Xe đạp thuê kéo giảm kẹt xe

Thứ Ba, 28/02/2017, 10:52
Ở Trung Quốc đang có dịch vụ cho thuê xe đạp - còn gọi là “chia sẻ xe đạp”-đậm tính cạnh tranh, trong nỗ lực kéo giảm ùn tắc giao thông.


Từ lâu, các thành phố lớn Trung Quốc đều có các chương trình cho thuê xe đạp - còn gọi là chương trình “chia sẻ xe đạp” - do nhà nước trợ giá, để kéo giảm sự quá tải trên đường bộ và xe điện ngầm. Chương trình “Xe đạp tập thể” của Hàng Châu là kế hoạch lớn nhất thế giới với 84.000 xe đạp cho thuê.

Nhưng ở các thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải không có nhiều bãi đậu xe, nên các nhà quản lý lo ngại những trạm cho thuê xe đạp có thể góp phần tăng ùn tắc giao thông, dù cho đến nay vẫn chưa có qui định cấm lập các trạm này.

Các công ty cũng đối mặt với các vấn nạn, như trộm xe, phá hoại và đôi khi phải cử nhân viên đi thu gom số xe bị “vứt” ở các trạm trả xe đạp cho thuê. Dù vậy, dịch vụ cho thuê xe đạp đang “ăn” ở Trung Quốc, với hơn công ty khởi nghiệp nổi lên trong năm 2016, mà Ofo và Mobike là hai công ty khởi nghiệp nổi tiếng “ăn nên làm ra” nhất.

Sau hàng chục năm kinh tế tăng trưởng nóng, đa số dân Trung Quốc không dùng xe đạp nữa. Loại xe này từng một biểu tượng của thời xưa nghèo khổ ở nước này, theo báo The Wall Street Journal. Nay, thủ đô Bắc Kinh thường xuyên kẹt cứng với 5,6 triệu xe con lưu thông. Vì thế, hai công ty Ofo và Mobike tập trung vốn vào dịch vụ cho thuê xe đạp, theo kiểu “hai lốp ngon hơn 4 lốp”.

+ Xe xịn, trộm khó “ăn”

Ofo được 5 sinh viên Đại học Bắc Kinh lập năm 2015, nhắm đến giới sinh viên nên đem giải pháp “xe đạp cho thuê giá bèo” đến 200 ký túc xá đại học, sau đó đưa xe đến các thành phố lớn. Hiện công ty có tổng cộng 1 triệu xe ở 33 thành phố, so với Mobike cho thuê xe ở 13 thành phố, với hơn 100.000 xe ở mỗi thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến.

Chiếc xe đạp thông minh sơn màu vàng của Ofo có mức cho thuê rẻ 99 NDT/giờ  (tương đương 7 cent Mỹ/giờ) và đặt tiền thế chân 13 USD nhưng có mức giá khuyến mãi cho sinh viên và giáo viên. Người thuê xe sẽ nhận một bộ mã qua một phần mềm ứng dụng để mở khóa xe. Ofo nắm được vị trí xe thông qua sự chia sẻ vị trí từ điện thoại thông minh của người thuê xe.

Người thuê xe đạp của Ofo và Mobike ở Thượng Hải.

Mobike nhắm tới giới công chức vốn có thể đặt tiền thế chân gần 50 USD và sử dụng hệ thống khóa thông minh gắn máy định vị GPS. Khách thuê dùng điện thoại thông minh để định vị chiếc xe đạp thông minh màu cam tươi của Mobike đang ở vị trí nào gần nhà, tìm đến và mở khóa rồi sử dụng xe đạp.

Xe đạp của Mobike nặng hơn, có giá sản xuất 3.000 NDT/chiếc. Xe có gắn GPS nên người dùng có thể “vứt” xe bất kỳ đâu, không cần bãi đậu. Một ứng dụng cung cấp một bản đồ vị trí xe và hướng dẫn người thuê tìm đến xe. Một thiết bị báo động cũng sẽ báo tới tổng đài, nếu một xe di chuyển mà không mở khóa.

Cả Mobike và Ofo đều nói hiện họ không quan tâm chuyện lời lãi, và chuyện bị trộm xe hoặc phá xe chỉ tác động đến một số ít xe của họ. Cả hai công ty đều có cách theo dõi người thuê để thưởng nếu khách biết “giữ của” và trừng phạt khách “không biết điều”. Họ cũng đang phối hợp với Công an địa phương để thu hồi xe bị mất.

Đôi lúc nhân viên phải đi thu hồi xe bị vứt xuống sông hoặc treo lên lan can nhà người nào đó. Hồi tháng 8-2016, Công an tìm ra được một chiếc Mobike bị trộm, nhờ sự hỗ trợ của GPS và máy thu hình kiểm soát an ninh cho thấy 3 tên trộm đang cố gắng nhét chiếc xe vào xe ôtô của chúng. Công an cho biết, bọn trộm khai chúng mất 1 giờ đồng hồ mới bẻ khóa được GPS của chiếc xe.

+ Cuộc chạy đua kiếm tiền quyết liệt

Theo ghi nhận của báo The Wall Street Journal, cuộc chạy đua giữa Ofo và Mobike ngày càng trở nên quyết liệt. Hiện tại, cả Ofo lẫn Mobike đều chưa có lãi, mỗi công ty đều phải đối mặt với nhiều thách thức như thường xuyên bị trộm xe, vì cả hai công ty chưa có trạm đậu xe đạp như ở các nước khác trên thế giới có chương trình “chia sẻ xe đạp”.

Dù vậy, nguồn vốn vẫn đổ đến, gồm từ công ty “xe ôm” Didi Chuxing và từ các gã công nghệ khổng lồ Trung Quốc như Tencent Holdings và nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi. Dù nguồn vốn của Ofo và Mobike năm 2016 thấp hơn so với năm 2015, các nhà đầu tư và các công ty kỹ thuật nhảy vào thị trường cho thuê xe đạp, cùng lúc dịch vụ xe chờ khách gọi (như Uber) ở Trung Quốc phải đối mặt với những rào cản về quản lý. Uber đã được chuyển cho Didi điều hành.

Ofo (tên chính thức là Beijing Bikelock Technology Co)  gần đây quyên được 130 triệu USD từ các nhà đầu tư như công ty “xe ôm” Didi Chuxing, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và có cả tiền đầu tư của tỉ phú Nga Yuri Milner, một người từng ủng hộ Tập đoàn Facebook lúc ban đầu. Ofo nói họ sử dụng nguồn vốn để sản xuất xe mạnh hơn và mở rộng chương trình đến nhiều ký túc xá hơn.

Tháng 9-2016, Mobike (tên chính thức là Beijing Mobike Technology Co) đã có số vốn khoảng 215 triệu USD từ những công ty “chống lưng” như Sequoia Capital, Warburg Pincus và Tencent. Các đơn vị này cho biết họ ưng kiểu thiết kế (có lấy bằng phát minh hẳn hoi) nên muốn hợp tác với Mobike để “đem lại một trải nghiệm đi lại tốt hơn cho người dùng”. Kế hoạch của công ty này là tăng gấp đôi sản lượng xe đạp thông minh lên 10 triệu chiếc.

+ “Dập tắt” dịch vụ xem thường pháp luật

Trong khi đó, chính quyền thành phố San Francisco (Mỹ) thì dập tắt lập tức kiểu làm ăn “cứ khai trương trước, qui định, luật lệ tính sau” của công ty khởi nghiệp cho thuê xe đạp Bluelogo (Trung Quốc).

Ngày 23-1-2017, Bluelogo phải tuyên bố từ bỏ kế hoạch mở dịch vụ cho thuê xe đạp ở các bãi đậu xe đạp công cộng của San Francisco. Phó chủ tịch Ilya Movshovich nói: “Chúng tôi không muốn dịch vụ khởi nghiệp này bị xem là kiểu ra mắt với thành phố trước rồi sau đó mới giải quyết tất cả các vấn đề liên quan”.

Bluegogo đã tính khai trương dịch vụ “chung xe đạp” đầu tiên ở Mỹ này từ ngày 23-1 tại San Francisco, với ý tưởng đây là một dịch vụ “không cần trạm”: cho phép người thuê xe sau khi thực hiện cuốc xe sẽ trả xe tại bất kỳ bãi đậu công cộng nào, thay vì phải đem xe trả về trạm cho thuê.

Báo Mercury News nêu, giống như Uber đã áp dụng với xe hơi “tự lái” mà không xin giấy phép (sau một tuần tranh cãi thì Cơ quan quản lý giao thông bang California đã thu hồi giấy đăng ký xe, không cho xe Uber chạy ngoài đường), Bluegogo “toan lừa” chính quyền vì kế hoạch của họ là đặt nhiều xe ở các nơi công cộng mà không có sự chấp thuận của chính quyền.

Trước đó, chính quyền đã yêu cầu Bluegogo phải xin phép mở dịch vụ tại San Francisco. Đến trung tuần tháng 1, chính quyền dọa sẽ phạt hàng ngàn USD, sung vào công quỹ các xe của Bluegogo nếu công ty thực hiện kế hoạch, với lý do lo ngại người thuê sẽ bỏ hàng chục ngàn xe đạp ở các bãi đậu và  sẽ gây lộn xộn trên các con đường, cũng như gây phiền toái cho người đi bộ trên lề đường. Chính quyền khẳng định sẽ kiên quyết xử lý các công ty kỹ thuật “làm ẩu” trước rồi mới xin phép hoặc xin “thông cảm bỏ qua” hành vi của họ.

Theo báo Mercury News, đấy là tín hiệu cho thấy Bluegogo cố tỏ ra khác biệt với những công ty như Uber vốn nổi tiếng phớt lờ các qui định của địa phương. Theo báo Guardian (Anh), những dịch vụ “xài chung xe đạp” mà “không cần trạm” đã gây mất an ninh ở các thành phố Trung Quốc, nơi mà người thuê bỏ mặc hàng trăm xe trên đường. Nhưng Bluegogo nói sẽ không có chuyện đó ở San Francisco, và luật Trung Quốc không cấm bỏ xe trên đường; đồng thời thị trường này đã có hàng chục công ty “xài chung xe đạp” mà “không cần trạm” khác. 

Xe đạp Bluegogo được nạp nguồn năng lượng mặt trời để có điện cho đèn trước và hệ thống định vị toàn cầu GPS. Công nghệ khóa thông minh giúp khóa bánh sau của xe đạp khi không sử dụng, người dùng có thể mở khóa bằng cách sử dụng một mã QR và điện thoại di động của họ, trả khoảng 99 cent cho 30 phút thuê xe. Nếu có kẻ toan trộm xe đang khóa thì chỉ cần kẻ ấy bước đi thì xe sẽ “hú coì” báo động như tiếng còi của một xe tải đang áp sát phía sau.

Bluegogo thừa nhận hệ thống báo động này có thể không chặn được tất cả các vụ trộm tại một thành phố nổi tiếng về chuyện bị mất xe đạp. Nhưng Bluegogo đã cố hết sức để chiếc xe không trở thành một mục tiêu dễ dàng cho bọn trộm, vì chúng sẽ phải cần các thiết bị chuyên dụng mới có thể tháo được bánh xe ra.

Các chiếc xe đều được lắp ráp bằng nhiều linh kiện chuẩn mà các tay “luộc xe” gian xảo không thể tháo ra để bán hoặc lắp vào các xe bị trộm khác. Nếu một xe Bluegogo bị trộm, hệ thống GPS sẽ sớm giúp cảnh sát định vị được vị trí của xe và của kẻ trộm.

+ Ở phương Tây, chương trình “chia sẻ xe đạp” chủ yếu nhờ chính phủ trợ giá hoặc được các công ty tài trợ, và nhiều chương trình đã bị phá sản.

+ Một trong những ngoại lệ là Nextbike, một công ty Đức hoạt động trong 10 năm hiện có 30.000 xe đạp ở hơn 100 thành phố trên thế giới.

Thảo Hương (theo The Wall Street Journal)
.
.
.