "đất vàng", gây thất thoát cho Nhà nước và dần hé lộ sai phạm của các cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phú Lữ
.
.
.